leftcenterrightdel
Tác phẩm Lục Vân Tiên bằng chữ Quốc ngữ in năm 1883. 

Những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam mang phong cách phương Tây như “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản xuất bản năm 1887, hay “Chuyện đời xưa” (1866); những tác phẩm văn học nổi tiếng dịch từ tiếng Trung và tiếng Pháp như  “Tam quốc chí diễn nghĩa” do Phan Kế Bính và Nguyễn Văn Vĩnh dịch và xuất bản năm 1909, “Những kẻ khốn nạn” (sau này được dịch lại là “Những người khốn khổ” - 1926), “Ba người ngự lâm pháo thủ” (1927); những số báo Gia Định đầu tiên xuất bản tháng 7-1865, hay tạp chí Nam Phong (1923); những cuốn từ điển, sách dạy tiếng Việt, và cả truyện thơ "Kim Vân Kiều" hay "Lục Vân Tiên"… khoảng hơn 20 tác phẩm cổ, tất cả đều được in bằng chữ Quốc ngữ, lần đầu tiên được trưng bày ở thư viên BULAC.

Đây là những ấn phẩm tiêu biểu trong hơn 1.000 ấn phẩm mà thư viện BULAC sưu tập được trong giai đoạn phát triển đầu tiên của chữ Quốc ngữ hồi cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, được lựa chọn để đưa ra giới thiệu rộng rãi tới công chúng Pháp tại cuộc triển lãm mang tên “Chữ quốc ngữ, nhân tố cơ bản trong sự đổi mới văn hóa Việt Nam từ năm 1860 đến 1945”, mở cửa đến hết ngày 31-5.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải, phụ trách triển lãm và điều phối tư liệu Đông Nam Á của thư viện BULAC, phông tiếng Việt của BULAC là một trong những phông cổ nhất được sưu tầm và lưu giữ ở Pháp. Bà cho biết môn tiếng Việt bắt đầu được giảng dạy tại Paris kể từ năm 1869 trong các buổi học tự do tại Đại học Sorbonne.

Phải tới giai đoạn 1871-1872, bộ môn này mới chính thức được đưa vào giảng dạy tại Trường Sinh ngữ Phương đông, nay là Viện quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (INALCO). Đến đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp ủng hộ việc truyền bá chữ Quốc ngữ, do đó có rất nhiều ấn phẩm tiếng Việt được tập hợp tại Thư viện liên đại học Sinh ngữ Phương Đông (BIULO), Cơ quan Đào tạo - Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn Minh Đông Á (LCAO) và Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO).

Các kho sách đó sau này được chuyển về BULAC. Do đó, thư viện này trở thành một trong những kho tàng phông tiếng Việt lớn nhất và lâu đời nhất tại Pháp, với số lượng lên tới 13.000 đầu sách (16.500 cuốn), đặc biệt có hơn 9.000 đầu sách bằng tiếng Việt, cũng như khoảng 100 đầu báo và tạp chí học thuật, trong đó có khoảng 20 đầu báo vẫn hiện hành cho tới ngày nay.

Bên cạnh đó, thư viện BULAC còn tiếp nhận gần 100 văn bản bằng chữ Hán Nôm, chủ yếu là các tác phẩm văn học, được tập hợp từ bộ sưu tập của thư viện BIULO và một số khác đến từ những bộ sưu tập cá nhân hiến tặng, trong đó có 2 ấn bản của thiên sử thi nổi tiếng “Truyện Lục Vân Tiên” được xuất bản song ngữ tiếng Hán Nôm và Quốc ngữ năm 1874 và “Kim Vân Kiều Truyện”, năm 1871.

TTXVN