Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nghệ sĩ nêu nhiều trăn trở.
Phóng viên (PV): Theo nghệ sĩ, nghệ thuật cải lương hiện nay có còn sức hút với khán giả?
NSND Triệu Trung Kiên: Cải lương từng có sức hút và bây giờ cũng thế, nhưng với một bộ phận khán giả cũ. Khán giả trẻ hiện nay hầu hết không yêu mến cải lương, bởi họ chạy theo trào lưu của các loại hình giải trí khác. Trong những năm qua, việc tuyển chọn và đào tạo tài năng cải lương rất khó khăn. Hầu hết những người làm nghề đều nhận thấy đang có sự báo động lớn về việc tìm thế hệ nghệ sĩ cải lương kế cận. Nếu không có giải pháp thì rất đáng lo ngại, về lâu dài cải lương không có lực lượng kế cận nữa. Bởi theo thời gian, những khán giả cũ yêu mến cải lương sẽ mất đi, những nghệ sĩ gạo cội của cải lương cũng sẽ không còn. Khi ấy, ai sẽ là người hát và nghe cải lương?
 |
Cảnh trong vở cải lương kết hợp xiếc "Thượng thiên Thánh Mẫu"Ảnh: MINH ANH |
PV: Nhìn bức tranh chung của cải lương Việt Nam hiện nay, điều nghệ sĩ trăn trở nhất là gì?
NSND Triệu Trung Kiên: Cải lương đã phát triển hơn 100 năm, từng có thời hoàng kim và đến bây giờ thì chững lại. Đang xuất hiện những vấn đề mà người trong nghề đều nhìn thấy, nhưng do điều kiện khách quan chưa thể giải quyết được. Cải lương cần một cuộc cách mạng. Cải lương là bộ môn nghệ thuật dân tộc nhưng bản thân trong đó lại có những phẩm chất đương đại. Do đó, sau một thời gian cải lương phải đổi mới và chất dân tộc được giữ lại là hệ thống âm nhạc cải lương. Chúng ta chỉ có thể phát huy cải lương chứ không thể làm mất nó, phải giữ cái hồn cốt đó, bảo tồn và phát triển nó trở thành một nghệ thuật mang tính đương đại.
Cải lương phải cách tân thì mới tiếp cận được khán giả đương đại. Vậy mà hiện nay, những người hoạt động trong lĩnh vực cải lương mặc dù rất cố gắng nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Vẫn còn lạc hậu, sai lầm, không có sự đồng bộ, nhất quán dẫn đến thực trạng mỗi nơi phát triển cải lương theo một cách khác nhau. Theo tôi, các sân khấu cải lương cần phải ngồi lại bàn bạc, xác định cho đúng hướng.
PV: Để cải lương cách tân, thay đổi như thế nào mà không mất đi yếu tố truyền thống, thưa ông?
NSND Triệu Trung Kiên: Cải lương đương đại, yếu tố cải lương có thể xa lạ nhưng người xem ngày nay có thể hiểu đó là yếu tố truyền thống của dân tộc. Khán giả sẵn sàng đến với nghệ thuật truyền thống, nhưng phải được thể hiện một cách đương đại. Cho nên vấn đề còn lại bây giờ là phải đương đại hóa nghệ thuật truyền thống đó. Cải lương hoàn toàn có thể trở thành một nghệ thuật mang tính đương đại.
Cải lương giống như cái neo để giữ lại truyền thống, giá trị cần bảo tồn. Ngoài cái neo ra, chúng ta có thể dung nạp bất cứ thứ gì mà thế giới có. Để cải lương có chất đương đại thì hãy cho nghệ sĩ được quyền tự do sáng tạo. Do đó, cải lương hoàn toàn có thể kết hợp với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác để tạo sự độc đáo, như: Chèo, chầu văn, xẩm... Thời gian qua, chúng tôi đã thử nghiệm kết hợp dựng các vở cải lương với xiếc, như: “Cây gậy thần”, “Thượng thiên Thánh Mẫu”. Đây là hai vở diễn trong dự án nghệ thuật huyền sử Việt kể về tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam. Bước đầu gặt hái được thành công và thu hút khán giả.
PV: Theo nghề và luôn sáng tạo để mang hơi thở mới đến với sân khấu cải lương, nghệ sĩ có những dự định gì trong việc giữ gìn và nâng tầm loại hình nghệ thuật này?
NSND Triệu Trung Kiên: Xu hướng phát triển của sân khấu cải lương phải lấy giới trẻ làm mục tiêu, bởi nếu không có thế hệ mới, cải lương sẽ mất.
Khán giả của cải lương hiện tại đa phần là người lớn tuổi. Bởi vậy, chúng ta phải tìm cách để bắc cầu nối cho cải lương từ khán giả lớn tuổi sang khán giả trẻ. Muốn làm được như vậy thì nghệ thuật cải lương phải thay đổi để thuyết phục được giới trẻ. Thế hệ như tôi cũng được xem là tiến bộ trong hoạt động cải lương, nhưng bản thân mình tự thấy đã lạc hậu rất nhiều so với giới trẻ. Chúng ta cần phải cho giới trẻ thấy được cái hay, cái đẹp của cải lương để họ tiếp tục giữ gìn và nâng tầm nghệ thuật này. Tôi tin rằng, vẫn còn rất nhiều khao khát cải lương nhưng cũng không phải tất cả đều được ủng hộ. Không phải vì khó khăn mà chúng tôi chùn bước, thậm chí nó còn thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm hơn. Nó cũng giống như “của để dành” cho con cháu và chờ truyền nhân tiếp sức gìn giữ, nâng tầm nghệ thuật cải lương.
PV: Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ!
HOÀI PHƯƠNG (thực hiện)