Nước ta đang phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), do đó việc chú trọng phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) sẽ góp phần quan trọng để CNVH đóng góp 7% GDP-một trong những mục tiêu nêu ra tại Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

PV: Từ lâu VHNT được coi là hồn cốt của một nền văn hóa. Không những vậy, VHNT cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển của CNVH. Là một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

 Cảnh trong phim "Mắt biếc" được chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.Ảnh do đoàn làm phim cung cấp.


PGS, TS Bùi Hoài Sơn: VHNT có thể xem là xương sống, là nguồn lực của các ngành CNVH. Điện ảnh, âm nhạc mang lại doanh thu khổng lồ. Một số ngành khác như văn học, nghệ thuật thị giác đóng góp doanh thu trực tiếp không nhiều nhưng lại cung cấp kịch bản văn học, hình tượng, cách diễn đạt cho CNVH phát triển. Ngoài ra, từ các tác phẩm VHNT tạo ra giá trị gia tăng với các sản phẩm “ăn theo” như: Phim trường, không gian trong phim trở thành điểm tham quan du lịch; các đồ lưu niệm; thương hiệu và hình ảnh; các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng xuất hiện trong các tác phẩm VHNT... Thế mới có chuyện có những ngôi sao giải trí qua đời đã lâu như: Elvis Presley, Michael Jackson... vẫn kiếm được bộn tiền nhờ các tác phẩm được tái bản nhiều lần, hình ảnh và thương hiệu tiếp tục được sử dụng.

Các sản phẩm VHNT được tạo ra từ sự sáng tạo của con người, đó là tài nguyên vô tận và vô giá; đóng góp vào kinh tế quốc dân rất lớn trong khi đó lại không gây tác động lớn đến môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, sản phẩm VHNT trở thành sản phẩm CNVH sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc gia, trở thành “sức mạnh mềm” ảnh hưởng lên toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa.

PV: Từng có thời gian học tập, tham quan, nghiên cứu CNVH ở nước ngoài, ông thấy các nước đi đầu về CNVH đã quan tâm, phát triển VHNT như thế nào?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Ở các nước phát triển, kinh tế thị trường điều tiết hầu hết các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, VHNT. Các sản phẩm VHNT được xem là một sản phẩm hàng hóa, như vậy nó phải được điều tiết và định hướng bởi quy luật của nền kinh tế thị trường như phải có giá trị sử dụng, có khả năng mang lại lợi nhuận, chịu tác động của quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, giá cả... Chính vì vậy, mọi hoạt động, định hướng phát triển VHNT đều cần dựa trên nhu cầu xã hội. Lấy ví dụ, nghệ sĩ sau khi đào tạo đều hành nghề tự do, không có khái niệm văn nghệ sĩ hưởng lương từ ngân sách, có biên chế nhà nước. Có tài năng, giàu sáng tạo, cần cù chăm chỉ, làm ra các sản phẩm VHNT đáp ứng nhu cầu xã hội, được thị trường yêu thích thì chính công chúng sẽ nuôi sống, thậm chí làm giàu cho nghệ sĩ. Ngược lại, thị trường không yêu thích, không chấp nhận thì sản phẩm VHNT và bản thân nghệ sĩ sẽ bị đào thải. Nhu cầu xã hội đối với VHNT luôn thay đổi, luôn đòi hỏi mới mẻ, sản phẩm VHNT cũng có chu kỳ sống của mình nên ngay cả các ban nhạc nổi đình nổi đám những năm 1990 ở Âu Mỹ đều đã tan rã.

Ngoài khía cạnh là một loại hàng hóa, các nước phát triển cũng xem sản phẩm VHNT còn là sản phẩm tinh thần, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, giá trị tinh thần chung của cộng đồng nên phải có những cách thức hạn chế tác động không mong muốn nếu có nghệ sĩ hay nhà sản xuất nào cố ý lợi dụng. Ở những nước không có cơ quan quản lý văn hóa, chính các hiệp hội nghề nghiệp sẽ đề ra các quy tắc đạo đức, quy tắc nghề nghiệp để các nhà sản xuất, nghệ sĩ tuân thủ. Sẽ có những “vùng cấm” như lạm dụng hành vi tình dục với trẻ vị thành niên, phỉ báng tôn giáo, kỳ thị chủng tộc... Nếu không tuân thủ các quy tắc, sản phẩm VHNT rất khó phát hành vì chẳng có đơn vị tổ chức hay hệ thống phát hành nào muốn mang tiếng là “tiếp tay” cho sản phẩm phi đạo đức. Họ sợ công chúng tẩy chay, thiệt hại kinh tế sẽ là rất lớn.

Nhu cầu xã hội không chỉ điều chỉnh sản phẩm văn hóa và dịch vụ mà còn điều chỉnh chính sách quản lý văn hóa. Trong thành phần Chính phủ một số nước không có bộ, ngành nào quản lý văn hóa nhưng có các hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách bảo đảm các quyền lợi về văn hóa, VHNT cho dân chúng, đó là: Quyền được sáng tạo văn hóa, quyền được thụ hưởng văn hóa và quyền được tôn trọng khác biệt về văn hóa.

PV: Ông đánh giá các tác phẩm VHNT ở nước ta đã thực sự trở thành nguồn lực cho các ngành CNVH chưa?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Năm 2016, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH đã xác định 12 lĩnh vực CNVH. Trong đó, kiến trúc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là những ngành nghệ thuật. Một số lĩnh vực như thiết kế, thời trang, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, xuất bản muốn phát triển nhanh, bền vững phải liên kết chặt chẽ với các ngành nghệ thuật.

Điện ảnh có thể xem là lĩnh vực nghệ thuật mũi nhọn, năm 2019, doanh thu điện ảnh tại Việt Nam đạt 4.064 tỷ đồng (hơn 176 triệu USD), vượt 20% so mục tiêu trong Chiến lược là 150 triệu USD. Nhiều ngành nghệ thuật khác chưa có con số thống kê cụ thể về doanh thu nhưng hoàn toàn có thể thấy sự phát triển tích cực. Đơn cử như nhạc trẻ Việt Nam (V-pop) đã có những video đã đạt nửa tỷ lượt xem trên ứng dụng Youtube, bước đầu được người xem toàn cầu chú ý. Nhiều nhóm nhạc, ca sĩ được hâm mộ không kém các ngôi sao đến từ Âu Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Điều tôi muốn nhấn mạnh là sự liên kết giữa các lĩnh vực CNVH bước đầu đã có hiệu quả. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra đời “đánh thức” du lịch Phú Yên. Tác phẩm văn học có tiếng “Cánh đồng bất tận”, “Quyên”, “Mắt biếc”, “Cô gái đến từ hôm qua”... đều đã được dựng thành phim. Nếu như có sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa VHNT với các lĩnh vực khác, đóng góp của VHNT với sự phát triển của CNVH còn cao hơn nữa.

PV: Theo ông, cần làm gì để VHNT tiếp tục là nguồn lực để phát triển CHVH trong thời gian tới?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Nhìn tổng thể hiện trạng VHNT hiện nay, tôi cho rằng, VHNT còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy để phát triển CNVH. Vấn đề hiện nay là chúng ta đang gặp khá nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Có những việc không thể một sớm một chiều giải quyết. Song phải có quyết tâm, có phương pháp bài bản mới hoàn thành được mục tiêu cụ thể là CNVH đóng góp 7% GDP vào năm 2030 và trong đó VHNT cũng sẽ có đóng góp đáng kể.

Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là phải hoàn thiện thể chế chính sách, thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, VHNT. Không một đất nước nào phát triển thành công CNVH là chỉ nhờ ngân sách, nhân lực từ Nhà nước. Tôi lấy ví dụ một số hội sách, đường sách thành công những năm qua là do công ty tư nhân, các hiệp hội nghề nghiệp bắt tay thực hiện dưới sự khuyến khích, hỗ trợ chính sách của Nhà nước. Chúng ta hoàn toàn có thể nhân rộng những mô hình thành công này cho nhiều lĩnh vực khác. Nguồn lực xã hội hóa sẽ không đầu tư cho văn hóa, VHNT nếu họ không được hưởng lợi, không nhìn thấy lợi ích, không được hỗ trợ, ưu đãi như cho vay vốn, miễn giảm thuế, cho thuê không gian...

Cần phát triển thêm các hoạt động hỗ trợ sáng tạo, để tạo sức bật thật sự. Lĩnh vực thời trang sẽ tăng thêm doanh thu nếu chúng ta có những tuần lễ thời trang chất lượng; tích cực quảng bá thương hiệu thời trang, nhà tạo mẫu, người mẫu... Như chuyện các sản phẩm nhà thiết kế Công Trí được các siêu sao giải trí mặc lên người, lẽ ra phải quảng bá rầm rộ hơn. Nỗ lực quảng bá, hỗ trợ xây dựng hình ảnh cho nhà thiết kế Công Trí không phải chỉ dành cho cá nhân nhà thiết kế hưởng lợi mà là cả ngành thời trang Việt Nam sẽ được chú ý, biết tới nhiều hơn.

Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội nghề nghiệp cũng rất quan trọng. Những tổ chức nghề nghiệp do chính các đơn vị làm nghề tham gia, họ sẽ biết thực hiện các chương trình, dự án mang lại lợi ích sát sườn như: Đào tạo, quảng bá, bảo vệ bản quyền... Vai trò của quản lý Nhà nước sẽ tạo hành lang chính sách để các tổ chức hoạt động, làm việc thật hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (Thực hiện)