Một cảm giác thân thuộc và gần gũi, những mệt mỏi bị xua tan, đó là điều chúng tôi cảm nhận được khi bước chân vào không gian văn hóa của những ngôi chùa giữa bốn bề mênh mông sóng nước.
Trong tâm thức từ bao đời nay của người dân Việt Nam, chùa là nơi tĩnh lặng, linh thiêng, trở thành điểm tựa tâm linh trong cuộc sống mưu sinh, chống chọi với thiên tai, địch họa. Đó còn là nơi người Việt gửi gắm khát vọng an yên, nơi mọi người đến nương nhờ đức Phật để tìm chút bình an trong cuộc sống, cầu mong hạnh phúc cho gia đình. Đặt chân đến một số đảo ở Trường Sa (Khánh Hòa), tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của câu: Ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó có văn hóa tâm linh. Ở đâu có dấu chân của người Việt, ở đó có chùa. Qua tìm hiểu tôi được biết, hình ảnh ngôi chùa ở Trường Sa từ lâu đã luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bà con nơi biển, đảo xa xôi và có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người sinh sống, thực hiện nhiệm vụ ở các đảo. Mọi người đến chùa cũng là hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về đất liền và cầu mong sóng yên, biển lặng, may mắn, an lành...
 |
Tác giả chụp bên tam quan chùa Trường Sa Lớn. Ảnh: THÚY LÊ |
Sự hiện diện của các ngôi chùa ở Trường Sa chính là sự tiếp nối từ lịch sử. Dưới thời các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, cùng với việc tổ chức đội Hoàng Sa, Bắc Hải đi khai thác hải sản, sản vật ở Hoàng Sa và Trường Sa, việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng miếu để thờ thần, dựng chùa để thờ Phật, trồng cây để dễ nhận ra đảo và tránh tai nạn đã được chú trọng. Trong những chuyến hải trình đầy bão tố khai thác hải sản, sản vật, ông cha ta đã dựng chùa, miếu, tạo lập nơi linh thiêng để cầu cho sóng yên biển lặng, mưu sinh bình an. Theo thời gian, những ngôi chùa, miếu nhỏ được dựng từ thời Nguyễn đã bị bão tố, phong ba của biển cả tàn phá, chỉ để lại những dấu tích là những ngôi miếu nhỏ, tấm bia, tảng đá cổ mà ngư dân Việt đã tạo dựng. Nhưng cho dù thời gian, thiên nhiên có tàn phá, ý thức giữ gìn truyền thống của người Việt vẫn luôn được trao truyền, để từ những dấu tích còn lại ấy, người Việt đã dựng lại những ngôi chùa uy nghiêm. Đó là những ngôi chùa mang lối kiến trúc thuần Việt, thực sự trở thành cột mốc tâm linh vững chãi, hiên ngang giữa biển khơi, góp phần quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khi bước vào không gian của chùa, tôi thấy những chiến sĩ hải quân chăm chút từng chậu hoa, cây cảnh, cùng nhà sư trụ trì quét dọn chùa; các đại biểu thành kính dâng nén nhang thơm lên đức Phật và các vị thần linh, trong tôi trào dâng một cảm giác bình yên...
Tiếng chuông chùa không chỉ gắn kết mọi người với đảo mà còn giúp mỗi người giữ vững niềm tin, yên tâm lao động, công tác, huấn luyện nơi đầu sóng ngọn gió, để giữ gìn và bảo vệ vững chắc biển, đảo quê hương. Cùng với các thiết chế văn hóa được tạo dựng ở huyện đảo Trường Sa, còn có sự trường tồn của văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có đời sống văn hóa tâm linh, đã giúp dân tộc ta giữ vững bản sắc văn hóa của mình, đánh bại mọi mưu đồ, thủ đoạn của các thế lực ngoại bang xâm lược hòng đồng hóa dân tộc ta. Chùa ở Trường Sa sẽ mãi là những cột mốc tâm linh giữa biển khơi, góp phần giữ gìn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
LÊ THỊ HUYỀN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.