Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc anh em, có đời sống văn hóa phong phú nhưng nhiều nơi kinh tế còn khó khăn. Trước tác động của nhiều yếu tố, văn hóa của không ít tộc người đứng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên. Để khắc phục vấn đề này, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều biện pháp nhằm khôi phục, làm mới các lễ hội, gắn với xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ để nuôi dưỡng, bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa các dân tộc.

Khôi phục, làm mới lễ hội văn hóa

"Tùng... tùng... tùng... cắc, tùng... tùng... tùng...". Đó là những âm thanh rộn rã tại lễ hội Cầu Ngư Vạn An Thạnh ở huyện đảo Phú Quý diễn ra mới đây, thu hút nhiều ngư dân và du khách. Đây là một trong hai lễ hội: Lễ hội văn hóa rước sắc dinh Thầy Sài Nại và Cầu Ngư Vạn An Thạnh mà huyện Phú Quý mới chọn để khôi phục.

Phần lễ được sưu tầm trên cơ sở giá trị văn hóa vốn có; còn phần hội mở rộng nhiều hoạt động văn hóa-thể thao biển, trò chơi dân gian, ẩm thực...

leftcenterrightdel
 Lễ hội đua thuyền trên sông Cà Ty, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (ảnh chụp trước tháng 4-2021).

Đảo Phú Quý có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc vùng biển. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên trước đây một số lễ hội ít được tổ chức dẫn đến mai một, lãng quên. Trong khôi phục lễ hội, địa phương còn quan tâm củng cố cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường sinh thái, tạo không gian văn hóa, nâng tầm lễ hội, thu hút du khách.

Năm 2021, Phú Quý đã đón hơn 40.000 du khách đến tham quan, du lịch. Dự kiến năm 2022, con số này sẽ đạt khoảng 45.000 du khách.

Trước đây, lễ hội đua thuyền trên sông Cà Ty ở TP Phan Thiết chỉ tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán, thành phần tham gia chủ yếu là người dân trong tỉnh. Những năm gần đây, TP Phan Thiết mở rộng quy mô thu hút thêm các tay đua đến từ mọi miền Tổ quốc, đồng thời tổ chức cả vào các dịp lễ, sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của tỉnh.

Nội dung lễ hội cũng phát triển thêm nhiều hoạt động như: Đua thúng; lắc thúng; các trò chơi dân gian... đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân, khơi dậy bản sắc văn hóa, tạo thêm sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

Với quyết tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, tỉnh Bình Thuận đã dày công nghiên cứu phục dựng nhiều lễ hội sau vài chục năm không tổ chức, như: Lễ hội Nghinh Ông ở TP Phan Thiết sau 70 năm không tổ chức; lễ hội Katê của đồng bào Chăm sau gần 50 năm.

Từ đặc điểm phát triển kinh tế gần đây, Phan Thiết còn phát triển thêm nhiều lễ hội mới, như: Lễ hội thanh long, lễ hội ẩm thực đường phố ở phường Mũi Né (TP Phan Thiết)...

Theo đồng chí Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trong khôi phục, làm mới lễ hội, lãnh đạo và các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, phát triển các lễ hội dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn có của các dân tộc theo tinh thần “gạn đục khơi trong”; khôi phục, tiếp thu, vận dụng, phát triển phù hợp với thuần phong mỹ tục, sự phát triển kinh tế, văn hóa các dân tộc, bảo đảm trang trọng, vui tươi, ý nghĩa, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ hủ tục cũng như những hành vi lợi dụng, trục lợi, thương mại hóa lễ hội.

leftcenterrightdel
 Lễ hội Katê tại tỉnh Bình Thuận (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: NGUYỄN THANH

Nuôi dưỡng văn hóa từ cơ sở

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức “Ngày hội đưa văn hóa về cơ sở” với sự tham gia của các đội: Điện ảnh, ca nhạc, thư viện tỉnh...

Tại ngày hội, người dân được trải nghiệm, thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật: Xem phim, triển lãm ảnh, đọc sách, giao lưu văn nghệ... Bà Nguyễn Thị Chín, 48 tuổi, dân tộc Raglai, ngụ xã Sông Phan, phấn khởi cho biết: "Ngày hội để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Đây là dịp để chúng tôi có điều kiện thể hiện một số bài hát, điệu múa của dân tộc mình".

Đây là một trong nhiều biện pháp nhằm khơi dậy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại Bình Thuận. Theo ông Võ Thành Huy, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, với những bản sắc văn hóa riêng.

Để bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở (VHCS). Tuy nhiên, do nhiều địa bàn kinh tế còn khó khăn nên hoạt động này khá hạn chế. Tại nhiều xã, phường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hệ thống thiết chế VHCS chưa đồng bộ, xuống cấp, chắp vá; cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ nhân viên trình độ và kỹ năng hạn chế...

Một số điểm xây dựng xa khu dân cư chưa phù hợp đặc điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tập quán người dân, dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp, làm mai một, lãng quên giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận luôn gắn với tiêu chí xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế VHCS với xây dựng nông thôn mới, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù với hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư, bảo đảm hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ về cơ sở vật chất, hoàn thiện bộ máy, kiện toàn nhân sự và xây dựng quy chế hoạt động, tìm kiếm kinh phí.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có hơn 90% huyện, thị xã, thành phố có trung tâm văn hóa; gần 90% cấp xã, phường có trung tâm văn hóa thể thao; hơn 97% thôn, bản có nhà văn hóa. Tỉnh Bình Thuận tổ chức các hoạt động VHCS thông qua nhiều mô hình, tăng cường giao lưu, tọa đàm, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên về kiến thức, nghiệp vụ, gắn các hoạt động với lễ hội văn hóa. 

Xây dựng hệ thống thiết chế VHCS đồng bộ, hoạt động hiệu quả, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc tại Bình Thuận đã góp phần nuôi dưỡng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, ngăn ngừa tệ nạn xã hội, văn hóa xấu độc và thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển bền vững.

NGUYỄN HIỂN