QĐND - Cũng như nhiều sự ở đời, "cá lớn nuốt cá bé" hay phận "con sãi ở chùa lại quét lá đa" là chuyện thường tình ở trong bóng đá. Chấp nhận và buộc phải chấp nhận quy luật cạnh tranh nên nhiều vị chủ tịch CLB và HLV đành lặng lẽ đưa tiễn những cầu thủ xuất sắc nhất của mình ra đi. Không những thế, nhiều vị còn lớn tiếng tuyên bố đội bóng của mình đã (hoặc sẽ) có người thay thế, tăng cường lực lượng, vẫn rất mạnh, vẫn vẹn nguyên, thậm chí mạnh mẽ hơn trong khả năng chinh phục danh hiệu. Im lặng hay lớn tiếng để động viên sĩ khí vậy thôi chứ trong bụng ai không tiếc, không đau. "Công anh bắt tép nuôi cò. Đến khi cò lớn cò dò cò đi"...

A.Côn-tê nhất quyết rời ghế HLV Juventus vì lý do đội bóng không những không được bổ sung các ngôi sao mà còn có ý định bán đi những cầu thủ đã được chính tay ông chăm sóc, nâng tầm thành xuất sắc như Pốc-ba. Ước vọng thống trị Serie A của Côn-tê đã đạt được trong 3 mùa bóng liên tiếp vừa qua nhưng với ông, Juventus phải thành công trong đấu trường Champions League. Tiếc là ông không gặp thời cũng như mọi HLV tại Serie A vậy. Khủng hoảng kinh tế kéo theo khủng hoảng trong bóng đá, Serie A đang tụt hậu ở châu Âu.

HLV Côn-tê bất thình lình từ chức bỏ lại hợp đồng 5 năm. Ảnh: congan.com.vn.  

Không phản ứng kiểu Côn-tê, những ông chủ và HLV khác mỗi người mỗi quan niệm, lối ứng xử trước hoàn cảnh, số phận đội bóng. Sau hai mùa giải đoạt "chiếc đĩa bạc" Bundesliga, Borussia Dortmund bị Hùm xám B.Munich lần lượt vồ mất M.Quết-giơ (2013) rồi Lê-van-đốp-xki mùa này. Mất người mà không có sự thay thế xứng đáng, Borussia Dortmund đành nhìn đối thủ B.Munich giành cú ăn ba mùa bóng 2012-2013 rồi lập kỷ lục vô địch quốc gia sớm nhất trong lịch sử mùa bóng 2013-2014. Sao không đau được khi đội bóng đang lên, đang hoàn thiện ở đỉnh cao bị hạ bệ, thất thế. Đã thế, phản ứng dây chuyền đang có nguy cơ làm Dortmund mất tiếp những trụ cột khác, điển hình là Mắc-cô Roi.

Dẫu sao Dortmund và HLV J.Klốp cũng đã dần quen với hoàn cảnh "mất máu", cũng như Arsenal của A.Văng-giê vậy. Họ đều giỏi đào tạo, bồi dưỡng những cầu thủ trẻ, những ngôi sao tiềm năng. Vả lại, họ thường chỉ mất đi một, hai ngôi sao trong khi đội hình căn bản vẫn còn. Mùa chuyển nhượng năm nay có những CLB đang đi lên phơi phới đã bị bứng đi cả loạt trụ cột. Ở Anh, Southampton là kẻ bị rút ruột nặng nề nhất. Sau mùa bóng quân sĩ của họ nổi đình đám vì hạ những người khổng lồ, bây giờ đội quân ấy lũ lượt ra đi. Tiền đạo Lam-bớt, tiền vệ La-la-na, hậu vệ Lô-vren kéo về Liverpool. Hậu vệ trẻ Lúc Sô về Manchester United. Hậu vệ khác, cánh phải Cham-bơ về Arsenal.

Cho đến thời điểm này, Southampton đã mất đến nửa đội hình. Nhưng so với họ Atletico Madrid còn mất đến 11 cầu thủ, trong đó có đến non nửa là trụ cột giành ngôi vô địch từ tay Real Madrid và Barcelona, lại là Á quân Champions League, mùa bóng rực rỡ của Atletico đã dẫn đến kết cục "rằng hay thì thật là hay" mà phải vừa vui, vừa đắng cay bán đi những ngôi sao sáng nhất. Chân sút số 1 của họ Đ.Cô-xta cùng hậu vệ trái xuất sắc nhất Phê-líp-pê Lu-ít đã bị Chelsea nẫng mất. Ngay đến các cầu thủ tiềm năng như A-đri-an, To-rét, A-xen-ni-ô... cũng nối nhau ra đi. Các trụ cột còn lại như Tu-ran, Kốc-kê cũng đang bị lôi kéo. Đành rằng Atletico đã kịp mua về những ngôi sao như Man-giu-kích, Gri-giơ-man, Xi-quây-ra cùng thủ môn Ốp-blắc song tất cả chỉ là những niềm hy vọng. Và mọi hy vọng lúc này lại trông mong vào một tay nhào nặn của HLV Đ.Xi-mê-ô-nê.

Không ai dám nói những Atletico, Dortmund, Monaco hay Arsenal sẽ sa sút nhưng tham vọng cùng những lời tuyên bố mạnh miệng từ phía họ thì đáng phải đặt dấu hỏi lớn.

Những kẻ mạnh thì vẫn mạnh bạo thêm cả về lực lượng và tiền bạc. Sự kiện Atletico hay trước đó là Dortmund lên ngôi chỉ là hiện tượng đột xuất, là "câu chuyện cổ tích" hiếm hoi mà thôi. Mùa bóng này sẽ lại là cuộc đua tranh của những thế lực truyền thống.

NGUYỄN MẠNH