QĐND - Sau chiều nay, còn buổi chiều khác nữa
Có thể mây cao, có thể nắng vàng
Cơn gió thổi những buổi chiều chưa tới
Tóc bao người bay rợi cả không gian
Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ
Bên dòng sông như chưa biết chiều tan
Tôi với nó lặng im bè bạn
Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang
Những buổi chiều, những buổi chiều quê hương
Tôi đã sống và tôi chưa được sống...
Nhưng chiều nay vô tình trong nắng muộn
Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang.
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI:
Bài thơ có 3 khổ. Mỗi khổ 4 câu. Ở khổ 1, mỗi câu đều mang trong nó một cách nhìn lưỡng diện, ước lệ về không gian. Và ở khổ thơ này cho thấy tâm trạng thơ rất bâng khuâng, xao động. Sự bâng khuâng dường như bởi nó cần cụ thể hơn một định tính. Do vậy, khi hình ảnh con bò gặm cỏ ở khổ thơ hai xuất hiện thì một hình tượng nghệ thuật đã được tạo nên, và qua đây, cái chốt cho tâm trạng, cảm xúc và tư tưởng thơ đã định trở lại.
Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ
Bên dòng sông như chưa biết chiều tan
Tôi với nó lặng im bè bạn
Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang...
"Chiều tan" chứ không phải “chiều tàn”, một cách đặt chữ đắc địa. Nó tạo cho cảnh vật một cảm nhận về tính đồng lẫn, không nghiêng về tính đơn lẻ, tàn rụng của nắng cuối. Từ cách nhìn cảnh vật ấy, mới cho phép tạo ra hình ảnh tiếp theo này: “Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang...” thật yêu thương, trìu mến. Và rồi lại từ con mắt "dìu dịu" của con bò gặm cỏ kia, cho xuất hiện thêm bóng ảnh một con mắt khác:
Nhưng chiều nay vô tình trong nắng muộn
Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang...
Một cộng cảm, tương giao, nhân quả giữa người và vật. Và sự cộng cảm, tương giao đó phát triển đến mức, gần như hai bên đã có chung một cái nhìn: “Mắt nó nhìn dìu dịu/ Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang”.
Có câu, vật mượn tâm mà thông, tâm mượn vật mà hiện. Với hình ảnh nước Hương Giang qua hai con mắt người và vật đã tạo ra hiệu quả nghệ thuật đồng nhất, cộng cảm, tinh tế.
Nguyễn Khoa Điềm là thi sĩ nổi danh với bút họa cảnh sắc, địa danh qua trường ca Mặt đường khát vọng và hàng loạt những bài thơ khác từ thời dòng Hương Giang còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Với bài thơ Chiều Hương Giang, thêm một lần dìu dịu-trong suốt họa lên cảnh sắc thanh bình, tươi đẹp có giá trị thẩm mỹ và tính nhân bản sâu sắc.