Kết quả này đã giúp Hà Nội khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, đồng thời là cơ hội để các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo tồn giá trị truyền thống, khẳng định vị thế của Thủ đô. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội.
Phóng viên (PV): Sự kiện hai làng nghề là thành viên chính thức của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
 |
Ông Trương Minh Tiến. |
Ông Trương Minh Tiến: Đây là vinh dự lớn cho nhân dân làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng, cho Hà Nội và đất nước; là sự thừa nhận của UNESCO về giá trị nghề truyền thống và quá trình gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quý báu của hai nghề truyền thống của Hà Nội. Sự kiện này chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là các nghệ nhân và cộng đồng làm nghề của hai làng. Đây còn là sự khích lệ, động viên to lớn tới các làng nghề truyền thống khác của Hà Nội và cả nước; cơ hội để chúng ta tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản nghề truyền thống nhằm kết nối giao thương, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
PV: Hà Nội là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, vậy hai làng nghề khi tham gia sẽ góp phần như thế nào để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực làng nghề, thiết kế?
Ông Trương Minh Tiến: Theo quy định của UNESCO có 7 lĩnh vực được xác định để ghi danh tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, gồm: Thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học nghệ thuật, truyền thông đa phương tiện và ẩm thực.
Kể từ năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, các hoạt động động viên, khuyến khích sáng tạo ở hầu hết các lĩnh vực của Hà Nội đã và đang đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Hoạt động thiết kế sáng tạo đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Cùng với các làng nghề truyền thống của Hà Nội thì hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc đã và đang tham gia tích cực vào lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đóng góp bước đầu vào sự nghiệp công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Hiện nay, làng dệt lụa Vạn Phúc có hơn 60 hộ gia đình làm nghề dệt lụa với xấp xỉ 200 khung dệt. Hầu hết doanh nghiệp, hộ gia đình hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Mỗi năm, làng sản xuất khoảng 2,5-3 triệu mét vuông vải, chiếm trên 60% doanh thu của toàn bộ làng nghề.
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng có 8.500 nhân khẩu nhưng có hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó có 140 nghệ nhân và hàng nghìn thợ lành nghề. Trên 80% người dân trong làng sinh sống bằng nghề sản xuất gốm sứ. Nghề gốm sứ của Bát Tràng không chỉ tạo việc làm trong xã mà tạo công ăn việc làm cho 4.000-5.000 lao động thường xuyên từ nơi khác đến, với thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm, doanh thu từ nghề gốm mỗi năm lên đến 2.000 tỷ đồng.
PV: Là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới, các làng nghề phải thực hiện những kế hoạch như thế nào trong việc nâng cao về các tiêu chí theo quy chuẩn của thế giới?
Ông Trương Minh Tiến: Trước hết, cần tuyên truyền nâng cao niềm tự hào về danh hiệu cao quý mà UNESCO đã trao tặng tới các tầng lớp nhân dân của từng làng nghề. Chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghề truyền thống của địa phương mình. Đề xuất cơ chế huy động nguồn lực, tôn vinh nghệ nhân, hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, trình diễn, sáng tạo, sản xuất, cung cấp nguồn nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm... Quy hoạch, nâng cấp hạ tầng du lịch để tạo điểm đến thuận lợi thu hút khách. Điều quan trọng nhất là động viên được các nghệ nhân, người làm nghề gìn giữ tinh hoa nghề truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương.
 |
Lễ đón nhận hai làng nghề là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Ảnh: MINH AN |
PV: Ông có nhận định như thế nào về sự phát triển, tương lai của các làng nghề Hà Nội, sau khi nhìn từ kinh nghiệm của hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc?
Ông Trương Minh Tiến: Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận; có 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng/năm.
Hầu hết các nghề truyền thống đã được bảo tồn, phát huy giá trị, tạo sinh kế cho nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Một số làng nghề trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của khách trong và ngoài nước.
Nhằm tiếp tục phát triển làng nghề, mới đây thành phố đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đề ra mục tiêu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 5 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển 10 làng từ “làng nghề” lên “làng nghề truyền thống”; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và bảo tồn, phục dựng không gian văn hóa làng nghề, nhằm phát triển ít nhất 3 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 điểm, tuyến du lịch làng nghề. Phấn đấu tối thiểu 80% người lao động tại làng nghề, làng nghề truyền thống được đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh, an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
CHÂU XUYÊN (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.