Tôn vinh tác phẩm, cổ vũ văn nghệ sĩ

Trước hết, cần nhắc lại rằng: Tổng kết VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước là hoạt động trọng điểm của ngành văn hóa trong năm 2025 với 3 trụ cột, có sự gắn kết chặt chẽ, đó là: Nghiên cứu khoa học; các hoạt động, sự kiện; công tác thông tin, tuyên truyền. Trong đó, việc bình chọn, tôn vinh các tác phẩm VHNT thuộc về nhóm các hoạt động, sự kiện.

Việc bình chọn tác phẩm VHNT đã phổ biến từ nước ngoài đến trong nước. Công chúng không còn lạ lẫm với các bảng xếp hạng ca khúc nổi đình nổi đám từ “cấp huyền thoại thế giới” cho đến các bài “hit” trên thị trường. Rồi hàng loạt cuộc thi tài năng, thần tượng, bên cạnh hệ thống giải của ban giám khảo cũng có bình chọn của khán giả. Ngay đến các kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cũng từng có cuộc bình chọn rộng rãi. Cho nên việc ngành văn hóa tổ chức bình chọn tác phẩm, chừng như không có gì phải suy nghĩ.

Nhưng đáng nghĩ lại chính ở những dấu hiệu cho thấy có gì đó thiếu thiếu, chưa hội đủ điều kiện cần thiết cho một cuộc bình chọn mang ý nghĩa tốt đẹp: Tôn vinh tác phẩm, cổ vũ văn nghệ sĩ, định hướng cho công chúng quan tâm hơn đến VHNT, đến những tác phẩm xuất sắc.

leftcenterrightdel

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động “Bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất”. Ảnh: THÚY HIỀN 

Thứ nhất là cuộc bình chọn “chỉ” tập trung vào 2 lĩnh vực: Văn học và nghệ thuật biểu diễn. Điều đó dễ gợi liên tưởng đến Cục Nghệ thuật biểu diễn, là cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này. Với “tầm vóc” của Bộ chủ quản trong việc phát động, vì sao không có các môn nghệ thuật khác là điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh vốn cũng là lĩnh vực quản lý của các cục chức năng khác?   

Thứ hai, ngoài chức năng quản lý của ngành văn hóa đối với lĩnh vực VHNT thì trong phong trào sáng tác cũng như các hoạt động đánh giá, trao thưởng, vinh danh trong đời sống văn nghệ nước nhà nhiều năm qua, thường xuyên có vai trò, tiếng nói của các hội VHNT từ Trung ương đến địa phương. Thiết nghĩ cần sự đóng góp, tham gia tích cực hơn của các hội VHNT trong một cuộc bình chọn với ý nghĩa rộng lớn nhằm tôn vinh tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc của các tác giả là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập tại Việt Nam, được sáng tác từ tháng 5-1975 đến ngày 30-4-2024.

Thứ ba, nhìn mốc cuối đưa ra nhằm hạn định thời gian sáng tác là cuối tháng 4 vừa qua, tưởng bình thường nhưng thấy một sự vô lý. Công chúng, giới nghề vẫn mặc định về vấn đề thẩm định của thời gian, tác phẩm ra đời phải đứng trước sự thử thách qua các thế hệ công chúng, khán thính giả, nếu có phẩm chất nghệ thuật xuất sắc mới trụ vững và tồn tại lâu dài. Nay đặt ra mốc cuối ngay trong tháng 4-2024 này để chọn tác phẩm thì liệu có thể có những gì được xuất bản, trình diễn trong quãng thời gian gần đây có khả năng đạt tới sự xuất sắc, tiêu biểu mà cuộc bình chọn kỳ vọng?

Cũng như thế là những con số mang tính chủ quan hơi khó lý giải khi ấn định “cần” bình chọn lấy 15 tác phẩm tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, tập thơ; 15 vở kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca kịch; 10 bản giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, ca khúc và 10 tác phẩm thơ múa, tổ khúc, kịch múa. Việc “chia trước” các thể loại, lĩnh vực như thế, phải chăng là một chủ trương duy ý chí, mang nặng tính “mặt trận”, đề ra trước số lượng khi việc bình chọn còn chưa diễn ra. Lưu ý, việc này hoàn toàn khác với các cuộc thi tác phẩm vẫn thường có khung sẵn, chẳng hạn 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 hoặc 5 giải khuyến khích. Mà đúng nghĩa là bình chọn ra các tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu thì chẳng lẽ nếu không đủ con số 15 hay 10 thì phải cố thêm vào, hay nếu con số xuất sắc cao hơn thế thì đành phải cắt bớt đi? Điều này cho thấy cách định lượng có phần dễ dãi của ban tổ chức.

Thứ tư, Ban tổ chức thông tin: Tác phẩm tham gia bình chọn gửi về: Phòng Văn học, Cục Nghệ thuật biểu diễn (số 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), thời gian tính đến hết năm 2024. Nên đặt một câu hỏi ngược lại, sao lại chỉ gửi về để tham gia bình chọn? Như vậy dễ dẫn đến một khả năng, nhiều những sản phẩm chất lượng tầm tầm, trung bình, trung bình khá sẽ được gửi. Chứ các tác giả có tác phẩm hay, đặc sắc chưa chắc đã hứng thú gửi đi để người ta chọn, nhỡ đâu lại... trượt! Tại sao không có hình thức đề cử từ các hội nghề nghiệp và các cá nhân quan tâm? Tại sao không phải là việc Ban tổ chức tìm, chọn trong nhiều tác phẩm hay đã xuất hiện rộng rãi trên thị trường, trong đời sống VHNT mà lại phải “đợi” gửi về?

Sau bình chọn sẽ làm gì?

Nhắc đến những tác phẩm được coi là xuất sắc, đỉnh cao qua các kỳ cuộc trên, cộng thêm tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc khác nữa tạm xác định là sáng tác, công bố từ sau năm 1975 trở lại đây, đã được vinh danh, có một câu hỏi mới, nảy ra theo một hướng khác xem chừng hợp lý, ý nghĩa hơn. Tại sao ngành văn hóa không chọn lấy việc tiếp tục vinh danh, đẩy mạnh quảng bá, tích cực tái bản, trình diễn, trưng bày, triển lãm... các tác phẩm VHNT xuất sắc được sáng tác sau năm 1975 đến gần đây mà lại phải nghĩ ra một hình thức bình chọn với những con số 50, 15, 10 hơi khó “đẽo chân cho vừa giày” như vừa kể trên? Vinh danh các tác phẩm lớn, đặc sắc đã được khẳng định, đã được biết đến để công chúng được biết đến rộng rãi hơn, trong đó hôm nay có đông đảo bạn đọc, khán giả trẻ, như thế chính là đóng góp vào đời sống văn hóa của xã hội, bồi bổ vốn thẩm mỹ cho công chúng.   

Được biết, thời gian bình chọn của hội đồng sơ khảo sẽ từ ngày 1-1-2025 đến 15-3-2025. Hội đồng chung khảo sẽ bình chọn từ ngày 16-3-2025 đến 15-4-2025. Và lễ tổng kết, vinh danh 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn được chọn dự kiến được tổ chức vào ngày 30-4-2025. Câu hỏi nữa đặt ra: Sau đó sẽ là gì? Dĩ nhiên, khả năng sẽ là định hướng và kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa các tác phẩm này, như việc thời gian qua đã có các tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước được in ấn, tác giả được báo chí, truyền thông giới thiệu; nhiều tác phẩm giành giải cao sau các kỳ liên hoan, hội diễn được “lên sóng”... Hoặc cũng có thể, là một sự chùng xuống, trầm lại, như sau nhiều những kỳ cuộc trao giải thưởng lớn, huy chương, danh hiệu những năm qua mà ngành văn hóa có những dấu hiệu... chậm chạp, lúng túng, bối rối trong việc lan tỏa sâu rộng hơn những giá trị lớn lao, sâu sắc đó vào đời sống, vào công chúng. Như thế, nhắc lại cái ý vừa so sánh ở trên.

Rất nên, trong bối cảnh hiện tại, tập trung vào góp thêm lửa lan truyền sức sống, sức ảnh hưởng của các công trình VHNT bề thế, to lớn, tiêu biểu đã có bằng những dự án thiết thực như xây dựng tủ sách, thư viện tác phẩm nghệ thuật; số hóa kho dữ liệu VHNT dồi dào đó để lan tỏa trên không gian mạng; tổ chức dịch thuật, ghi hình để truyền tải sâu rộng hơn trong đối ngoại, giao lưu văn hóa..., để bạn bè quốc tế hiểu hơn, yêu hơn, đến với Việt Nam nhiều hơn qua các “chìa khóa VHNT” mà một bộ phận giới nghề, công chúng Việt Nam đã yêu mến, tôn vinh.

Cuộc bình chọn mới phát động của ngành văn hóa về các tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn cho thấy những dấu hiệu chưa thật thấu đáo, chưa thật đại diện và thiếu tính toàn diện, dẫn đến một sự bắt đầu có phần vội vàng. Nên chăng cần sự nghiên cứu, chuẩn bị cho khoa học, chu đáo, ý nghĩa hơn. Và thêm một đề xuất. Bên cạnh những tác phẩm hay đã có, nên nghiên cứu đường hướng, hành động để xúc tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ, tác giả sáng tạo nên những tác phẩm VHNT xuất sắc khác nữa, thay vì tổ chức những cuộc bình chọn kiểu như vậy.

Nhà thơ NGUYỄN QUANG HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.