NSND Vương Duy Biên, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam:
Quan trọng nhất là phải cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, đường lối
Tôi rất xúc động khi nghe bài phát biểu đậm chất văn hóa, rất sâu sắc, cụ thể của người đứng đầu Đảng ta. Là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, tôi thấy ấn tượng bởi những mặt được và chưa được của văn hóa hiện nay đã được Tổng Bí thư chỉ ra rất đúng, rất trúng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: Vấn đề là sau hội nghị, thông điệp, ý nghĩa của hội nghị phải thẩm thấu, lan tỏa toàn xã hội. Cần có cú hích cho công tác văn hóa, văn nghệ.
 |
NSND Vương Duy Biên |
Mấu chốt là các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương nhận thức thế nào về vai trò đa chiều của văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế? Nhận thức đúng mới có hành động sáng suốt, kịp thời; từ đó mới triển khai các quyết sách, chế độ chính sách tạo điều kiện cho văn hóa, văn nghệ phát triển. Nếu ai cũng nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đã được nhấn mạnh trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, tôi nghĩ văn hóa sẽ có bước phát triển thực chất trong thời gian tới.
VÂN ANH (ghi)
----------
PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam:
Quản lý quý di sản văn hóa, đừng để việc đã rồi
Những năm qua, sự nghiệp phát huy, bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam có bước tiến rất lớn. Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn phát huy di sản chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta chưa kịp thời, chưa có đủ điều kiện kinh phí để hỗ trợ trùng tu với hơn 40.000 di tích văn hóa, lịch sử trên cả nước, trong đó hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Cần ghi nhận sự đóng góp, hỗ trợ của nhân dân và các nhà tài trợ trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Song, quá trình thực hiện, địa phương lại bị sự chi phối của các nhà tài trợ mà quên nghĩa vụ phải gìn giữ nguyên trạng di tích. Rồi, có không ít chủ đầu tư coi các kiến trúc cổ là “mỏ vàng” để tư lợi cho bản thân.
Việc xã hội hóa bảo tồn, trùng tu là cần thiết nhưng nhà quản lý cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện. Việc phân cấp trong quản lý di sản cần đi đôi với thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm ngay từ sớm, tránh để đến khi sự việc đã rồi mới vào cuộc thì đã quá muộn.
 |
PGS, TS Đỗ Văn Trụ |
Vấn đề nữa về đội ngũ cán bộ ở nước ta hiện nay gặp khó khăn trong việc tiếp cận với cái mới, tư duy mới, phương pháp mới. Vì vậy, muốn di sản văn hóa trở thành động lực, trở thành bản sắc của dân tộc, góp phần tích cực vào đời sống xã hội thì chúng ta cũng phải đổi mới sự nghiệp quản lý di sản văn hóa. Tôi cũng hy vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra, ngành di sản văn hóa sẽ ngày càng được chú trọng, phát huy hiệu quả hơn nữa.
CHÂU XUYÊN (ghi)
----------
NSND Thanh Hoa:
Giữ vững “điểm tựa” văn hóa truyền thống
Từ bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cảm nhận văn hóa không phải chỉ là âm nhạc, áng văn thơ, những bộ phim, vở kịch... mà đó là những giá trị nguồn cội kết tinh từ hàng nghìn năm lịch sử, làm nên nhân cách con người Việt Nam. Tôi thấm thía lời căn dặn của Tổng Bí thư cần bảo tồn văn hóa truyền thống; đồng thời phải biết “gạn đục khơi trong”, tránh chuộng lạ, tránh bắt chước một cách rập khuôn, thiếu chọn lọc.
 |
NSND Thanh Hoa: Giữ vững “điểm tựa” văn hóa truyền thống. |
Bởi vậy, tôi hy vọng và tin tưởng sẽ có sự thay đổi thực sự về văn hóa, sớm khắc phục những bất cập, yếu kém. Tôi hy vọng rằng, các văn nghệ sĩ qua hội nghị này, hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình với đất nước, với nhân dân. Chúng ta cần phải hành động để xứng đáng hơn với sự tin cậy, sự hy vọng của Đảng, Nhà nước đã dành cho văn nghệ sĩ; luôn quan tâm, động viên, chia sẻ với những khó khăn của văn nghệ hiện nay.
THU HỒNG (ghi)
----------
NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam:
Nỗ lực để có các hoạt động văn hóa thiết thực
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, cũng như ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành văn hóa, khẳng định rõ ràng: Văn nghệ sĩ là hạt nhân, là nền tảng rất quan trọng để truyền bá giá trị tốt đẹp, nhân văn của văn hóa thông qua các tác phẩm văn nghệ. Không có lý do nào để những người hoạt động văn hóa, văn nghệ quên đi vai trò, trách nhiệm, vị trí của mình.
 |
NSƯT Xuân Bắc. |
Ngay từ bây giờ, những người làm văn hóa cũng phải xem lại chính khả năng của mình, cần trau dồi, nâng cao ý thức về nghề nghiệp, trách nhiệm công dân để mỗi tác phẩm phải thực sự mang tính văn hóa, truyền đạt nội dung văn hóa, phát triển văn hóa, chứ không chỉ là một tác phẩm giải trí đơn thuần. Một tác phẩm đưa ra phải hội tụ tất cả những giá trị tốt đẹp góp phần quan trọng xây dựng nhân cách và phẩm chất con người và đạo đức xã hội.
VÂN HÀ (ghi)
----------
Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam:
Phát triển môi trường văn hóa học đường
Cấu trúc môi trường văn hóa và môi trường văn hóa học đường (VHHĐ) thể hiện bản sắc của mỗi vùng miền và mỗi quốc gia nên không thể giống nhau. Ở Việt Nam có thể hiểu cốt lõi giá trị môi trường VHHĐ là những chuẩn mực, khuôn mẫu chung trong các nhà trường, luôn gắn liền với văn hóa, xã hội và thời đại, trong đó có sự nghiệp đổi mới giáo dục.
 |
Ông Đặng Tự Ân. |
Môi trường giáo dục là tất cả các điều kiện về cơ sở vật chất và tinh thần có ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục, học tập, rèn luyện và phát triển con người, trong đó có môi trường VHHĐ. Môi trường VHHĐ coi trọng mọi ý tưởng, tạo động lực cho học sinh, làm nảy nở mạnh mẽ năng lực tự học và năng lực sáng tạo.
Giải pháp phát triển những giá trị cốt lõi trong môi trường VHHĐ có thể là: Gắn nhiệm vụ xây dựng con người trong môi trường VHHĐ với nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo. Mục tiêu dạy học đã được thay đổi từ người học đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ sang phát triển năng lực phẩm chất. Đây phải được coi là thay đổi nhận thức lớn nhất của đổi mới giáo dục.
Phát triển môi trường VHHĐ gắn bó hữu cơ với việc triển khai hệ giá trị văn hóa quốc gia. Đối với mọi nước thì hệ giá trị VHHĐ luôn là một phần trong hệ giá trị văn hóa quốc gia và có tác động qua lại với nhau. Nhà nước cần sớm chỉnh sửa hệ giá trị văn hóa quốc gia làm định hướng cho phát triển môi trường VHHĐ.
Phát triển môi trường VHHĐ đúng nghĩa có vai trò như là soi đường và luôn giữ vững được vị trí song hành với công cuộc đổi mới giáo dục ở Việt Nam. Vì thế, củng cố và hoàn thiện môi trường VHHĐ sẽ bảo đảm hiệu quả cho sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà.
KHÁNH HÀ (ghi)
----------
Diễn viên, người mẫu Trương Ngọc Ánh:
Phát triển công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế
Tôi tâm đắc với bài phát biểu của Tổng Bí thư khi nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc là “khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
 |
Diễn viên, người mẫu Trương Ngọc Ánh. |
Đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động trong ngành văn hóa đều có chung nhận định: CNVH nước ta còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Nhìn ra thế giới, thấy chuyện một nhóm nhạc Hàn Quốc đóng góp thuế cho nhà nước bằng cả một nhà máy sản xuất xe hơi, khiến chúng tôi suy nghĩ, trăn trở nhiều. Rõ ràng, cần sự đầu tư đúng mức, cân xứng cho sự phát triển CNVH.
Từ bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hy vọng toàn xã hội sẽ có cái nhìn cởi mở, đúng đắn về phát triển CNVH; nhiệt thành đầu tư, tài trợ để CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.
Phát triển CNVH là nhiệm vụ mới mẻ, cơ chế, chính sách chưa theo kịp với đòi hỏi từ thực tiễn. Hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, tập đoàn... sẽ cùng ngồi lại, cùng chung tay đồng lòng, dốc sức cho sự phát triển CNVH, vì lợi ích chung của văn hóa, của nhân dân, của đất nước.
NGỌC THÚY (ghi)