Mọi ồn ào, hối hả đều lắng lại trước khuôn viên rợp bóng cây. Mái ngói vút cong, tiếng chuông, tiếng mõ đều đều hòa lẫn tiếng cầu kinh niệm phật. Chùa Viên Minh được xây dựng vào năm 1819. Chùa có tên chữ Viên Minh tự, tục truyền là tên gọi theo pháp hiệu của Hai Bà Trưng khi được triều đình nhà Lê tôn lên thành Phật. Chùa có kiến trúc hình chữ công gồm tiền đường, nhà thiêu hương và tòa thượng điện, phía sau thờ mẫu. Các bức tượng, pháp khí, đồ thờ tự mang phong cách thời Nguyễn. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị về lịch sử, nghệ thuật.

 Bia di tích cách mạng kháng chiến trong khuôn viên chùa Viên Minh.

Chúng tôi đến vãng cảnh chùa Viên Minh vào giữa tiết thu. Cả Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10). Trong niềm hoan hỉ, ni sư Thích Đàm Hiếu bày tỏ niềm tự hào khi trụ trì ngôi cổ tự cũng là cơ sở cách mạng. Đứng bên tấm bia di tích, vị ni sư kể về những câu chuyện, sự kiện được nghe các sư tổ trụ trì và nhân chứng lịch sử truyền lại.

Từ năm 1946 đến 1954, chùa là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng. Nhà thờ tổ và tam bảo của chùa từng là nơi cán bộ hội họp, cất giấu tài liệu cách mạng. Sư tổ Thích Đàm Thu là người yêu nước, đã có nhiều công lao nuôi giấu, giúp đỡ, bảo vệ an toàn cho các cấp cán bộ hoạt động tại chùa. Nhiều cuộc họp được diễn ra ở nhà tổ để phổ biến chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đảng. Mỗi khi có cuộc họp, sư cụ là người ở ngoài cảnh giới. Nếu phát hiện giặc đi lùng sục, cụ sẽ gõ chuông để báo động giúp cán bộ rút lui an toàn. Trước đây, đồng chí Trần Duy Hưng là Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Nội đã từng hoạt động cách mạng bí mật ở chùa và được sư cụ nuôi giấu, bảo vệ an toàn. Vào ngày 10-10-1954, sư cụ ủng hộ cờ Tổ quốc để cán bộ đi đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô.

Với những giá trị về lịch sử, chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1962. Đến năm 2019, chùa nằm trong tổng thể cụm di tích: Chùa Viên Minh, đền Hai Bà Trưng, đình Đồng Nhân được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Chùa cũng được UBND TP Hà Nội gắn biển di tích cách mạng kháng chiến.

Ni sư Thích Đàm Hiếu cho biết: “Xác định giá trị của di tích, những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư, giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Năm 2017, quận Hai Bà Trưng đã hoàn thiện hồ sơ trình TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin phép tu bổ, tôn tạo các hạng mục của chùa Viên Minh bao gồm: Tam bảo, nhà mẫu, gác chuông, nội thất và đúc chuông. Toàn bộ kinh phí thực hiện dự án hơn 21 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hoá”.

Là cơ sở tôn giáo đồng thời là di tích lịch sử cách mạng, chùa Viên Minh được nhân dân, du khách thập phương thường xuyên thăm viếng. Địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội đúng quy định, qua đó nhân lên niềm tự hào về di tích lịch sử cách mạng trên mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh: ĐỨC NAM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.