Với hơn 20 phim trình chiếu, nhà làm phim trong nước và quốc tế đã đưa khán giả trải nghiệm trong những không gian văn hóa, câu chuyện cuộc sống, vấn đề của các quốc gia...

Đối thoại giữa các nền văn hóa

LHP tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 12 diễn ra từ ngày 3 đến 12-6-2022, tại rạp chiếu Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội), quy tụ 11 quốc gia: Áo, Bỉ (Wallonia-Brussels), Pháp, Italy, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Cộng hòa Séc, Vương quốc Anh và nước chủ nhà Việt Nam. Chủ đề của các bộ phim tại liên hoan lần này rất đa dạng: Rời bỏ nông thôn, biến đổi khí hậu, thay đổi cá nhân để phù hợp với sự phát triển của xã hội, phân biệt chủng tộc hay về các nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng...

leftcenterrightdel
     Hình ảnh trong bộ phim về chủ đề hỗ trợ người dân tộc thiểu số ở các đồn biên phòng của DSF trình chiếu tại liên hoan phim.Ảnh: DSF

Mỗi buổi chiếu, khán giả được thưởng thức hai tác phẩm điện ảnh, một của Việt Nam và một của một quốc gia đến từ châu Âu, với ẩn ý như một cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa. Buổi chiếu phim tài liệu “Mẫu Liễu Hạnh” (đồng đạo diễn Trần Phương Thủy và Trịnh Quang Tùng) có khá đông khán giả. Đây là bộ phim nằm trong dự án làm phim về “Tứ bất tử” nổi tiếng trong văn hóa Việt Nam. Sau khi xem phim, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nhận xét: “Phim hay, làm công phu, tìm tòi được nhiều tư liệu quý khi đi theo dấu vết của Mẫu Liễu Hạnh dọc theo mọi miền đất nước. Qua đó thể hiện rõ giá trị thiêng liêng của một trong “Tứ bất tử” bấy lâu nay người dân Việt Nam tôn thờ. Bên cạnh đó, phim còn mở rộng ra ý nghĩa cao cả của từ “Mẹ”, ngợi ca các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong các cuộc kháng chiến cứu quốc”.

“Đối thoại” với “Mẫu Liễu Hạnh” là “Vương quốc bất định” đến từ Vương quốc Anh phản chiếu nhiều mặt đời sống của nước Anh hiện nay. Phim phơi bày sự thực, cho dù là quốc gia có mức sống cao, văn minh nhưng vấn nạn cũng không ít: Thất nghiệp, vô gia cư, nhập cư... Những người làm phim tài liệu quốc tế đã không ngần ngại mổ xẻ vấn đề mặt trái của xã hội, từ đó đưa ra những cảnh báo tới nhà cầm quyền muôn mặt thật của cuộc sống.

Buổi chiếu “Những vùng đất hồi sinh” (đạo diễn Đỗ Huyền Trang, Việt Nam) và “Trong từng phút giây” (đạo diễn Nicolas Philibert, Pháp) cũng mang đến cuộc "đối thoại" thú vị. “Những vùng đất hồi sinh” có nội dung về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin mà Mỹ rải xuống Việt Nam. Thật kinh hoàng khi biết chất độc này đã ảnh hưởng tới 4 thế hệ người Việt Nam và vẫn đang tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy. Phim có kịch bản chặt chẽ, được dựng gọn gàng, gây thiện cảm với người xem. “Trong từng phút giây” đề cập đến vấn đề đào tạo nghề điều dưỡng. Phim trình bày theo tiết tấu chậm, nhưng nêu bật khó khăn của những người chọn công việc đầy thách thức này. Những tình huống dở khóc dở cười nảy sinh trong quá trình thực tập của các điều dưỡng tương lai, cũng như quy trình đào tạo nghề nghiêm túc là yếu tố hấp dẫn của phim.

Chắp cánh giấc mơ cho người làm phim Việt Nam

Phim tài liệu là thể loại mời gọi khán giả khám phá thế giới, trải nghiệm các nền văn hóa, tìm hiểu về con người ở đủ mọi sắc tộc, khám phá những vấn đề mang tính toàn cầu, đến những vấn đề vô cùng nhỏ bé ở cấp độ cá nhân. Thể loại này thách thức các khuôn mẫu, định kiến trong tư duy của mỗi người, mời gọi người làm mở rộng tầm nhìn, mở mang tâm trí để khám phá sự đa dạng. Để cuối cùng, khán giả nhận ra các quốc gia dẫu khác biệt, nhưng họ hợp thành nhân loại, mà nhân loại thì cùng theo đuổi những giá trị chung: Yêu thương, gắn kết, trung thực, trách nhiệm vì cộng đồng. “Trải qua 12 lần tổ chức, LHP đã tạo ra được một khối khán giả yêu mến phim tài liệu. Hầu hết những ai kiên nhẫn xem hết một bộ phim tài liệu đều cảm thấy thu về rất nhiều lợi ích”, khán giả Nguyễn Ngọc Diệp (Tây Hồ, Hà Nội) hào hứng cho biết.

Theo đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó tổng giám đốc DSF: Những bộ phim đến từ các quốc gia châu Âu đều giành được giải thưởng danh giá. Về phía Việt Nam, DSF cũng tuyển chọn những phim chất lượng tốt và có đề tài tương đồng với các bộ phim của châu Âu để trình chiếu. Vì vậy, sự kiện là cơ hội rất tốt để các nhà làm phim trao đổi và học hỏi.

Dù được đánh giá phim của Việt Nam chất lượng tốt nhưng qua sự kiện phải thẳng thắn thừa nhận, phim của chúng ta vẫn mang nặng yếu tố tuyên truyền. Trong khi, yếu tố để hấp dẫn khán giả của phim tài liệu chính là tính chân thực, đi đến cùng sự việc. Đạo diễn Trịnh Quang Tùng nhận xét: "Phim của Việt Nam hầu hết được Nhà nước đầu tư sản xuất, nguồn ngân sách cấp theo năm. Do đó, mỗi dự án phim thường thực hiện từ 4 đến 6 tháng, dài lắm là 1 năm, kinh phí ít. Trong khi, các dự án phim của quốc tế họ tìm kiếm nhiều nguồn đầu tư để đi theo diễn biến, thay đổi, nhận thức... trong từng câu chuyện. Có những dự án phim dài hơi 3-5 năm, thậm chí hơn. Đó chính là yếu tố hấp dẫn của phim quốc tế.

Lấp lánh những tín hiệu vui cho phim tài liệu Việt Nam khi thời gian qua, những dự án phim của các tác giả theo dòng phim độc lập đã nỗ lực từng bước chinh phục thế giới. Gần đây nhất là phim “Những đứa trẻ trong sương” (Children of the Mist) của Hà Lệ Diễm giành giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam 2021; “Mùa xuân vĩnh cửu” mang về cho Việt Vũ giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại LHP ngắn quốc tế Baku (Azerbaijan), phim cũng được đề cử tại Oscar 2022... Có những tín hiệu mừng này, theo đạo diễn Trịnh Quang Tùng, các bạn trẻ đã và đang tìm hướng đi gần nhất với thế giới: “Lâu rồi DSF không làm được, nhưng các bạn theo đuổi dòng phim độc lập đã mang được giá trị điện ảnh ra thế giới, kể với thế giới câu chuyện, văn hóa, cuộc sống con người Việt Nam. Đây là điều cần phải cổ vũ, khích lệ, từ đó có chính sách quan tâm, đầu tư cho những tài năng điện ảnh mới để chắp cánh khát vọng chinh phục khán giả, chinh phục thế giới của họ”.

VƯƠNG HÀ