Gia đình muốn có hạnh phúc, phát triển, dòng tộc muốn khang cát, thịnh vượng thì mỗi thành viên, dù đi đâu, làm gì cũng phải có bổn phận giữ gìn những nét đẹp của truyền thống ông cha. Xây dựng nền văn hóa đất nước tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa xứng đáng với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, phải bắt đầu bằng việc chấn hưng, gìn giữ, phát huy những giá trị từ các "tế bào xã hội".
Đất nước đang tận dụng các cơ hội để tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hội nhập với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường. Vào dịp cận Tết Nguyên đán, vấn đề văn hóa dân tộc lại được luận bàn sôi nổi trên các diễn đàn. Giữa các phạm trù rộng lớn rất khó định lượng của văn hóa, giữ cái gì, bỏ cái gì, tiếp thu những vấn đề gì... luôn là những chủ đề phức tạp, khó phân định. Ngay cả Tết Nguyên đán, nét văn hóa truyền thống đặc trưng có từ ngàn đời, trong thời hội nhập thời nay cũng có một số ý kiến cho rằng nên xóa bỏ để tiết kiệm thời gian, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?. Điều này cho thấy, để đi đến một sự thống nhất tương đối trong quan niệm về văn hóa của đời sống xã hội, đòi hỏi phải trải qua thực tiễn sàng lọc và những chưng cất từ quy luật phát triển. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi thực tế đời sống xã hội, các cung bậc, tiêu chí về văn hóa luôn có sự vận động, biến đổi không ngừng. Ngoài yếu tố chung là xu thế thời đại, nó còn phụ thuộc rất lớn vào phong tục tập quán, đặc trưng văn hóa vùng, miền và trình độ dân trí ở từng khu vực.
 |
Nhà cổ. Ảnh minh họa: Báo Tổ quốc |
Sau 75 năm kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức vào tháng 11-1946, Đảng, Nhà nước ta mới tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Đây được coi như một “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, đánh giá thực tiễn, đề ra chiến lược phát triển, trong đó giải quyết, thống nhất những vấn đề lớn về chủ trương, giải pháp chấn hưng văn hóa dân tộc, tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Những gì thuộc về đặc trưng, giá trị cốt lõi của văn hóa thì phải giữ gìn, bảo tồn, bởi đó là hồn cốt, là linh khí quốc gia. Tại hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, phải chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, phải giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "chân quê"...
Như vậy, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng chiến lược về văn hóa thì giải pháp phải bắt đầu bằng những phần việc rất cụ thể từ mỗi tế bào, mỗi thành tố văn hóa của đời sống xã hội, mà cái gốc chính là nếp nhà. Bông lúa chín thì cúi đầu về gốc rạ, người có văn hóa, dù ở đâu, làm gì cũng phải hướng về nguồn cội, gìn giữ nếp nhà.
Nếp nhà là những giá trị tinh hoa được chưng cất qua lịch sử ngàn đời, trở thành tinh túy. Bổn phận của người làm văn hóa, người có văn hóa là phải làm thế nào cho những tinh hoa ấy, tinh túy ấy sáng đẹp hơn, lan tỏa hơn. Cần tránh khuynh hướng cứ thấy cái lợi trước mắt của tiền bạc, vật chất lại đòi xóa bỏ, vứt bỏ những giá trị đã chưng cất từ mồ hôi, nước mắt và xương máu của ông cha.
Chỉ vì thiếu cái mẻ kho (nồi đất) mà trọc phú Thạch Sùng bị trắng tay trong cuộc tỉ thí của cải với triệu phú họ Vương, để triệu năm rồi vẫn cứ bám bờ tường mà kêu lên tuyệt vọng: “Tiếc... tiếc...”. Mất tiền sẽ có cách kiếm tiền, nhưng mất văn hóa, xóa nếp nhà thì mất sạch. Nói “Văn hóa còn thì dân tộc còn” là thế!
Nói thẳng, với văn hóa không thể cứ thẳng tuột mà được. Làm thật, với văn hóa cũng không thể cứ mệnh lệnh là xong. Nói thẳng, làm thật, với văn hóa thì nên lấy cái tâm, cái đức để thuyết phục. Mà cái tâm, cái đức ấy, phải những người giàu nếp nhà, biết trân quý nếp nhà mới có.
PHAN TÙNG SƠN