Hóa ra những bài tủ, những mẹo mục đi thi các thầy giáo, cô giáo đều đã bày cho học trò hết cả. Học để nhằm qua thi cử là thế. Còn học để thuộc bài, làm được bài có điểm cao, trong các kỳ kiểm tra từng tháng, từng học kỳ thì các lớp dạy thêm lại có cách phổ biến là dạy trước bài, trước chương trình của nhà trường; kèm đó là luyện qua cách cho làm bài kiểm tra thử. Cả một dây dạy và học đối phó, cả một vòng xoáy dạy thêm, học thêm đã và đang chi phối việc học. Đã lâu lớp người trước từng phải kêu lên về chuyện học sinh bây giờ phải học nhiều quá, nặng quá. Năm nay lại thêm: Thi vào lớp 10 khó hơn, mệt hơn cả thi vào đại học. Và: Học thêm quá vất vả mà không học thêm thì chẳng có cửa gì.
Đúng là học trò ngày nay tối ngày chỉ có chúi mặt vào học. Chẳng nói chuyện các gia đình không mấy nhờ cậy, sai bảo chúng làm được việc gì mà đến đọc sách báo, xem phim hay đọc truyện, đi chơi chúng cũng chẳng có thời gian. Thậm chí việc làm bài tập ở nhà cũng chỉ được bọn trẻ làm cho có. Tất cả việc học hầu như trông cậy, phó mặc ở nhà trường và các lớp học thêm.
Nhưng học nặng mà học theo kiểu đối phó thì người học trở nên thụ động, chỉ biết làm đúng những điều thầy dạy. Người học không có sức lực, thời gian và sự ham mê trong nghiền ngẫm, khám phá, sáng tạo. Phương pháp dạy gợi mở một thời đã dấy lên không có đất phát triển.
Vì sao việc học từng được gọi là “dùi mài đèn sách”? “Dùi mài đèn sách” là nói đến chuyện tự học. Lối học từ chương xưa là phải học thuộc lòng những chữ nghĩa của các bậc thánh hiền nhưng nhờ dùi mài mà suy ngẫm, tìm hiểu lý lẽ đến nơi đến chốn, nhờ thầy chỉ bảo hướng đạo, gợi mở mà thành thông tuệ. Bây giờ định hướng dạy học của chúng ta là khuyến khích sự sáng tạo và kỹ năng học và hành. Song thực tế phải đua đuổi với kiểm tra, thi cử, thi đấu cùng sự thiếu thốn điều kiện và phương tiện thí nghiệm, thực hành đã làm cho định hướng ấy chưa thể phát huy trong thực tế.
Đến bậc đại học, cao học mà lối dạy nhiều phần còn áp đặt, lối học còn nhiều phần hình thức, đối phó “Sau đại học là tự học”-Câu nói ấy xưa rồi nhưng vẫn đúng, thậm chí còn cần mở rộng hơn từng chút, từng bước ở các bậc phổ thông. Đại học là phải trang bị cho người học phương pháp để có thể tự mình nghiên cứu phát hiện và giải quyết vấn đề của công việc, cuộc sống. Còn các bậc học phổ thông, không dần gợi mở cho các em biết suy nghĩ độc lập, biết mày mò tìm hiểu, khơi trí tưởng tượng, sự yêu thích khám phá sẽ làm các em bằng lòng với việc tròn trịa, công thức, quen với việc học cho có, cho xong. “Học trò lơ ngơ như gà công nghiệp” như người ta nói ở chừng mực nào đó cũng chẳng sai đâu.
Chẳng nói đến những bậc tài danh mà nói chung mọi người thành đạt ai chẳng chịu khó tìm tòi. Người có tài chỉ có 1% là năng khiếu thiên bẩm còn 99% là lao động chăm chỉ là vậy. Không được khuyến khích, khơi gợi việc tự học, tự đọc người trẻ không thể trở thành người ham học, ham làm mà có cơ sinh ra lười nhác.
SA MUỘN