QĐND - Ngày nào tôi cũng đi chợ
Mặc cả mớ rau, đồng quà
Thiên chức của người nội trợ
“Khôn ngoan cũng thể đàn bà”.
Chưa kịp vui vì mua rẻ
Lại thấy lòng vương nỗi buồn
Người bán hàng rong gầy yếu
Một ngày kiếm được bao lăm.
Áo chị vá vài mảnh nhỏ
Tinh mơ dạo khắp phố phường
Chép miệng :"Thôi đành hòa vốn"
Tối về "kẻo trẻ nó mong”.
Hạnh phúc khó co khó kéo
Người này được, người khác không
Tôi trả tiền thêm cho chị
Ngẩn ngơ chị tưởng tôi lầm.
Cứ thế, ngày nào cũng thế
Tôi mặc cả, tôi tần ngần
Trái tim đàn bà trĩu nặng
Những điều nhỏ nhặt quẩn quanh.
PHẠM THU YẾN
Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI:
Trong nghệ thuật thơ có những cảnh mà người sáng tác, dù là đàn ông hay đàn bà đều có thể diễn tả giống nhau. Nghĩa là, bút danh ký thế nào cũng không lộ ra giới tính. Còn như bài thơ Đàn bà của Phạm Thu Yến thì chỉ đàn bà mới viết được.
Bài thơ Đàn bà kể về công việc thường nhật của một người đàn bà nội trợ với một người đàn bà bán hàng rong: Người bán hàng rong gầy yếu... và người mua cũng chỉ mua thứ hàng ít tiền: Mặc cả mớ rau đồng quà... Toàn bài thơ không thấy nói tới mặt hàng cao sang nào. Gia cảnh của người bán, kẻ mua có vẻ đều còn eo hẹp. Trong cảnh thơ vậy, thấy như con người ta đang sống, giao lưu trước một cái cửa hẹp, sự ra vào dễ gây động chạm. Và do thế mới chờ xem con người cư xử với nhau thế nào, có tấm lòng không: "Ngày nào tôi cũng đi chợ/ Mặc cả mớ rau đồng quà/ Thiên chức của người nội trợ/ “Khôn ngoan cũng thể đàn bà”.
Câu Khôn ngoan cũng thể đàn bà là một câu thơ rất khéo. Nó có tính cách của một cái khóa văn hóa ứng xử, khóa trước những điều tiếng có thể nảy sinh trong việc thêm bớt. Và thơ thể hiện sự khiêm cung, tự xếp mình ở "bậc thấp". Song thực chất đó là một thứ bậc rất hách: Thiên chức của người nội trợ... thứ thiên chức của người con hiếu, vợ hiền, mẹ thảo đang lo toan cho gia đình mình một đời sống no ấm. Điều tam tòng tứ đức xưa cũng với ước mong giáo dục con người như vậy. Mới hay câu Khôn ngoan cũng thể đàn bà là câu thơ có tư cách, vị thế.
Tới hình ảnh buổi vãn chiều: Người bán hàng rong gầy yếu/ Một ngày bán được bao lăm/ Áo chị vá vài mảnh nhỏ/ Tinh mơ dạo khắp phố phường/ Chép miệng “Thôi đành hoà vốn/ Tối về kẻo trẻ nó mong...”, ở đây ta gặp một tiếng “chép miệng” mỏng thầm, rất đàn bà. Tục ngữ có câu: “Mặt trời xuống núi/ Con chúi vú mẹ”. Chỉ đàn bà mới có nét nghĩ ấy, nên mới lắng nghe được tiếng “chép miệng” thầm kín đó của giới mình. Thơ cần có sự tinh tế là vì vậy!
Tình thơ cứ thế đi trong sự "tần ngần", sự "co kéo" nhưng giăng mắc thương cảm giữa kẻ bán người mua, ý thức trách nhiệm xã hội.
Khổ kết là một khổ thơ khá hay: "Cứ thế, ngày nào cũng thế/ Tôi mặc cả, tôi tần ngần/ Trái tim đàn bà trĩu nặng/ Những điều nhỏ nhặt quẩn quanh". Điều nhỏ nhặt quẩn quanh mà khiến cho trái tim trĩu nặng ư? Thiết nghĩ, khi trái tim con người phải trĩu nặng vì yêu thương, vì những mặc cảm thân phận con người, thì nó đã không hề là "nhỏ nhặt quẩn quanh" nữa. Hiệu quả nghệ thuật thơ thường ngụ ở những con chữ giản dị, khiêm nhường.
Bài thơ Đàn bà viết với giọng trầm tĩnh, bày tỏ thật thà và rất khiêm cung. Nhịp thơ đi chậm mà tình thì bối rối xao động.