Nói về công việc tâm đắc, ông Sáu Sơn từ tốn: “Khi nhận một hợp đồng viết sách, tôi tham khảo từ các sách lịch sử rồi bố cục, làm đề cương, đi tìm tư liệu lịch sử. Sau khi sách hoàn thành xong thì thông qua hội đồng, tổ chức tọa đàm... Quá trình hoàn thành mỗi tập lịch sử khoảng 8 tháng đến một năm”.
Hỏi vì sao đã nghỉ hưu vẫn làm việc miệt mài, nhất là công việc viết sử, ông Sáu Sơn cười khì: “Tôi viết lịch sử vì yêu chiến công oai hùng của thế hệ đi trước. Họ đã cống hiến hết cuộc đời cho độc lập tự do thì nhiệm vụ của thế hệ nối tiếp là ghi chép để tri ân với quá khứ”.
Ông Sáu Sơn lấy công việc làm niềm vui, đi và viết, giữ gìn truyền thống quê hương, truyền thụ kiến thức, chia sẻ tài liệu cho những ai yêu thích và muốn được tìm hiểu. Cũng thường xuyên đi nói chuyện lịch sử cho các cháu học sinh và du khách đến du lịch Cà Mau.
 |
Ông Sáu Sơn nói chuyện lịch sử cho các em học sinh ở Cà Mau.
|
Anh Nguyễn Văn Quynh, cán bộ Bảo tàng tỉnh Cà Mau cho biết: “Mấy năm gần đây, Bảo tàng tỉnh có thành lập Câu lạc bộ kể chuyện lịch sử do ông Đỗ Văn Nghiệp làm chủ nhiệm. Cách kể chuyện ấm áp, hấp dẫn nên các em học sinh rất thích. Hoặc khi có các đoàn khách liên hệ với Bảo tàng, chúng tôi cũng mời ông Sáu Sơn nói chuyện về văn hóa địa phương để du khách nghiên cứu, du lịch trải nghiệm”.
Ông Sáu Sơn, tâm sự thêm: “Tôi chỉ mong muốn góp phần nào đó khơi dậy tình yêu lịch sử trong thế hệ trẻ, bởi lẽ lịch sử là một bộ môn có sứ mệnh giúp cho một cộng đồng nhận thức chính mình, mình là ai, dân tộc hình thành, ra đời như thế nào, phát triển ra sao… Mỗi con người cần phải biết tổ tiên, ông bà mình là ai, mình thuộc dân tộc nào, con người phải làm gì để có được như ngày hôm nay. Để thế hệ trẻ hiểu được rằng vì sao phải quý trọng, biết ơn những người đã làm nên cuộc sống hôm nay và chúng ta phải học tập, lao động để góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn nữa”.
 |
Ông Sáu Sơn soạn thảo lịch sử địa phương trên máy vi tính. |
Hợp đồng sách đầu tiên ông Sáu Sơn viết là Lịch sử Đảng bộ xã Khánh An, huyện U Minh, xuất bản năm 2000. Đến nay, ông đã hoàn thành hơn 10 quyển khác như: Lịch sử Đảng bộ xã Khánh Lâm (huyện U Minh); Tân Duyệt, Quách Văn Phẩm, Trần Phán, Tạ An Khương (Đầm Dơi); Lịch sử Đảng bộ huyện Trần Văn Thời; xã Viên An Đông (Ngọc Hiển); lịch sử Phong trào Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Cà Mau (1930 - 2000); Kỷ yếu Ban chấp hành Đảng bộ huyện Trần Văn Thời (1950 - 2020)… “Kinh nghiệm của người làm báo hỗ trợ tôi rất nhiều khi viết sách, hai công việc có nhiều điểm tương đồng có thể hỗ trợ cho nhau: Đi cơ sở ghi chép tư liệu, tiếp xúc đối tượng… phải chịu khó và tỉ mỉ”, ông Sáu Sơn bộc bạch.
Lật mở từng trang sổ tay ghi chép, ông Sáu nhớ lại hành trình đã qua. Quá trình đi tìm hiểu không phức tạp nhưng cần kiên nhẫn và thận trọng. Trong quá trình ghi nhận, ông tiếp xúc nhiều kiểu nhân chứng: Cán bộ, đảng viên, kể cả quần chúng, hoặc người của “phía bên kia”... có tham gia trận đánh, hoặc biết chuyện để kể và ghi lại.
Ông Sáu Sơn vẫn còn nhiều kỷ niệm như: Lần gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ngôn ở xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân (nay là xã Phú Tân, huyện Phú Tân) nghe ông ấy kể chuyện tình nghĩa quân dân - cá nước: Có lần ông Ngôn cùng đồng đội vô vùng tử địa, bộ đội ghé nhà cơ sở, trong nhà chỉ còn chén gạo, bà má cũng nhường phần nấu cháo cho anh em lót dạ; hoặc có gia đình chỉ còn mấy củ khoai lang cũng nhường bộ đội... Ông ghi lại những câu chuyện chân thật, cảm động như vậy để bạn đọc thấy rằng cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc thật cam go, gian khổ.
Trong các chuyến đi tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, ông Sáu Sơn thường chọn những chi tiết lịch sử đắt giá chuyển thành bài báo. Từ cơ sở đó sẽ phối hợp với Bảo tàng tỉnh làm tiếp các bước để công nhận di tích lịch sử, góp phần tôn tạo văn hóa lịch sử của quê hương. Từ đó góp tư liệu, đề xuất tỉnh làm quy trình công nhận 2 di tích cấp tỉnh là trận đánh ở Đặc khu Khai Hoang (U Minh); nơi ở và làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (xã Khánh Hòa, huyện U Minh).
Hiện tại, ông Sáu Sơn đang dần hoàn thành sách lịch sử về Nữ pháo binh của tỉnh Cà Mau - đó là đề tài ông đã ấp ủ từ rất lâu. Ở tuổi ngoài 80, nhưng khi nhắc đến công việc viết, ông Sáu Sơn như tươi trẻ lại với vai một nhân chứng sống. Đồng nghiệp thi thoảng vẫn còn thấy ông Sáu Sơn rong ruổi khắp mọi nẻo đường quê như ong thợ miệt mài để những giọt mật kết tinh thơm, thanh, tươi mát.
Bài, ảnh: PHONG PHÚ - CHÂU SA
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.