Những loại “chạy” này đều gắn với mục đích quyền lực, lợi lộc, dễ mang lại cho những kẻ “chạy” nhiều món lời cả về chính trị và kinh tế nếu việc “chạy” diễn ra đầu xuôi đuôi lọt. Còn một thứ “chạy” khác rất tinh vi, không dễ nhận diện, nhưng cũng không kém phần nguy hại, đó là: Chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu.

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hủy bỏ quyết định khen thưởng huân chương đối với 2 tập thể, 2 cá nhân trong tỉnh. Đáng nói là những tập thể, cá nhân bị tước Huân chương Lao động đều là những cái tên chứa đựng ý nghĩa văn hóa sâu sắc như: Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh và một nhà sư trụ trì chùa Phước Quang, huyện Tam Bình. Lý do những đối tượng này bị đề nghị hủy bỏ khen thưởng bởi đã vi phạm kỷ luật, tham ô, lừa lọc.

 Tranh minh họa. Nguồn: hoinhabaovietnam.vn.

Nói đến chuyện tước bỏ hình thức khen thưởng Nhà nước đã tặng nhầm cho chủ thể, không thể không nhắc đến những đối tượng từng vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng gây nhức nhối dư luận xã hội như Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và gần đây là Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. 

Những đối tượng chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu... không chỉ nhằm thỏa mãn mục đích thích được đề cao, ca ngợi, đánh bóng tên tuổi và muốn nổi đình nổi đám trong xã hội, mà sâu xa hơn, họ còn cố ý bịt chặt những lỗ hổng, khuyết điểm, sai trái của mình để dễ bề che mắt thiên hạ.

Vì danh và lợi gắn chặt với nhau như hình với bóng, thành tích, danh hiệu đối với những đối tượng này như một bảo bối giúp họ có thể ăn gian nói dối mà người khác không hề hay biết và cũng trở thành tấm bình phong che đậy việc làm khuất tất, tiêu cực của họ. Thì đấy, nếu không sở hữu những tấm huân chương lấp lánh hào nhoáng bao bọc bên ngoài, có lẽ Trịnh Xuân Thanh khó có thể tự tung, tự tác đẩy PVC đến bờ vực phá sản khi thua lỗ tới 3.300 tỷ đồng (thời điểm năm 2016). Thậm chí nhờ có tấm huân chương làm bệ đỡ mà đối tượng này liên tục được bổ nhiệm, luân chuyển nhiều vị trí công tác. Hay như ông chủ Việt Á cũng không thể liều lĩnh, tinh vi chỉ đạo cán bộ, nhân viên cấp dưới phù phép thông thầu, nâng giá kit test Covid-19 gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng và lót tay cho mấy chục quan tham với số tiền khủng gần 800 tỷ đồng. Hay như ông sư đội lốt nhà chùa, mang danh Phật pháp, lợi dụng lòng tin của người khác để mưu mô lừa đảo, chiếm đoạt 68 tỷ đồng.

Trách những kẻ tham danh háo lợi là đương nhiên, nhưng những cơ quan chức năng và người có trách nhiệm cũng không thể vô can khi xác minh, thẩm định, đặt bút ký đề nghị Nhà nước tuyên dương, khen thưởng đối với những đối tượng chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu... Bởi kẻ đi “chạy” không thể chạm tới vạch đích nếu không có sự hỗ trợ, đồng hành của những người cầm cân nảy mực trong công tác tham mưu về thi đua-khen thưởng!

Dân gian có câu: “Đừng gửi trứng cho ác”, với hàm ý cảnh tỉnh, nhắc nhở người đời chớ nhẹ dạ cả tin trước sự lắt léo, gian hùng của kẻ khác, mà phải biết nhận diện, phân biệt rõ ràng người tốt-kẻ xấu trước khi gửi gắm điều gì, vật gì quý báu. Đó cũng là thông điệp khuyến cáo những người, cơ quan làm công tác thi đua-khen thưởng phải thật sự có con mắt tinh đời, trung thực, công tâm để không bị xiêu lòng, mê hoặc bởi những tiểu xảo, lời ngon, lễ ngọt của những kẻ tham danh háo lợi. Nếu để công tác mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này còn tồn tại tiêu cực thì đó thực chất là tiếp tay cho hành vi mua-bán thành tích, mua-bán khen thưởng, mua-bán danh hiệu. Đó chính là mầm mống làm mọt ruỗng văn hóa thi đua-khen thưởng.

CHÍNH NGÔN