Đặc biệt hơn, mỗi khi các chú thương binh về xã nhà để an điều dưỡng, nhóm học trò chúng tôi thường đến nghe chuyện chiến tranh và còn được các chú dạy hát. Những ca khúc cách mạng đó thường được chúng tôi hát vang trên đường đi học.

Học hết cấp 2, tôi xung phong nhập ngũ. Các ca khúc đã thuộc lòng khi ngồi trên ghế nhà trường lại vang lên trên từng cung đường hành quân diệt thù. Ca hát giúp tôi quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, vượt qua gian khổ, ác liệt trong huấn luyện, công tác, chiến đấu. Tình yêu ca hát đã thấm vào máu thịt tôi và hơn nữa, những lời ca đã trở thành tiếng lòng người chiến sĩ trên chiến trường. Ví như, những ngày tháng chiến đấu bên nước bạn Lào, mỗi lần hát lên bài “Quốc ca”, máu nóng trong người tôi cứ rạo rực trào dâng. Tôi xúc động, miệng hát mà nước mắt rưng rưng nhớ về Tổ quốc.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: qdnd.vn 

Sau trận thắng ở cao điểm 82 thuộc xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, số người bị thương, hy sinh làm quân số đơn vị tôi hao hụt chỉ còn 1/3. Chúng tôi được lệnh bàn giao địa bàn cho đơn vị khác và hành quân ra bờ Bắc sông Bến Hải để củng cố, bổ sung lực lượng. Áo quần, ba lô, súng đạn còn dính đầy máu và đất đỏ bazan, chưa kịp tắm giặt thì đơn vị được xem văn nghệ do Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn.

Khi nghe bài hát “Cô gái Pa Kô”, đến đoạn “...Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân tới...”, chúng tôi thêm nhớ Bác và như được thúc giục cố gắng hơn nữa "Dù gian khổ vượt núi băng rừng. Dù mưa bom em không ngại chi, đi đánh Mỹ giữ lấy núi rừng...”. Đến bài "Tiếng đàn ta lư" của nhạc sĩ Huy Thục, đoạn "...Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới...”, cả đơn vị tràn đầy niềm tự hào. Sau đó, mọi người lặng lẽ nhìn nhau, rồi sụt sùi khóc vì nhớ thương những đồng đội vừa hy sinh trên chiến tuyến diệt thù. Có mặt tại buổi diễn, nhạc sĩ Huy Thục cũng có phần bối rối, ông lên sân khấu rồi nói với chúng tôi: “Chiến công là của các đồng chí. Chúng tôi chỉ chắp thêm những nốt nhạc cho thành bài ca”.

Đến nay, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi lần nghe các ca khúc cách mạng, dường như tôi lại được trở về thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” bên các đồng đội thân yêu.

ĐẶNG SỸ NGỌC