Sau mấy năm, tôi mới có dịp trở lại một huyện miền núi B công tác. Xuống bến xe, trong khi ngồi chờ người nhà ra đón tại một quán nước, tôi nghe mấy người xì xào câu chuyện huyện B vừa được hội nghị cấp ủy địa phương bàn thảo quy hoạch xây dựng thành thị xã.
Không phải bây giờ, cách đây hơn chục năm, đại hội đảng bộ tỉnh H nhiệm kỳ 2005-2010 đã xác định trong nghị quyết đại hội là tập trung đầu tư quy hoạch, xây dựng huyện B trở thành đô thị loại IV và đề nghị công nhận là thị xã vào năm 2010.
 |
Hình ảnh quy hoạch đô thị. Ảnh minh họa: Dantri.com.vn |
Hồi đó, sau thông tin như vậy, đất đai ở khu vực trung tâm huyện lỵ bỗng nhiên “nóng” lên từng ngày. Người dân, trong đó có nhiều cán bộ, công chức bàn tán xôn xao về chuyện đất cát, thậm chí không ít người chểnh mảng, lơ là việc công để vay tiền, hùn vốn mua vài ba miếng đất với hy vọng sẽ bán được lãi gấp đôi, gấp ba để mau chóng “đổi đời”. Không chỉ thế, nhiều người dân ở các huyện lân cận cũng đổ xổ về huyện B tìm kiếm, mua bán đất nhằm đầu cơ bất động sản. Thế là, cái huyện lỵ miền núi vốn quanh năm “lặng như tờ” tự dưng ồn ào, nhộn nhịp hẳn lên vì không khí mua bán đất diễn ra tấp nập.
Thời gian đầu người dân nghe ngóng tình hình và thấp thỏm chờ đợi bảng công khai quy hoạch. Mấy tháng sau, vài ba tấm biển quy hoạch đô thị được tô vẽ trên pa nô rất bắt mắt và dựng ở những vị trí đắc địa để ai đi qua đường cũng có thể nhìn thấy được. Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Và quả “bong bóng” bất động sản căng ra được khoảng một năm thì như có một lỗ kim châm nên dần xịt hơi rồi xẹp hẳn. Bởi ngày lại tiếp ngày, tháng nối theo tháng, chẳng thấy người ta “động thổ”, “khởi công” bất cứ một công trình xây dựng hạ tầng đô thị nào như bản vẽ quy hoạch, ngoài việc cải tạo, mở mang thêm vài ba nhánh đường xương cá theo trục đường chính của trung tâm huyện lỵ. Đến năm gần cuối cùng của nhiệm kỳ đại hội, mọi kỳ vọng của người dân nơi đây đã tắt ngấm vì diện mạo trung tâm huyện lỵ gần như... vẫn như cũ.
Bây giờ đến huyện B, tôi lại nghe dân tình rổn rảng bảo nhau gom tiền đầu tư vào bất động sản ở khu vực thị trấn huyện lỵ để chờ đến ngày thành thị xã. Hơn 3 nhiệm kỳ đại hội đảng bộ huyện đã trôi qua, nhiệm kỳ nào huyện B cũng nhắc đến mục tiêu này nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Bởi thực tế, huyện B chưa đủ nội lực, lợi thế, tiềm năng về đất đai, tài nguyên, nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để trở thành đô thị. Thêm nữa, “nguồn sống” tồn tại của huyện hiện vẫn phải chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương thì làm sao có đủ tiềm lực tài chính đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để biến “bộ mặt” một huyện miền núi thành diện mạo một thị xã trong khoảng dăm, mười năm?
Cổ nhân có câu “họa bính sung cơ”, với nghĩa đen là “vẽ cái bánh để cho qua cơn đói”, nhưng mang nghĩa bóng là “sử dụng trí tưởng tượng để an ủi bản thân”. Từ đó về sau, người ta dùng từ “bánh vẽ” với hàm ý chỉ những điều không có thật, khó thành hiện thực.
Thế nên, có thể nói rằng, dù mong muốn đưa huyện B trở thành thị xã là chính đáng, nhưng nếu không có cơ sở thực tiễn khoa học, không có nguồn lực khả thi để thực hiện thì không nên đưa ra thông tin quy hoạch vào lúc này. Bởi đây có thể là nguồn cơn làm cho “bong bóng” bất động sản ở huyện lỵ tái diễn và tạo cơ hội cho một bộ phận “cò đất” tung tin thất thiệt, đục nước béo cò, gây xáo trộn đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân địa phương.
LÃNG XUYÊN