Đây là nội dung chính mà Triển lãm Nghệ thuật đa phương tiện “Phơi những vết thương hở miệng” khai mạc chiều 17-12, tại Hà Nội gửi gắm đến công chúng.
Triển lãm nằm trong khuôn khổ dự án do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Bánh mì thế giới, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và đối tác Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) đồng thực hiện.
Bạo lực tình dục là loại bạo lực ẩn giấu sâu nhất trong các dạng bạo lực. Nạn nhân cảm thấy khó khăn khi đối diện với câu chuyện của chính mình. Một mặt, có thể họ không đủ thông tin, kiến thức để nhận diện vấn đề, mặt khác, các định kiến xã hội và sự thiếu hụt dịch vụ hỗ trợ cũng là một lý do đáng kể. Tỷ lệ bỏ cuộc trong các vụ kiện liên quan đến bạo lực tình dục cho thấy đây là vấn đề không mấy dễ dàng. 87% phụ nữ bị bạo lực trong khảo sát quốc gia đã không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ các dịch vụ hoặc các cơ quan có trách nhiệm.
 |
Khách tham quan triển lãm. |
Trong khi đó, số vụ phạm tội liên quan đến bạo lực tình dục được trình báo tăng đều trong giai đoạn 5 năm 2008-2012, với 947 vụ được trình báo năm 2008 và 1.338 vụ năm 2012. Các vụ việc nghiêm trọng được công chúng biết tới thông qua các cơ quan truyền thông trong một vài năm trở lại đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau đó còn rất nhiều những câu chuyện về thực trạng, nhu cầu hỗ trợ, công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục vẫn chưa được nhắc tới.
Trong bối cảnh đó, hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 và 16 Ngày quốc tế hành động nhằm xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, CSAGA cùng các đối tác thực hiện chiến dịch truyền thông 2018 “Không đổ lỗi-Hãy đặt trách nhiệm đúng chỗ”. Triển lãm “Phơi những vết thương hở miệng” là một trong chuỗi các hoạt động của chiến dịch.
Triển lãm gồm 20 câu chuyện từ chính người trong cuộc, được kể lại bằng các hình thức nghệ thuật đa phương tiện. Không dễ để phơi bày những trải nghiệm đau lòng nhưng những người trong cuộc, với sự dũng cảm và nỗ lực, với mong muốn thay đổi cái nhìn của cộng đồng đã làm được điều ấy.
Ban tổ chức cho biết, triển lãm được mở cửa với mong muốn các câu chuyện tại triển lãm sẽ khiến cộng đồng có thể nhìn thấy trách nhiệm của mỗi người trong việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, thúc đẩy môi trường sống an toàn nói chung.
Tin, ảnh: BĂNG CHÂU