Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, “sáng tạo” là khái niệm khá quen thuộc, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng bản chất của nó?

 PGS, TS ĐỖ DUY MÔN: Đúng vậy. Bởi các khoa học khác nhau, các trào lưu, xu hướng nghiên cứu khác nhau sẽ có những quan điểm, khái niệm khác nhau về sáng tạo.

Dưới góc độ tâm lý học, sáng tạo được hiểu là một kỹ năng nhận thức, được đặc trưng bằng cách tạo ra những ý tưởng và khái niệm ban đầu; hoặc các liên kết mới lạ giữa các ý tưởng và các khái niệm đã biết. Sáng tạo là cơ sở cho ra đời các giải pháp ban đầu, tìm ra một cách làm khác hoặc giải quyết vấn đề cho những người đã thiết lập, đề xuất trước đó nhưng bị bế tắc hoặc không có lời giải.

Theo lý thuyết, các nhà tâm lý học và những “cha đẻ” của thuyết sáng tạo đều cho rằng: Kiểu suy nghĩ tự nhiên của con người không phải là sáng tạo. Có nghĩa là bạn không có suy nghĩ khác đi (so với trước) sẽ không có sáng tạo; không có suy nghĩ khác người bình thường thì cũng chẳng có sự sáng tạo nào đáng giá trị. Còn theo học thuyết của Chủ nghĩa Mác-Lênin thì sáng tạo là một phương thức, cách thức cải biến, cải tạo thế giới, con người và tư duy. Có bộ óc mới có sáng tạo và không có sáng tạo thì con người sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên, xã hội và người khác.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể sáng 4-10 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN 

PV: Vậy rào cản của sự sáng tạo được hiểu cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

PGS, TS ĐỖ DUY MÔN: Trước hết, tôi xin nói về những rào cản trong nhận thức, tư duy và tư tưởng của mỗi chúng ta.

Đầu tiên là tư tưởng an phận thủ thường của mỗi người. Có nghĩa là một người tuyệt nhiên chấp nhận những gì cuộc sống đã có, đang có; hài lòng và mãn nguyện với nó. Bởi thế, người ấy không còn, không có bất cứ nhu cầu sáng tạo nào nữa. Họ tuyệt nhiên dùng những gì đã “có sẵn” dù nó đã quá cũ kỹ, lỗi thời.

Tâm lý trên na ná với các biểu hiện “sợ thất bại” và cũng mang đến hệ lụy gần giống nhau. Chính tâm lý “sợ thất bại” sẽ biến bạn trở thành kẻ lười biếng, nhát gan, không dám khám phá, thử những cái mới, dần dần sẽ làm thui chột sáng tạo.

Thứ hai là lối nghĩ quá đề cao “chủ nghĩa kinh nghiệm”. Có nghĩa khi thực hiện một kế hoạch hay quyết định một vấn đề gì đó bạn không cần suy nghĩ, tìm giải pháp tốt nhất, tốt hơn, mà cho rằng những việc đó mình đã làm hàng trăm nghìn lần rồi, không có gì phải đắn đo khi quyết định. Chính sự chủ quan, quá tin tưởng vào kinh nghiệm vô tình giết chết tư duy sáng tạo của bạn.

Thứ ba là tư tưởng ỷ lại vào tổ chức và trông chờ người khác. Đây là biểu hiện tâm lý hết sức lo ngại. Cụ thể là, khi bạn ỷ lại vào cấp trên, tổ chức và người khác, sẽ khiến bản thân trở nên chậm chạp, không muốn động não. Cũng vì thế, khả năng tư duy sáng tạo vốn có của bạn sẽ bị biến mất và bạn trở thành thụ động. Đồng thời, nếu bạn ngại tư duy mà chỉ “theo đuôi” những ý tưởng có sẵn của người khác thì bạn chỉ là kẻ ăn bám và về sau. Cho nên, nếu đáp án là giống nhau, thì cách giải quyết bài toán nhất thiết phải khác nhau. Hãy nghĩ đến và tiến hành cách làm không giống với bất kỳ ai, thì có thể đáp án của bạn không những đúng, mà còn thuyết phục hơn, mới hơn, hay hơn.

PV: Vậy chúng ta nên bắt đầu sự sáng tạo bằng cách nào?

 PGS, TS ĐỖ DUY MÔN: Trước hết là hãy gạt bỏ những biểu hiện tâm lý tiêu cực như tôi vừa chia sẻ. Từng người hãy học cách nhìn rộng ra, cao hơn và sâu hơn. Hãy biết đặt ra các mục tiêu không ngừng phát triển-mục tiêu sau phải cao hơn mục tiêu trước. Hay nói cách khác là phải tự xây dựng cho mình một chiến lược, một tầm nhìn. Khi làm được điều đó, bạn sẽ có cơ sở vạch ra cho mình những kế hoạch dài hạn và có hướng thực hiện kế hoạch đó. Ấy chính là động lực để bạn tư duy sáng tạo.

Với đồng đội, đồng nghiệp thì bạn phải học cách chấp nhận những ý tưởng sáng tạo dẫu cảm nhận ban đầu của bạn là "kỳ dị", "điên rồ". Dù chưa biết nó thế nào, tính khả thi sẽ ra sao, đi đến đâu, nhưng sự “chấp nhận” là “điều kiện cần”, rồi tiếp đó mới có sự nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, phán đoán, suy lý, tưởng tượng, suy luận, kết luận và theo bám, thẩm định ý tưởng cho đến khi có kết quả cuối cùng. Hay nói cách khác, việc bản thân và tổ chức không muốn chấp nhận những ý tưởng khác thường, cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tự ngăn cản khả năng tư duy sáng tạo của bản thân và người khác.

Bạn cũng nên học cách giữ tâm lý vững vàng và sẵn sàng. Không ngại điều tiếng, dư luận chê cười. Thực tế cho thấy, những người có sáng tạo thường hay có những ý tưởng không giống ai và ít được sự chấp thuận của mọi người xung quanh, bởi ý tưởng bạn nêu ra sẽ bị cho là "ngớ ngẩn", "điên rồ", không có thật... Chính vì tâm lý sợ bị người khác chê cười nên nhiều ý tưởng chỉ dừng lại ở suy nghĩ và không dám nói ra, lâu dần nó khiến bạn trở nên tự ti với chính những ý tưởng sáng tạo.

Tôi cho rằng Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII vừa ban hành, rồi tiếp đây là các bước cụ thể hóa, triển khai ở tất cả các cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mỗi người hiện thực ý tưởng sáng tạo của mình!

PV: Đồng chí có lời khuyên gì cho mọi người, nhất là cán bộ trẻ?

 PGS, TS ĐỖ DUY MÔN: Như tôi đã nói ngay từ đầu, tư duy sáng tạo chính là chìa khóa giúp bạn trở thành người tiến bộ vượt trội. Hãy một lần dám vượt qua chính mình, vượt qua nỗi sợ bị cười nhạo, bỏ qua những lối mòn cũ kỹ để đi trên một con đường mới theo ý bạn. Có thể bạn sẽ phải nhận lấy sự thất bại vì ý tưởng "khác lạ" của mình, nhưng đó lại là động lực để bạn rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo.

Ngay từ bây giờ, mỗi người cần phải dám suy nghĩ khác, có kế hoạch hành động cho bản thân mình và kiên định những ý tưởng mà bạn cảm nhận chắc chắn là nó vì tổ chức, vì lợi ích chung.

Nói tóm lại, mỗi chúng ta, ai cũng có tiềm năng sáng tạo to lớn và vô tận, nhưng không phải ai cũng dám áp dụng những ý tưởng sáng tạo vào trong cuộc sống vì nhiều lý do. Nếu bạn không dám vượt qua những lý do ấy, thì bạn sẽ mãi là kẻ không có bước tiến mới, những đột phá hay những cuộc dấn thân thú vị.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN SÔNG TRÀ (thực hiện)