Đây là một trong số ít lễ hội ở Đồng Nai được tổ chức quy mô lớn, với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, nổi bật là sự cộng hưởng, giao thoa văn hóa Việt - Hoa, tri ân những công thần khai phá vùng đất Biên Hòa.

Nghi thức nghinh thần, rước Đức Ông tuần du. 

Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 5 đến 10-2 (tức ngày 8 đến 13 tháng Giêng), bao gồm lễ nghinh thần; lễ vía Đức Ông Quan Thánh Đế quân; thả phúc khí cầu, hoa đăng trên sông.

Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn lân - sư - rồng, võ thuật, giao lưu thư pháp Việt - Hoa, hoạt cảnh sân khấu, giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ…

Các hoạt động này có sự đan xen văn hóa, tín ngưỡng người Việt và người Hoa truyền đời đã định cư tại Biên Hòa từ hơn 300 năm trước, tạo nên nét độc đáo, sinh động, hấp dẫn của lễ hội chùa Ông.

Đông đảo người dân đến dâng hương, tham quan lễ hội chùa Ông.

Theo ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Trưởng ban Trị sự chùa Ông, trước kia, lễ hội chùa Ông tổ chức đơn giản, ít nghi thức.

Từ năm 2013, lễ hội chùa Ông chính thức được tổ chức quy mô lớn, phục dựng các nghi thức truyền thống, xứng tầm với công lao của các bậc tiền nhân.

Ngoài những nghi thức văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng khu vực Cù lao phố, lễ hội chùa Ông còn mang bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa, có sự tham gia tích cực của người Hoa ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương và các tỉnh lân cận.

Điều này góp phần tạo nên một lễ hội truyền thống lớn, hòa chung với chuỗi hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân của Đồng Nai.

Biểu diễn lân - sư - rồng tại lễ hội chùa Ông.

Một trong những nghi thức trang trọng nhất của lễ hội chùa Ông là Lễ nghinh thần, rước các Đức ông tuần du trên nhiều tuyến đường thuộc TP Biên Hòa, nhằm tôn vinh, tri ân công lao mở cõi của các Đức ông.

Cô Đỗ Thị Hồng, giáo viên Trường THPT Tam Phước (TP Biên Hòa) bộc bạch: “Tham dự lễ hội, chúng tôi thêm hiểu về lịch sử hình thành Cù lao Phố, Bến Gỗ - Biên Hòa, Sài Gòn - Gia Định và công trạng của các bậc tiền nhân; được thưởng thức những nét văn hóa mang đậm dấu ấn cổ truyền và giá trị tâm linh đặc sắc; đồng thời thể hiện nét đẹp trong giao lưu văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở địa phương. Đây là những tư liệu quý giúp bài giảng của chúng tôi thêm sinh động”.

Khách đến lễ hội chụp hình lưu niệm. 

Chùa Ông được khai tạo năm 1684, thờ Quan Thánh Đế Quân - Đức ông Trần Thượng Xuyên, người có công giúp nhà Nguyễn bình định đàng Trong, mở mang bờ cõi phương Nam; Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh, người xác lập chủ quyền quốc gia tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định...

Đây là ngôi chùa Hoa có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ, gắn với cộng đồng di dân do Tổng binh Trần Thượng Xuyên đưa đến định cư ở Cù lao phố - Biên Hòa năm 1679, tạo lập Nông Nại Đại Phố - một thương cảng đô hội sầm uất đầu tiên ở vùng đất phương Nam.

Hóa trang Thần Tài, ông Địa phát kẹo cho khách tham gia lễ hội. 

Lễ hội truyền thống chùa Ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 11-2023.

Bài, ảnh: CHÂU GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.