Lễ hội Lồng tồng xã Bằng Vân được tổ chức 2 ngày 14-15 tháng Giêng âm lịch. Đây là một lễ hội được hình thành từ rất lâu và được bà con nơi đây tổ chức đều đặn cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đến với lễ hội Bằng Vân du khách được lắng mình trong câu chuyện xưa người già kể: Đã lâu lắm khi đất nước bị rơi vào cảnh loạn lạc. Ngày ấy, để dẹp giặc nhà vua đã cử một viên tướng đến vùng đất này trấn ải và đánh đuổi quân giặc. Ông tướng đi đến đâu, quân giặc tan đến đó. Bởi bên cạnh ông luôn có một bà vợ rất giỏi tài cầm quân, thao lược giúp ông đánh trận cả trong lúc khó khăn nhất. Ngày nọ trên đường đánh trận, vì mải mê đuổi giặc, ông vô tình lọt vào ổ phục kích của chúng ở núi Phja Đén. Phía sau ông, bà vợ lại lo cầm quân giữ chân giặc ở núi Phja Công. Thế cùng lực tận ông đành bịt mắt ngựa nhảy xuống núi Phja Đén mà tự vẫn. Về phần mình khi nghe tin chồng tử trận tại Phja Đén bà cũng đành trút hận, tự vẫn tại núi Phja Công. Dân trong vùng cảm thương cho số phận của hai người nên lập miếu thờ chung cho họ ở trên núi Phja Đén. Nhưng do bà mất ở núi Phja Công, nên mỗi khi cầu cúng tại miếu, người dân phải đi gánh nước từ núi Phja Công về miếu thờ ở núi Phja Đén thì việc cầu cúng mới linh nghiệm.

Sau này do việc cầu cúng đi lại vất vả quá nên người dân trong vùng mới làm lễ cúng, cầu xin quan tướng độ trì cho phép lập đàn miếu ở nơi thuận tiện hơn để con cháu tiện đi lại hương khói, coi sóc đền miếu. Cầu xong trời bỗng nhiên nổi giông gió, mưa bão ầm ầm. Sớm hôm sau, mọi người ra xem thì không thấy ngôi miếu ở vị trí cũ nữa. Trên đường trở về, người dân nhìn thấy các gắp gianh đã được giông gió đưa đến những vị trí mới. Gắp thứ nhất rơi xuống chân ngọn núi thuộc thôn Cốc Lải, xã Bằng Vân; gắp thứ hai rơi xuống Bản Sành, xã Thượng Ân; gắp thứ ba rơi xuống Bản Duồi, xã Đức Vân. Dựa theo lời mách bảo của thần linh, người dân nơi này lập nên 3 ngôi miếu để thờ vợ chồng ông tướng đã có công đánh trận, dẹp giặc khi xưa. Trong đó, việc hương khói tại miếu thờ thuộc thôn Cốc Lải được giao cho dòng họ Chu. Hằng năm, mỗi khi đến lễ, tết, trực tiếp người coi miếu là con cháu trong dòng họ Chu sẽ sửa soạn mâm cúng, tế cáo, xin phép trời đất, thần linh trước khi tiến hành lễ chính…

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Đại diện dòng họ Chu thắp hương, đọc bài khấn cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà sức khỏe, bình an. 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Một số tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ hội.

Ngoài ra, lễ hội Bằng Vân năm nay có các gian hàng giới thiệu các sản vật đặc sản, đặc hữu của địa phương. Các trò chơi dân gian như tung còn, đẩy gậy, bịt mắt đánh trống, kéo co, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo và đánh bóng chuyền hơi nam, nữ. Đến với lễ hội, du khách còn được hòa mình vào cảnh sắc của núi non điệp trùng với hoa đào, hoa mận khoe sắc cùng làng bản trù phú, nơi bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Hoa... cùng chung sống.

leftcenterrightdel
 Các cô, các bà diện trang phục dân tộc Dao Tiền đến hội.
leftcenterrightdel
Giao lưu thi đấu bóng chuyền hơi tại lễ hội. 
leftcenterrightdel
Đông đảo người dân tham gia tung còn tại lễ hội. 
leftcenterrightdel
 Mèn mén - món ăn đặc trưng của người dân tộc Mông ở Ngân Sơn.
leftcenterrightdel
Mua trứng đỏ đầu năm là nét đẹp được gìn giữ lâu đời với mong muốn cầu may năm mới 
leftcenterrightdel
 Du khách tham quan, mua sắm tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm của địa phương.

Bà Lê Thị Thơ, Phó bí thư thường trực xã Quang Trọng, du khách đến từ Thạch An (Cao Bằng) chia sẻ: “Do giáp ranh với xã Bằng Vân nên cứ rằm tháng Giêng hằng năm người dân địa phương lại nô nức rủ nhau đi hội dù không phải do địa phương tổ chức nhưng đã in sâu trong lòng người dân. Ngày thường hòa thuận làm ăn, đến hội cùng nhau chung vui. Năm nay, mặc dù thời tiết mưa ảnh hưởng đến việc đi lại nhưng bà con đến hội vẫn rất đông, nhiều hộ dân mang theo nông sản tự sản xuất đến bán, giới thiệu tại lễ hội”.

Sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, người dân xã Bằng Vân nói riêng và người dân huyện Ngân Sơn, du khách gần xa nói chung lại cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp gặp gỡ, vui chơi, tạo nên một cộng đồng dân cư bền vững, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

LINH HÀ