Nhóm tác giả và họa sĩ chia sẻ về hành trình tìm hiểu làng nghề, di sản để thực hiện bộ sách. 

Bộ sách hiện xuất bản 10 tập, với văn phong giản dị, dễ hiểu cùng lối kể chuyện cuốn hút theo hành trình của cô bé An - nhân vật chính trong mỗi tập, giúp bạn đọc dễ dàng đồng cảm và học hỏi qua những chuyến đi khám phá di sản, làng nghề khắp mọi miền đất nước. Qua đó tìm hiểu lịch sử hình thành phát triển và quy trình độc đáo của từng làng nghề truyền thống như: “Chạm bạc Đồng Xâm - Gìn giữ tinh hoa”,  “Làng mộc Chàng Sơn - Nét chạm của thời gian”, “Nước mắm Phú Quốc - Vị ngon đảo ngọc”, “Làng rèn Vân Chàng - Lửa rèn còn mãi”, “Lãnh Mỹ A - Huyền thoại lụa”, “Trống Đọi Tam - Rền vang tiếng sấm”,…

Không chỉ là một bộ tranh truyện, “Vang danh nghề cổ” còn là bộ công cụ giáo dục trực quan, giúp các em học sinh nhận thức được tầm quan trọng của di sản, văn hóa làng nghề trong đời sống hiện đại và góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc. Qua mỗi trang sách, các em sẽ hiểu rằng giữ gìn nghề cổ không chỉ là giữ một nghề mưu sinh, mà là bảo tồn cả một kho tàng lịch sử, thẩm mỹ và tinh thần Việt Nam.

Bộ sách góp phần khơi dậy tình yêu di sản, văn hóa truyền thống đối với các bạn đọc nhỏ tuổi. 

Tại buổi giao lưu, nhóm tác giả và họa sĩ đã chia sẻ về cảm hứng, hành trình tìm kiếm tư liệu nội dung, di sản và những câu chuyện thú vị xoay quanh quá trình sáng tác. Ngoài phần giao lưu, khán giả còn có cơ hội tham gia các trò chơi tương tác để tìm hiểu về những làng nghề thú vị, được giới thiệu trong bộ sách “Vang danh nghề cổ” và nhận sách tặng từ Ban tổ chức.

Tin, ảnh: HÀ ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.