Ngân sách nhà nước có “mệnh giá chính trị”

Phóng viên (PV): Sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước dành cho Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng và rộng ra là lĩnh vực văn hóa có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi quan niệm văn hóa như một đại lộ; chính trị, kinh tế, xã hội đi trên đại lộ đó. Văn hóa chính là khởi thủy, chứa đựng và dẫn dắt mọi thứ. Bởi vậy, việc đầu tư của Nhà nước cho văn hóa vô cùng quan trọng, mang “mệnh giá chính trị” để kiến tạo giá trị tốt đẹp cho đất nước.

Sự đầu tư cho văn hóa hiện nay, theo tôi, thể hiện ở hai khía cạnh: Về tinh thần đó là đặt niềm tin vào bản lĩnh, tài năng của đội ngũ làm văn hóa; cùng với đó là không ngừng đầu tư vật chất để cho lĩnh vực văn hóa phát triển.

Riêng về đầu tư vật chất, ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa hiện nay vô cùng ít ỏi. Với Hội Nhà văn Việt Nam, ngân sách hằng năm chỉ giúp duy trì các hoạt động cơ bản.

leftcenterrightdel
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. 

PV: Nếu không phải là điều khó nói, ông có thể cho biết ngân sách nhà nước đầu tư cho Hội Nhà văn Việt Nam hằng năm là bao nhiêu?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Không hiểu từ đâu có lời đồn là ngân sách nhà nước dành cho Hội Nhà văn Việt Nam mỗi năm hơn 100 tỷ đồng. Xin khẳng định, con số đó chỉ có trong mơ, thực tế chỉ hơn 10 tỷ đồng/năm. Trong đó, đầu tư cho hoạt động sáng tác trên dưới 4 tỷ đồng/năm. Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 1.200 hội viên, nếu chia bình quân, mỗi hội viên chỉ được khoảng 3 triệu đồng/năm.

Ở những cơ quan trực thuộc Hội là Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Báo Văn nghệ, không có một ai hưởng lương Nhà nước. Dù đã là tháng 6-2024 nhưng tiền đầu tư cho các hoạt động của Bảo tàng Văn học Việt Nam năm nay vẫn chưa được cấp. Lý do được đưa ra là Bảo tàng có doanh thu. Thực tế, mỗi vé cho người lớn chỉ 20.000 đồng; không có quá nhiều khách tham quan, thu không đủ chi.

Tới đây, Hội sẽ tiến hành tổng kết 50 năm nền văn học Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất. Đây là một sự kiện rất quan trọng, nhưng khi trình lên cấp trên thì chúng tôi nhận được câu trả lời là phải chủ động kinh phí.

PV: Phải chăng vì ngân sách hoạt động eo hẹp buộc Hội Nhà văn Việt Nam phải tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đúng vậy! Nhờ đó, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động không sử dụng ngân sách, có tầm ảnh hưởng như: Giải thưởng tác giả trẻ, dự án “Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa”, cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi...

Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất (tháng 10-2023) được tổ chức bằng 100% kinh phí xã hội hóa. Đây là hoạt động được dư luận đánh giá cao, nhưng chúng tôi không nhận được một đồng nào từ ngân sách, do đây là hoạt động đột xuất. Vì phải mướt mồ hôi lo kinh phí, cá nhân tôi và một số thành viên trong Hội Nhà văn Việt Nam bị ốm. Trước khi tổ chức, chúng tôi đã xin chủ trương và được đồng ý cho phép thực hiện. Mặt khác, chúng tôi có lòng tự trọng, không phải tự nhiên “vẽ việc” đột xuất để xin kinh phí vô tội vạ. Bản thân tôi nghĩ nên có “độ mở” dành cho những sự kiện đột xuất nhưng có sức lan tỏa lớn.

Hiện nay, chúng tôi ấp ủ nhiều dự án, hoạt động. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất ủng hộ nhưng khi trình xin kinh phí lại gặp khó khăn. Nếu không được cấp kinh phí, chúng tôi không dám làm bởi rất dễ... vỡ trận. Bản thân tôi phải vay “ngân hàng gia đình”, mang tiền nhà đi ứng trước, đến nay vẫn chưa được thanh toán.

PV: Các tổ chức, cá nhân tài trợ cho những hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam có đòi hỏi quyền lợi gì không? Kinh nghiệm của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực xã hội là gì, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chưa có một nhà tài trợ nào đặt vấn đề quyền lợi khi đồng hành với Hội Nhà văn Việt Nam, bởi họ quý trọng văn chương và thấy văn chương có ích cho xã hội.

Chúng tôi huy động nguồn lực xã hội hóa nhờ uy tín của Hội và các mối quan hệ cá nhân. Khi đi kêu gọi tài trợ, tôi hay hỏi vui các doanh nhân rằng: “Nếu ông để quên 5 tỷ đồng trong tủ thì có ảnh hưởng gì đến công ty không?”; nhiều người trả lời là không. Tôi lại hỏi: “Nếu 5 năm sau, ông tìm lại 5 tỷ đồng đó thì ông thấy thế nào?”; đa phần đều trả lời rất vui. Tôi liền nói: “Vậy thì ông hãy cho Hội Nhà văn Việt Nam 5 tỷ đồng, tôi tin 5 năm sau, ông sẽ nhận được giá trị hơn cả số tiền đã cho đi”.

Về lâu dài, Nhà nước phải sớm tạo ra những quy định để các doanh nghiệp có được lợi ích khi đầu tư, tài trợ cho văn hóa. Có như vậy, việc vận động xã hội hóa của các hội văn hóa, văn nghệ mới thuận lợi.

leftcenterrightdel
Các nhà văn đi thực tế sáng tác tại Học viện Hải quân. Ảnh: XUÂN HÙNG 

Con người nào, phong trào đấy

PV: Ông nghĩ thế nào về nghịch lý: Có tổ chức hội dám nghĩ, dám làm thì thiếu kinh phí; nơi khác rủng rỉnh được quan tâm đầu tư lại làm việc qua loa đại khái?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đây là một sự thực đáng buồn. Năm 2023, Báo Văn nghệ kỷ niệm 75 năm ra đời số báo đầu tiên, vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng và đánh giá cao, song đầu tư từ ngân sách cho tờ báo là 0 đồng. Nhuận bút của Báo Văn nghệ cao nhất chỉ 500.000 đồng/bài, trong khi nhiều tờ báo văn nghệ địa phương trả tới 1,5 triệu đồng/bài. Giải thưởng văn học thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam được đánh giá rất cao về chuyên môn nhưng tiền thưởng chỉ 20 triệu đồng/hạng mục. Việc đầu tư cho báo chí, văn học, nghệ thuật, mỗi nơi một kiểu, không hề công bằng.

PV: Với tư cách là người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam, quan điểm của ông về sử dụng ngân sách nhà nước như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khi được Nhà nước đầu tư một đồng thì phải sử dụng đến tận cùng giá trị về kinh tế, vật chất.

Nếu được đầu tư nhiều hơn, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ dịch thuật và giới thiệu văn học Việt Nam một cách bài bản. Lâu nay, công việc này chủ yếu thông qua mối quan hệ cá nhân; đôi khi giới thiệu hình ảnh méo mó về con người và đất nước của chúng ta. Các đơn vị xuất bản đặt vấn đề kinh doanh nên việc này không được quan tâm do khó mang lại lợi nhuận. Tất yếu cần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc sử dụng quyền lực, uy tín của Nhà nước kêu gọi xã hội góp sức.

Cách đây 30 năm, cứ một cuốn sách Việt Nam dịch ra tiếng Hàn Quốc thì có một cuốn sách Hàn Quốc được dịch ra tiếng Việt. Bây giờ tỷ lệ chênh lệch hàng chục lần nghiêng về phía nước bạn. Hàn Quốc làm được việc này vì họ tập trung tài lực để thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

PV: Có ý kiến cho rằng: Kinh phí rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Câu chuyện đầu tiên và quyết định vẫn là con người sử dụng kinh phí như thế nào! Ông suy nghĩ gì về ý kiến này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hội Nhà văn Việt Nam sẵn sàng chỉ làm theo đúng những gì của Nhà nước đầu tư cho xong việc, nhưng trong thâm tâm với lòng tự trọng và cả tự ái của chúng tôi không cho phép điều đó. Nếu Hội chỉ hoạt động trong ngân sách hằng năm thì hoạt động sẽ rất đơn điệu, ít có tác động đến xã hội.

Thời gian qua, tôi hay rà soát trên không gian mạng tìm các nhà văn trẻ có tiềm năng để hỗ trợ kinh phí đầu tư in sách nhằm quảng bá, khích lệ, giới thiệu họ. Tôi cho rằng, ý thức của Ban Chấp hành và nhất là người đứng đầu thì phải nhận ra những việc cần làm vì mục đích chung và phải dấn thân, không trông chờ vào kinh phí được cấp.

Điều quan trọng là chúng ta nhận thức về đầu tư cho văn hóa ra sao. Cần xác định quan điểm là đầu tư phát triển văn hóa không phải là trồng khoai chỉ vài tháng là dỡ được. Nếu không hiểu sự cấp thiết của văn hóa sẽ chẳng có sự thay đổi nào hết. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa không nhiều, mấu chốt vẫn là chúng ta phải sử dụng như thế nào, mục đích gì, triển khai ra sao để đồng tiền đó được đầu tư đúng, trúng và mang lại hiệu quả cao nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

“Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hóa, lĩnh vực Nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư bảo tồn, xây dựng và phát triển. Tăng mức đầu tư cho văn học, nghệ thuật; bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu lớn, cho hoạt động sáng tạo của các hội văn học, nghệ thuật, xác định việc đầu tư này là đầu tư cho phát triển”. (Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”)

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.