Trong khối "tài sản đồ sộ" ca khúc về Hà Nội, có thể tìm thấy không ít bài ngợi ca mùa xuân.
Một trong những địa danh của Hà thành được hát lên nhiều nhất là Hồ Tây, nhưng về làng lúa, làng hoa Tây Hồ mà nhiều người thuộc nằm lòng, chắc chỉ có một “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” của nhạc sĩ Ngọc Khuê.
Ngày ấy, Hà Nội rất nhiều màu xanh: Xanh sông hồ, xanh cỏ cây, xanh ruộng vườn… Từ trung tâm thành phố, đạp xe nhoáng cái đã tới làng hoa ven hồ bốn mùa ngào ngạt hương sắc.
Dấn thêm nữa là bát ngát cánh đồng ven đê, lúc mơn mởn mướt xanh, lúc trĩu bông ruộm vàng. Hoa ấy, lúa ấy đã khơi dậy cảm xúc dào dạt tình đất, tình người.
 |
Làng hoa Nhật Tân bên sông Hồng vào xuân. Ảnh: TRƯƠNG VỊ |
Có một người lính từ lâu vẫn ấp ủ dự định họa lại cảnh sắc thanh bình đến nao lòng ấy bằng âm thanh.
Những nét nhạc đầu tiên hiện lên dần theo vòng quay bánh xe lượn quanh con đường ven hồ vào một chiều đông, nhưng lời ca lại hướng tới mùa xuân - mùa đơm hoa kết hạt chẳng những cây cối, mà cả tình yêu nữa.
Tình yêu đôi lứa được gửi vào tình lúa, tình hoa, ẩn dụ ý nhị cho sự kết hợp hài hòa giữa thể chất lành mạnh và tâm hồn thuần khiết, giữa đời sống vật chất với văn hóa tinh thần của mảnh đất thanh lịch nho nhã. Anh như cây lúa nuôi dưỡng sự sống con người và em là bông hoa làm đẹp cho đời.
“Hạnh phúc trên đôi tay” của chàng Lúa nàng Hoa đáng được trân trọng, nâng niu, để mãi nhớ những người gieo mầm cho “tình ca đơm hoa từ lòng đất”.
Với hình thức hai đoạn đơn a b không tái hiện, tính thống nhất tổng thể được hình thành từ vài điểm nhấn. Trước tiên là sự duy trì chỉ một mẫu hình tiết tấu ở đoạn a: Âm hình tiết tấu câu đầu “Bên lúa, anh bên lúa/ Cánh đồng làng ven đê” được lặp lại gần như nguyên vẹn ở ba câu sau. Trong đó hai từ “anh bên” ứng với chùm bốn nốt đơn, được sử dụng như hạt nhân phát triển.
Cũng như các nốt lướt, nét luyến láy chùm bốn này làm cho giai điệu nhịp 6/8 càng thêm mềm mại và cái “chiêu” học từ ông bà ta thật hiệu nghiệm, để câu hát trở nên mượt mà, duyên dáng như câu dân ca.
 |
Những làng hoa bên sông đi vào thơ ca, nhạc họa, làm đượm thêm sắc màu văn hóa Hà Nội.
|
Cũng gần với dân ca là cấu trúc tự do của đoạn b, phá vỡ kết cấu vuông vắn cân đối ở đoạn a.
Hạt nhân phát triển ở đây là ba âm đi xuống liền bậc fa-mi-rê (ở điệu rê thứ tự nhiên). Mô típ này được đay đi đay lại “lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người” trước khi hòa trộn cùng các âm trùng và các quãng đặc trưng ngũ cung “sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt…”.
Cứ thế, các câu hát nối nhau đổ xuống, tựa như sóng gợn trên mặt hồ, hoặc sóng trên biển lúa nghiêng ngả dập dờn theo gió. Mô típ ba âm đi xuống liền bậc tiếp tục ẩn trong mấy nhịp kết, trở lại đỉnh điểm cao trào “đôi lứa tình yêu mùa xuân” và kết thúc bằng các nốt fa-mi-rê được nhấn vào đầu nhịp, với các từ khóa “lúa - hoa - xuân”.
 |
Bài hát "Mùa xuân làng lúa, làng hoa" gắn với giọng hát nổi tiếng của NSND Thanh Hoa. |
Về các quãng đặc trưng ngũ cung, vai trò tạo điểm nhấn thống nhất toàn bài thuộc về quãng 4.
Bước nhảy lên quãng 4 thường rơi vào các từ chủ chốt trong nội dung lời ca: Hồ Tây (ba lần), mùa xuân (hai lần), tình yêu và tình ca. Với nhiều lần gọi tên mùa xuân, bài hát ban đầu là “Làng lúa làng hoa” được góp ý đổi thành “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” khi thu âm lần đầu tiên tại Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1981. Từ đó, danh mục ca khúc xuân Hà Nội có thêm một tác phẩm được công chúng yêu thích và tác giả Ngọc Khuê có thêm biệt danh “ông làng lúa, làng hoa”.
“Mùa xuân làng lúa, làng hoa” gắn với tên tuổi NSND Thanh Hoa, tiếp đến là các ca sĩ thế hệ sau: Trung Anh, Tố Nga, Mỹ Lệ... Có tên trong top 10 bài hát hay nhất về Hà Nội, top 20 bài hát hay nhất về nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Ca khúc này đã giúp tác giả đoạt nhiều giải thưởng, đáng kể nhất là Giải thưởng Nhà nước năm 2012.
 |
Mùa xuân chuyên chở những khát khao, hy vọng, mang lại cảm giác ấm áp, yêu đời. |
Hơn bốn thập kỷ qua, “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” được hát không chỉ mỗi độ xuân về, bởi đây còn là bài ca đẹp về Thủ đô, về tuổi trẻ và tình yêu, bởi sự lan tỏa cảm giác ấm áp, lạc quan, yêu đời, yêu người.
Từng có những bạn trẻ thành đôi chính nhờ sự kết nối bằng âm nhạc của “sợi tơ hồng” Làng lúa, làng hoa. Đây còn là ký ức thanh xuân thương nhớ của bao người, vẫn nặng lòng với Hà Nội một thời chưa xa mộc mạc, yên ả, chưa bị "cơn lốc" đô thị hóa "xóa sổ" những làng lúa, làng hoa. May thay, vẻ đẹp bình dị, nên thơ của Hà Nội ngày ấy đã trở thành vĩnh cửu trong bài ca đi cùng năm tháng, bài ca kết tinh từ rung động của riêng một người, mà mọi người đều có thể nhận thấy mình trong đó...
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc NGUYỄN THỊ MINH CHÂU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.