QĐND Online – Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ vẫn luôn là một đề tài được nhiều người quan tâm. Có nên chọn một ngày kỷ niệm chữ Quốc ngữ theo văn bản kiến nghị của ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của cụ Nguyễn Văn Vĩnh (một trong những người có công lớn trong việc truyền bá rộng rãi chữ quốc ngữ ở Việt Nam) hay không là vấn đề thu hút nhiều tranh luận từ các học giả trong buổi tọa đàm “Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ quốc ngữ” tổ chức chiều 17-2 tại Hà Nội.

Cần phải hiểu rõ hơn cuộc đời của Nguyễn Văn Vĩnh

Ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của cụ Nguyễn Văn Vĩnh (một trong những người có công lớn trong việc truyền bá rộng rãi chữ Quốc ngữ ở Việt Nam) tại buổi tọa đàm

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, bên cạnh việc tìm hiểu về sự hình thành chữ Quốc ngữ, muốn tìm hiểu sự phát triển của chữ Quốc ngữ tại Việt Nam để xác định có hay không việc ra đời một ngày kỷ niệm chữ quốc ngữ, việc cần làm là phải hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của nhà báo, nhà văn, nhà tân học, nhà phiên dịch Nguyễn Văn Vĩnh, người đầu tiên truyền bá rộng rãi chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.

Nếu nói đến những người có công truyền bá chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam thì đó là Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của. Từ nửa cuối thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký đã đem những sách đọc dễ hiểu và gần gũi với tâm lý người Việt như: Lục súc tranh công, Lục Vân Tiên in ra bằng chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, cả hai ông lại không phát động, hô hào và dấy lên một phong trào học chữ Quốc ngữ sâu rộng như Nguyễn Văn Vĩnh sau này.

“Hiếm có người nào chấp nhận mất tất cả vì ý tưởng của mình như Nguyễn Văn Vĩnh”, ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của cụ Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ. Để phổ biến chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh đã trở thành một nhà báo độc lập đầu tiên ở xứ Bắc Kỳ khi đó, không những thế, ông còn là dịch giả đầu tiên chuyển thể Kim Vân Kiều truyện từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ (hợp tác với Phan Kế Bính), nhuận sắc, viết lời tựa cho bản dịch bộ “Tam quốc chí diễn nghĩa” từ tiếng Hán ra tiếng Việt của Phan Kế Bính. Ở độ tuổi ngoài 20, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch tập thơ Ngụ ngôn của La Phông ten từ tiếng Pháp ra tiếng Việt.

Tham gia viết nhiều thể loại từ nghị luận, dịch tiểu thuyết, thơ ngụ ngôn…bằng chữ Quốc ngữ, những hoạt động miệt mài này của Nguyễn Văn Vĩnh là minh chứng cho sự xông xáo trong cuộc cách mạng chữ viết, truyền bá chữ Quốc ngữ tới tất cả mọi người.

Mặc dù có công lớn như vậy, nhưng cuộc đời của Nguyễn Văn Vĩnh lại gặp rất nhiều trắc trở. Do chủ trương theo mới, nhưng không tán thành con đường bí mật bạo động, mà chọn con đường “công khai dựa vào Pháp để canh tân đất nước” nên xung quanh trường hợp của Nguyễn Văn Vĩnh cho đến nay vẫn còn rất nhiều nhận định trái ngược nhau.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được những gì mà Nguyễn Văn Vĩnh đã làm để truyền bá sâu rộng chữ quốc ngữ, “Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ” là câu nói bất hủ ông cho in trang trọng trên hầu hết các bản dịch của mình.

Diễn giả, nhà báo Mai Thành Chung

 

Có một ngày kỷ niệm chữ Quốc ngữ là việc làm đúng đắn

Từ những hiểu biết về chữ Quốc ngữ thông qua bài tham luận của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng như những nét chính về cuộc đời của Nguyễn Văn Vĩnh qua phần chia sẻ của ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, các học giả tham dự tọa đàm đã cùng nhau trao đổi vấn đề nên có một ngày kỉ niệm chữ quốc ngữ hay không?

Ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của cụ Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng việc ra đời một ngày kỷ niệm chữ truyền thống của dân tộc là vô cùng cần thiết. Nó thể hiện sự trân trọng của chúng ta với văn hóa, với chữ đại diện cho cả dân tộc. Khi được hỏi, nếu chỉ tôn vinh chữ Quốc ngữ mà bỏ quên các ngôn ngữ riêng của 54 dân tộc Việt Nam thì đó là một thiếu sót hay không? ông Bình thẳng thắn khẳng định: “Mỗi dân tộc Việt Nam đều có ngôn ngữ (chữ viết) riêng, nhưng chữ Quốc ngữ mới là thứ chữ đại diện nhất, nó thể hiện tính độc lập của một dân tộc, là loại hình văn tự đã có hàng trăm năm lịch sử và đang được chúng ta chính thức sử dụng, có vai trò vô cùng quan trọng, vì vậy việc tôn vinh là một việc làm cần thiết”.

Đồng tình với quan điểm của ông Bình, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng cho rằng, việc thành lập một ngày kỷ niệm chữ Quốc ngữ là một việc làm quan trọng và đúng đắn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc lại có một cách nhìn khác khi chia sẻ việc cho ra đời một ngày kỷ niệm chữ Quốc ngữ chưa hẳn là đã cần thiết trong thời điểm hiện tại.

Một vị khách tham dự tọa đàm cũng nêu câu hỏi băn khoăn về chữ khoa đẩu, loại chữ được coi là chữ Việt cổ tại sao không được vinh danh, vì theo vị khách này, chữ khoa đẩu mới chính là thứ chữ dân tộc đầu tiên.

Từ đề xuất của cá nhân ông Nguyễn Lân Bình về việc thành lập một ngày tôn vinh chữ Quốc ngữ, những ý kiến trao đổi tại tọa đàm “Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ Quốc ngữ” sẽ là những phản hồi cần thiết trước khi quyết định có hay không một ngày kỉ niệm tôn vinh chữ Quốc ngữ.

Tuy nhiên, dù chữ Quốc ngữ có được tôn vinh bằng một ngày kỷ niệm hay không thì tầm quan trọng của nó đối với dân tộc Việt Nam vẫn vô cùng to lớn, đúng như lời nhà báo, nhà văn, nhà tân học, nhà phiên dịch Nguyễn Văn Vĩnh đã nói: “Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”.

Bài, ảnh: Huyền Thủy