Qua đó, các nền tảng giá trị đạo đức được quan tâm, gìn giữ, các quy tắc ứng xử văn hóa được hình thành, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn dân cư.
Lan tỏa và phát huy các giá trị văn hóa
Khu dân cư hai bên đường Tháp Mười thuộc địa bàn phường 2, quận 6, TP Hồ Chí Minh là một trong những khu phố điển hình bởi sự sạch đẹp và khang trang. Để có được thành quả trên, phải kể tới công lao của ông Nguyễn Viết Quản-người cán bộ hưu trí luôn hết mình vì công việc chung. Thời gian trước, khu vực đường Tháp Mười trước cửa nhà ông Quản thường xuyên có rác và lá cây, gây mất mỹ quan. Ông Quản thấy vậy nên lấy chổi ra làm vệ sinh hằng ngày, không những quét rác ở cửa nhà ông mà còn quét luôn từ nhà số 1 đến nhà số 15, đồng thời dọn rác ở các hố ga thoát nước. Nhiều người thấy vậy, bảo ông đâu cần quét sang nhà người khác cho vất vả, ông chỉ cười, nói: “Vệ sinh là vệ sinh chung vì cộng đồng, có mất gì đâu”. Một thời gian sau, nhiều người dân, trong đó có các thanh niên, đã noi gương ông Quản cùng tham gia dọn vệ sinh khu phố, làm cho con đường Tháp Mười trở nên sạch đẹp. Việc làm nhỏ của ông Nguyễn Viết Quản không chỉ góp phần làm sạch đẹp khu phố mà còn xây dựng văn hóa nêu gương, đặc biệt với thanh, thiếu niên trong khu phố. Ông Quản chia sẻ: "Văn hóa là chìa khóa của cuộc đời. Có văn hóa mới học hỏi được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống, vì vậy, phải phát huy được các giá trị văn hóa, làm sao lan tỏa và có tác động tích cực trong sinh hoạt hằng ngày ở địa phương". Được biết, trong nhiều năm liền, gia đình ông Nguyễn Viết Quản được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
 |
Quân, dân Củ Chi giao lưu văn nghệ mừng xuân, dâng Đảng. Ảnh: LÊ CẦU
|
Theo ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, sau 20 năm triển khai, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có bước phát triển, chất lượng các danh hiệu văn hóa được nâng cao. Phong trào đã gắn kết được nhiều cuộc vận động và chương trình hành động cách mạng, phát huy vai trò tự quản của người dân gắn với vai trò chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp. Thành phố có nhiều phong trào, mô hình hay, có ý nghĩa quan trọng như phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, chỉ tính riêng năm 2019, đã có gần 1 triệu 400 nghìn hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", cả giai đoạn 2000-2020 có tổng cộng hơn 20 triệu lượt gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến” qua 20 năm đã tuyên dương hơn 5.400 gương người tốt, việc tốt cấp thành phố, hơn 600 nghìn gương người tốt, việc tốt cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn...
Ngoài ra, các mô hình, phong trào khác cũng đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân như gắn kết Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, phong trào học tập, lao động sáng tạo...
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2000-2020 được Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo lồng ghép vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, vào mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hằng năm của thành phố và trong triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chương trình hành động số 45-Ctr/TU của Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... Theo đó, việc triển khai thực hiện phong trào luôn gắn liền với đặc thù của thành phố. Tại các quận trung tâm, tập trung vào xây dựng ý thức văn minh, mỹ quan đô thị gắn với xây dựng khu dân cư văn hóa. Tại các huyện ngoại thành, xây dựng ấp văn hóa, xã văn hóa được gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng thiết chế văn hóa tại các xã và liên xã.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2000-2020, vừa được tổ chức cuối tháng 3-2021, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá: Bên cạnh những chuyển biến tích cực đạt được trong thời gian qua, thực tiễn cho thấy, phong trào tại một số địa phương, cơ sở vẫn còn nặng tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Có những nơi sau khi đạt được các danh hiệu văn hóa thì chưa có biện pháp hiệu quả để duy trì.
Để Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực sự là nền tảng, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong bối cảnh mới hiện nay, ông Võ Văn Hoan đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm, phối hợp, chỉ đạo và thực hiện tốt “Chiến lược phát triển văn hóa TP Hồ Chí Minh đến năm 2035”. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, khuyến khích mọi người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; đề cao vai trò chủ động, sáng tạo của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp thành phố và các địa phương cần nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm.
Trong thời gian tới, phong trào hướng đến xây dựng lối sống văn hóa cho từng người dân, nếp sống văn minh đô thị cho từng cộng đồng dân cư với nhiều hình thức, nội dung phong phú và đa dạng. Đồng thời, xây dựng các chuẩn mực giá trị làm cơ sở để tuyên truyền và triển khai hiệu quả văn hóa ứng xử trong cộng đồng... góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và giàu bản sắc dân tộc.
Bài và ảnh: NGÂN HƯƠNG