Đầu năm 2022, sau khi manh nha thông tin nhiều lao động Việt Nam mất tích, qua đời bí ẩn tại Campuchia, hai phóng viên chương trình tin tức “Chuyển động 24h” (Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, VTV) là Nguyễn Hồ Trí và Vũ Hồng Anh có ý định sản xuất vệt phóng sự ngắn liên quan đến việc đưa người trái phép sang nước bạn. Không ngờ, từ những đầu mối nhân vật, những câu chuyện ghép nối, những tang thương ở quê nhà, sự thật kinh hoàng về lừa đảo việc làm, buôn người, cờ bạc trực tuyến, tra tấn dã man nạn nhân như thời trung cổ, những cái chết tức tưởi và bi thảm được sáng tỏ. “Bẫy” ra đời, chiếm trọn thời gian 60 phút “giờ vàng”.

 Nạn nhân Hà Văn Thiết (17 tuổi) trở về đoàn tụ bên gia đình. Ảnh do Đài Truyền hình Việt Nam cung cấp

Theo lời kể của nhà báo Nguyễn Hồ Trí, những nạn nhân bị đưa sang nhiều địa phương trên đất Campuchia, chủ yếu ở trong những tòa chung cư hơn 20 tầng. Chỗ ăn nghỉ và nơi làm việc lừa đảo trực tuyến cùng một tòa nhà, có bảo vệ canh gác, tường cao dây thép gai và camera an ninh dày đặc. Các nạn nhân được đưa đến trong đêm tối nên không thể xác định mình đang ở đâu, ở bên ngoài tòa nhà như thế nào. Cho nên những nỗ lực đào thoát nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài thông thuộc đường đi lối lại cầm chắc thất bại. Khi đó, nạn nhân sẽ bị đánh đập, thậm chí là thủ tiêu nên đa phần cam chịu tiếp tục làm công việc lừa đảo, dù thâm tâm không hề mong muốn. Khi không hoàn thành “chỉ tiêu” lừa đảo sẽ bị bán sang chủ khác, vòng vèo vài ba chủ cho đến khi “hết đát” phải liên lạc với người nhà chuộc về với giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra, nhóm nhà báo đã vào các vai khác nhau, thâm nhập “sào huyệt” bọn tội phạm, tìm hiểu quy luật canh gác bảo vệ, vẽ ra được sơ đồ trốn thoát. Trong phim có hình ảnh sống động, tỉ mỉ nơi các nạn nhân làm việc lừa đảo trực tuyến, bị biệt giam, đó là vì chính nhà báo Nguyễn Hồ Trí đã đóng vai là nạn nhân bị buôn bán. Một số cảnh quay, nạn nhân đang bện dây từ vỏ chăn trốn thoát, đó là những thước phim nạn nhân quay bằng điện thoại di động dưới sự hướng dẫn từ xa của nhà báo Nguyễn Hồ Trí. Đặc biệt, trong phim có cảnh quay trong bóng tối với lời thoại của chính nhà báo Nguyễn Hồ Trí dẫn đường một số nạn nhân trốn thoát thành công.

Lường trước những nguy hiểm như vậy nên nhóm phóng viên đã cố gắng lên các “kịch bản”, tiếp cận với các nạn nhân từ xa, dự đoán những tình huống phát sinh. Mấu chốt là vừa tác nghiệp ở nước ngoài không vi phạm pháp luật vừa bảo đảm đạo đức báo chí, đó là không gây nguy hiểm tính mạng của nhân vật.

Điều mà nhóm nhà báo VTV cảm thấy đau xót không chỉ là các nạn nhân bị người nước ngoài đối xử, hành hạ tàn tệ mà việc một số người Việt Nam đã tiếp tay lừa bán nạn nhân, kiếm tiền trên sự đau khổ, chết chóc của đồng bào mình.

Sau khi “Bẫy” được phát sóng, nhóm phóng viên cảm thấy tự hào vì tác phẩm đã có sức lan tỏa rộng khắp, cảnh tỉnh các bạn trẻ trước những chiêu trò dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”, nhiều người có ý định vượt biên sang Campuchia làm việc đã chùn chân. Những giọt nước mắt ngày đoàn tụ với người thân của các nạn nhân mà họ tưởng sẽ không bao giờ gặp lại, đủ để các nhà báo cảm thấy công sức 8 tháng thực hiện bộ phim, trải qua bao khó khăn, vất vả, nguy hiểm được đền đáp.

HÀM ĐAN