Dịp cuối tuần, tôi cùng anh Lê Xuân Nguyên ở tổ dân phố An Tràng, thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão (Hải Phòng) bắt đầu hành trình tìm về danh thắng núi Voi. Đường đi uốn lượn quanh những đồng lúa bát ngát xanh, mơn man gió thổi. Xa xa thấp thoáng bóng núi mây vờn. Danh thắng núi Voi nổi tiếng khắp vùng, hỏi người dân địa phương ai cũng biết. Gọi là núi Voi bởi thế núi từa tựa hình voi, gợi liên tưởng đến câu chuyện về loài tượng binh thuở can qua giúp chủ tướng lập bao chiến công. Ngày đại thắng, voi ra bến sông trầm mình dưới dòng nước, uốn cong vòi từ biệt tướng sĩ rồi hóa bên sông. Chuyện chỉ là truyền thuyết do người đời thêu dệt, còn cảnh sắc nơi đây thì vẫn chất chứa trong mình bao trầm tích lịch sử, văn hóa.

leftcenterrightdel
Đền thờ nữ tướng Lê Chân bên danh thắng núi Voi. 

 

Chúng tôi thăm Bảo tàng núi Voi nằm dưới chân núi, trưng bày những rìu đá, bàn mài đá, vũ khí bằng đồng như giáo, dao găm, là minh chứng cho dấu tích của người Việt cổ, sự phát triển của nền văn hóa Đông Sơn. Nơi đây là một di tích khảo cổ lớn và quan trọng của Việt Nam tại vùng ven biển Đông Bắc. Từng trang sử Việt còn ghi địa danh núi Voi hiểm trở là căn cứ để nữ tướng Lê Chân dựng cờ khởi nghĩa, chiêu binh mãi mã, hội quân dưới trướng Hai Bà Trưng chống giặc phương Bắc. Tiếp nối tiền nhân, lớp hậu thế dựa vào hình sông thế núi dựng phên giậu chiến lũy chống giặc thù. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, núi Voi là căn cứ khởi nghĩa của các lãnh tụ Lãnh Tư, Cử Bình. Đến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trung đội nữ du kích núi Voi bắn hạ máy bay giặc. Nơi hang sâu trong lòng núi, Thành ủy Hải Phòng thông qua nghị quyết đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ. Bao câu chuyện xưa như những lớp sóng bồi góp phần tạo nên một danh thắng lịch sử của quê hương đất Cảng. Được biết, khu núi Voi là một trong những di tích lịch sử thắng cảnh cấp quốc gia được công nhận từ năm 1962.

Đến thăm núi Voi, cảm nhận của chúng tôi là vẻ đẹp yên bình mộc mạc chốn thôn dã. Vài nếp nhà đơn sơ nằm nép mình dưới chân núi, bờ lau bãi sậy xào xạc, từng đàn vịt đồng bơi nhè nhẹ trong hồ nước nhỏ, thấp thoáng bóng người trên những con đường mòn. Cứ nhìn cảnh ấy đủ thấy nét dung dị của làng quê. Điểm thêm cho vẻ thanh tịnh, tĩnh lặng của non nước nơi đây là mái ngói vút cong của ngôi cổ tự Long Hoa, đình Chi Lai, đền thờ nữ tướng Lê Chân. Những địa điểm tâm linh ấy khiến lòng người lắng lại. Đến núi Voi cảm giác được khám phá trải nghiệm thật thú vị. Chúng tôi leo qua từng vách đá, đứng trên tầm cao trời mây lồng lộng, đôi dòng sông Đa Độ, Lạch Tray hiền hòa ôm ấp núi Voi. Bên trong lòng núi, những hang Cá Chép, hang Trống, động Voi... với muôn hình thạch nhũ góp phần tạo nên vẻ kỳ thú nơi thâm sơn cùng cốc. 

Sau những vất vả của chặng đường leo núi, chúng tôi tạm nghỉ ở quán lá ven đường, trò chuyện với bà chủ quán vui tính để biết vào dịp đầu xuân lễ hội núi Voi thu hút nhiều khách đến vui chơi. Còn lại thường nhật, núi Voi yên ắng như một tượng binh nằm phủ phục nghỉ ngơi sau bao trận chiến thư hùng. Ngàn năm qua, núi Voi vẫn sừng sững và lặng lẽ, chất chứa trong mình bao trầm tích lịch sử, văn hóa. Đến thăm nơi này tôi lại thấy tiếc một điều rằng, hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của một danh thắng lịch sử. Mong sao có nhiều du khách đến núi Voi để cùng khám phá và trải nghiệm những điều bình dị nhưng rất thú vị.

Bài và ảnh: MINH THU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.