Là những trăn trở mà các chuyên gia, nhà quản lý, nghiên cứu, các nghệ sĩ phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, cũng như trao đổi bên lề với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, để nói lên tâm huyết của mình, với mong muốn phát triển thực chất văn hóa nước nhà.
PGS, TS NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:
Cần tạo ra một môi trường văn hóa thúc đẩy sáng tạo
Văn học, nghệ thuật cần có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Nỗi lo lắng, băn khoăn, trăn trở lâu nay của nhiều người là văn học, nghệ thuật thiếu vắng tác phẩm lớn, có sức lan tỏa rộng rãi là điều chúng ta phải thừa nhận, không nên né tránh.
 |
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp. |
Văn học, nghệ thuật là bộ phận đặc biệt tinh tế, là tinh hoa của văn hóa. Có người từng đúc kết: Ngàn lời tuyên truyền cái hay cái đẹp, không thể so sánh với tác động của một tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị, nhân văn. Đó là sức mạnh kỳ diệu, mê hoặc của văn học, nghệ thuật trong đời sống. Muốn phát triển văn học, nghệ thuật, để có những tác phẩm đỉnh cao, xứng đáng với thời đại cần quay trở lại vấn đề bản thể là cần tạo ra một môi trường văn hóa thúc đẩy sáng tạo.
Văn hóa không chỉ “đóng khung” trong các lý thuyết, những bài diễn văn, phát biểu. Văn hóa phải được thẩm thấu trong mọi lĩnh vực đời sống, mọi cá nhân con người. Nếu nhìn theo lý thuyết tiếp nhận hiện đại, tác giả có sáng tạo tác phẩm đỉnh cao thế nào đi nữa, nhưng trình độ công chúng không được nâng lên thì cũng khó cảm thụ cái hay, cái đẹp của tác phẩm, thậm chí có khi còn không quan tâm. Cho nên tôi xin nhấn mạnh lại vấn đề cốt lõi là văn hóa phải thẩm thấu vào mọi lĩnh vực, mọi cá nhân là như vậy.
Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc này, tôi hy vọng chúng ta cùng nhận thức lại vai trò, vị trí, ý nghĩa của văn hóa, văn học, nghệ thuật, cùng mở ra cơ hội về sự đổi mới thực chất trong thời gian tới.
-----------------
THU TRANG (ghi)
Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phụ trách Nhóm chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương:
Chống “xâm lăng văn hóa” để giữ cốt cách dân tộc
Toàn cầu hóa, hội nhập về văn hóa là xu thế tất yếu. Khi chúng ta mở cửa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, điều không mong muốn là “rác” văn hóa cũng ùa vào. Đó là những sản phẩm văn hóa xấu độc, lối sống vị kỷ, sùng bái vật chất, phản giá trị văn hóa... Nếu chúng ta không tỉnh táo, các loại “rác” sẽ “xâm lăng văn hóa” khiến người dân, nhất là giới trẻ lãng quên bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng, có lối sống vị kỷ, quên đi tình nghĩa, phai nhạt lý tưởng cách mạng, chỉ quen hưởng thụ mà không có mục tiêu phấn đấu, rèn luyện... Đây là điều nguy hại không chỉ cho văn hóa mà còn ở các lĩnh vực khác về lâu dài.
 |
Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương |
Quan điểm của tôi để chống "xâm lăng văn hóa" cần hàng loạt biện pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện. Trước hết, cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề văn hóa. Cụ thể, phải đề cao văn hóa dân tộc, văn hóa gắn liền với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cần có các tiêu chí, quy định rõ ràng, cụ thể về phát ngôn, ứng xử để mọi người tuân thủ, để giữ gìn “nếp nhà”, “gia phong” của người Việt như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra. Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, người dân có ý thức đề kháng với quá trình "xâm lăng văn hóa", biết gạn đục khơi trong, biết phân biệt cái hay, cái đẹp với cái xấu độc trong quá trình tiếp biến văn hóa. Đồng thời, chúng ta cần quan tâm, chăm lo đội ngũ làm công tác văn hóa, nhất là các văn nghệ sĩ. Có thêm nhiều tài năng sáng tạo tức là có thêm nhiều tác phẩm giá trị, làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của toàn dân, đủ sức chống chọi lại sự "xâm lăng văn hóa".
THANH THỦY (ghi)
----------------------
NSND TRỊNH THÚY MÙI, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam:
Đầu tư hơn nữa cho những tác phẩm mang đề tài hiện đại
Đội ngũ văn nghệ sĩ là lực lượng sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Vì vậy, cần quan tâm, đầu tư nguồn nhân lực này với những cơ chế đặc thù, như bên cạnh đào tạo trong nước cần gửi đi học tập tại các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng, khắc phục sự khủng khoảng về lực lượng. Bên cạnh đó, cần giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong các trường học nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền, đồng thời nhằm xây dựng, đào tạo thế hệ khán giả trẻ của sân khấu. Đây là hoạt động hết sức cần thiết, mang tính khả thi, vừa trang bị kiến thức lịch sử nước nhà cho giới trẻ, vừa có tác dụng đào tạo, định hướng khán giả chung cho nghệ thuật sân khấu.
 |
NSND Trịnh Thúy Mùi |
Vì sự thôi thúc khẩn thiết của đòi hỏi xã hội nên sân khấu phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho những tác phẩm mang đề tài hiện đại nhằm tổ chức đối thoại với người xem thông qua những vở diễn phản ánh sâu sắc, sinh động vấn đề đồng thuận giữa ý Đảng-lòng dân trong cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là đề tài chính luận về thế sự, mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng của Đảng. Những tác phẩm này rất cần Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho vở diễn được biểu diễn trong các trường Đảng, các kỳ họp Quốc hội, HĐND để cán bộ, đảng viên phải là người học tập và thẩm thấu trước tiên, nhằm thực hiện quyết tâm lớn của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để nghệ thuật góp phần tích cực nhất vào việc “phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam” vượt qua những thách thức trong quá trình đưa đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.
------------------------
CHÂU XUYÊN (ghi)
GS, TS PHẠM TẤT DONG, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam:
Sự biến đổi của văn hóa tạo nên nhiệm vụ mới của giáo dục
Đề cập đến vấn đề chung, lớn nhất của xã hội là văn hóa học tập. Học tập như thế nào được gọi là tinh thần văn hóa? Như Bác Hồ nói học tập phải gắn liền với sự nghiệp cách mạng, phải khơi dậy ý thức, ý chí phát triển giáo dục sánh vai với các cường quốc. Mục tiêu của giáo dục và đào tạo là tạo nên những công dân tốt, những chí sĩ tốt, lao động tốt... đó là tinh thần văn hóa. Tinh thần ấy được thực hiện ngay trong từng lĩnh vực, từng phương pháp, chương trình đến cách học.
 |
GS, TS Phạm Tất Dong |
Làm thế nào để giáo dục đi đúng hướng dân tộc, khoa học và đại chúng. Giáo dục phải có một tinh thần văn hóa mới, thể hiện trong đạo đức, trong lối sống, sinh hoạt của ngành giáo dục. Trên tinh thần kế thừa, giáo dục phải mang trên vai những giá trị văn hóa, giá trị đạo đức của thời đại mới. Những giá trị ấy muốn tồn tại phải chứa đựng cả những giá trị chung của thế giới. Hướng đi của giáo dục là phải phát huy được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng vẫn phải tiếp cận được xu thế mới của giáo dục, tạo ra những công dân toàn cầu. Nghĩa là công dân của một quốc gia nhưng hết sức tôn trọng những giá trị văn hóa của các nước khác, đồng thời có thể sinh hoạt và sống được với những giá trị văn hóa đó. Cùng với đó, khi trình độ dân trí càng cao thì khả năng cảm thụ, giữ gìn văn hóa càng lớn. Những nhà trí thức có đời sống văn hóa, tinh thần yêu nước cao, chính là vì tri thức đã mang lại cho họ cách nhìn về đất nước, về dân tộc và về quốc tế. Nhiều người đã trở thành con người chung, con người quốc tế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thế giới tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.
KHÁNH HÀ (ghi)
-------------------
Bà Thân Thị Thu Huyền, Phó tổng giám đốc Gami Hospitality:
Kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại để phát triển du lịch văn hóa
Bản thân văn hóa luôn có sức hút đặc biệt với du khách. Khi tới bất kỳ một vùng đất nào, khách du lịch luôn tìm đến các trải nghiệm văn hóa đặc trưng của địa phương, như: Ẩm thực, trang phục, lịch sử... để khám phá. Đặt ra mục tiêu hành động, Gami đã đầu tư dàn dựng chương trình nghệ thuật thực cảnh hành tráng và công phu “Ký ức Hội An”. Bước đầu thành công của “Ký ức Hội An” chính là nhờ quyết tâm lấy yếu tố văn hóa Việt làm nền tảng, dùng văn hóa làm trọng tâm để đầu tư xây dựng một show diễn đủ tầm vóc để phát triển bền vững; đồng thời mang lại cho du khách một trải nghiệm về văn hóa Việt hoàn toàn khác từ trước đến nay.
 |
Bà Thân Thị Thu Huyền |
Du lịch bền vững cần sự đầu tư bài bản chứ không thể chộp giật, chớp nhoáng. Trong qua trình thực hiện cũng cần lưu ý tới hoạt động marketing và truyền thông, để khơi dậy sự yêu thích văn hóa của khán giả. Bài học thành công về quảng bá sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã cho thấy hiệu quả “hái ra tiền” của du lịch văn hóa, để chúng ta tham khảo để thực hiện phù hợp tại Việt Nam.
THANH VÂN (ghi)