Từng bước khơi thông nguồn lực

Phóng viên (PV): Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đặt ra giải pháp “tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa”. Bà có thể cho biết mức đầu tư của Nhà nước đã tương xứng với mức độ tăng trưởng kinh tế chưa?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Kinh phí bố trí cho các nội dung, nhiệm vụ phát triển văn hóa được giao chung trong các lĩnh vực chi sự nghiệp văn hóa thông tin, thể dục-thể thao, du lịch và theo phân cấp ngân sách hiện hành; bố trí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các đề án, dự án có liên quan bảo đảm phát huy đa dạng từ nhiều nguồn lực tài chính khác nhau thúc đẩy phát triển văn hóa theo xu hướng chi cho văn hóa ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước nhằm thực hiện các nghị quyết, chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy. 

Trên bình diện quốc gia, nguồn lực đầu tư cho văn hóa lần đầu tiên được Quốc hội phê duyệt 1,8% và đang hướng đến mục tiêu năm sau luôn cao hơn năm trước. Chính phủ đã ưu tiên dành 1.428 tỷ đồng để 17 tỉnh, thành phố triển khai tu bổ, tôn tạo các di tích có giá trị tiêu biểu.

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông. Tổng mức đầu tư theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Bộ VHTTDL tăng gấp 4 lần so với nhiệm kỳ trước.

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa các năm 2022, 2023 của các địa phương bước đầu đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc. 

Những thông tin, số liệu nêu trên là minh chứng cho thấy sự chuyển biến tích cực về tư duy, quan điểm đầu tư cho văn hóa.

PV: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn phải chi cho những lĩnh vực quan trọng không kém, cần nhận thức thế nào về ngân sách chi cho văn hóa, thưa bà?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Nguồn lực ngân sách chi cho văn hóa hiện nay gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó gồm có các nguồn vốn sự nghiệp (chi thường xuyên), vốn đầu tư công, vốn tài trợ, đặt hàng, trợ giá, trợ cước...

Tổng hợp số liệu tại Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW cho thấy: Nguồn vốn chi thường xuyên cho sự nghiệp văn hóa thông tin được Nhà nước giao chỉ đáp ứng khoảng 70% kế hoạch đề xuất, một số nhiệm vụ được giao phát sinh trong năm phải tự cân đối trong dự toán được giao.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng cũng như các nhiệm vụ chính trị được giao.

leftcenterrightdel

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943-2023). Ảnh: THANH TÙNG

PV: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đang được xây dựng sẽ mang lại nguồn lực quan trọng. Bà có thể cho biết những quan điểm cốt lõi về đầu tư của chương trình?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, trong thời gian qua (từ tháng 3-2023), Bộ VHTTDL đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Mục tiêu của chương trình là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản đặc sắc; xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chất lượng cao...

Về đối tượng đầu tư, chú trọng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật; các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia; các thiết chế văn hóa, không gian sáng tạo; đội tuyên truyền lưu động; các đồn biên phòng; cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật...

Sau khi chương trình được Quốc hội phê duyệt chủ trương, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình để xác định các dự án cụ thể, đồng thời, chương trình cũng được thiết kế trong năm 2025 tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn, tránh việc chương trình được phê duyệt nhưng chưa hoàn thiện các văn bản hướng dẫn.

Khối lượng công việc là rất lớn, Bộ VHTTDL rất mong lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương quan tâm, phối hợp để triển khai xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình và các văn bản hướng dẫn.

Chương trình có sự tham gia đa dạng từ các cấp chính quyền, Nhà nước đến các tổ chức, người dân, toàn xã hội. Đối với ngân sách địa phương, Bộ VHTTDL đã tổng hợp các đề xuất của các địa phương, tỷ lệ vốn đối ứng sau khi chương trình được phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ VHTTDL chủ trì xây dựng cụ thể nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và quy định đối ứng của ngân sách. Theo đó, đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, chưa có khả năng tự cân đối được ngân sách sẽ đề xuất tỷ lệ vốn đối ứng thấp hơn.

Ngành văn hóa rất cần nguồn lực tư nhân

PV: Có ý kiến cho rằng, nếu không thu hút nguồn lực xã hội hóa mà chỉ trông chờ vào ngân sách thì văn hóa khó phát triển. Bà có thể cho biết quan điểm của Bộ VHTTDL về vấn đề này?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Thời gian qua, việc xã hội hóa các nguồn lực cho phát triển văn hóa đã và đang được triển khai thực hiện và bước đầu thu được một số kết quả cụ thể sau:

Lĩnh vực di sản văn hóa đã kêu gọi được sự quan tâm đóng góp của các tổ chức, cá nhân ngay từ bước lập hồ sơ đến việc phổ biến, truyền dạy, phát huy giá trị di sản, như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bài chòi, danh thắng Tràng An...; hay một số cơ sở văn hóa tâm linh đã được đầu tư, thu hút nhiều lượt khách du lịch đến tham quan như chùa Bái Đính, Khu du lịch Đại Nam...

Đặc biệt, nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh ngày càng sôi động với khát vọng đưa phim Việt Nam ra thế giới: “Lật Mặt 7” (2024) của đạo diễn Lý Hải đã thu về 450 tỷ; “Mai” (2024) của đạo diễn Trấn Thành đạt doanh thu 520 tỷ là những con số biết nói, minh chứng cho việc các nhà sản xuất biết cạnh tranh để vươn lên trong thị trường nghệ thuật khắc nghiệt, số lượng rạp chiếu phim nước ngoài và tư nhân chiếm ưu thế.

Ngành văn hóa rất cần nguồn lực tư nhân nên cần tập trung một số giải pháp như sau: Cần có đầu tư tương xứng từ ngân sách nhà nước để mang tính định hướng. Cần kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để các nhà đầu tư tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa. Rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm khuyến khích hơn nữa việc kêu gọi đầu tư từ trong nước và nước ngoài. Tạo điều kiện cho các cơ sở văn hóa công lập liên doanh, liên kết để phát huy hiệu quả.

PV: Doanh nghiệp kinh doanh văn hóa vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “giật gấu vá vai” về vốn, tha thiết cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi. Bộ VHTTDL đã có hành động cụ thể hỗ trợ khối tư nhân như thế nào, thưa bà?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí... trong lĩnh vực văn hóa đã được thể hiện ở các khía cạnh sau:

Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đất dành cho văn hóa đã được thể hiện trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, như: Vị trí thuận lợi cho người dân; quy mô đáp ứng tiêu chí của Bộ VHTTDL; cơ chế khai thác quỹ đất và công trình, nhất là nhà hát, cơ sở triển lãm... để huy động nguồn vốn đầu tư mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, tạo thêm nguồn thu ngân sách và lợi ích cho xã hội.

Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với tín dụng và xây dựng các cơ sở văn hóa được thể hiện trong chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, như: Lãi suất, thủ tục tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn so với các lĩnh vực khác...

Cơ chế, chính sách ưu đãi thuế và phí trong lĩnh vực văn hóa đã được đề xuất, bổ sung trong các luật liên quan đến thuế, phí, lệ phí, như: Tỷ lệ gửi lại cho đơn vị để tái đầu tư phát triển; cơ chế thu, nộp phù hợp cho cả người nộp và đơn vị cung cấp dịch vụ.

Điều này thể hiện việc chủ động phối hợp của Bộ VHTTDL với các cơ quan chức năng trong xây dựng thể chế, chính sách của Nhà nước để cụ thể hóa những cơ chế, chính sách hỗ trợ khối tư nhân hoạt động đầu tư trong lĩnh vực văn hóa.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

“Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng” (Tờ trình số 167/TTr-CP ngày 17-4-2024, tóm tắt Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035). 

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.