Đề nghị được chấp thuận với điều kiện không sử dụng ngân sách nhà nước, không có biên chế. Ưu đãi duy nhất của trung tâm là được tạm sử dụng một phần mặt bằng, không gian trong khuôn viên trụ sở của viện.

Việc thành lập trung tâm sẽ khắc phục tình trạng sáng tác nghệ thuật đương đại tự phát; hỗ trợ nghệ sĩ trong con đường sáng tạo nhọc nhằn; đồng thời tránh bị các nhà tài trợ nước ngoài chi phối tư tưởng, thẩm mỹ... Sau 4 năm hoạt động thử nghiệm, thành tích của trung tâm rất đáng ghi nhận: Tổ chức hàng chục cuộc triển lãm giá trị; tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, tọa đàm nghiên cứu, trao đổi văn hóa; cân đối được thu chi... Từ kết quả đo đếm được, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận VICAS Art Studio là tổ chức chuyên môn trực thuộc viện, có biên chế chuyên trách.

leftcenterrightdel
 Không gian triển lãm của VICAS Art Studio. Ảnh: VICAS

Sở dĩ tôi kể về VICAS Art Studio để chứng minh cho thực tế đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa rất khó khăn, phức tạp. Quả thật, nếu không có chức vụ đứng đầu viện, tôi không thể thực hiện dự định từ lâu của mình, khó có thể thuyết phục cấp trên và cả cấp dưới về sự cần thiết của trung tâm.

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII ra đời có giá trị to lớn trong giai đoạn hiện nay khi đất nước cần đổi mới tư duy, hướng suy nghĩ khác để tạo động lực cho sự phát triển. Muốn có sự đổi mới toàn diện, rõ rệt phải đổi mới nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Kết luận của Bộ Chính trị sẽ cổ vũ những hành động đổi mới, sáng tạo cụ thể từ những con người dám nghĩ, dám làm, tạo động lực cho lĩnh vực văn hóa có bước đột phá. So với các lĩnh vực khác, hiệu quả mang lại của nhiều sản phẩm văn hóa không đến ngay tức thì. Sản phẩm văn hóa được đo bằng giá trị, mà giá trị thì cần thời gian để kiểm chứng. Điều này không có nghĩa chưa cần quan tâm đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa; bởi muốn có kết quả trong 5-10 năm tới, chúng ta phải bắt tay hành động cụ thể ngay từ bây giờ.

PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội