Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, một số giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây bị phai nhạt, biến đổi, có những bản sắc văn hóa đứng trước nguy cơ biến mất... Chính vì vậy, những năm qua, nhiều câu lạc bộ (CLB) giữ gìn bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện Định Hóa đã được thành lập. Các CLB ra đời không chỉ đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của các địa phương phát triển mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

leftcenterrightdel
Các thành viên Câu lạc bộ Văn hóa, văn nghệ xã Phú Đình luyện hát Then. 

Những ngày cuối năm Nhâm Dần 2022, để chuẩn bị các hoạt động chào đón năm mới, tại nhà văn hóa các thôn của xã Tân Thịnh lại rộn ràng người dân đến tập múa Tắc xình. Múa Tắc xình là điệu múa độc đáo của dân tộc Sán Chay. Múa Tắc xình có tiết tấu âm nhạc đơn giản, nguyên sơ không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại. Ông Lường Phúc Thắng ở thôn Khau Lang, xã Tân Thịnh, một người am hiểu về điệu múa Tắc xình của dân tộc Sán Chay, được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm CLB và truyền dạy điệu múa chia sẻ: “Lưu giữ và bảo tồn điệu múa này là khát khao của biết bao thế hệ người Sán Chay ở xã Tân Thịnh nói riêng và huyện Định Hóa nói chung. Thế hệ trẻ dân tộc Sán Chay đang là lực lượng tích cực trong bảo tồn điệu múa Tắc xình. Dù có nhiều động tác khó phải tập đi tập lại nhiều lần nhưng các em vẫn tỏ ra rất hứng thú và quyết tâm không bỏ giữa chừng”.

Còn trên địa bàn xã Phú Đình, UBND xã đã duy trì hoạt động của các CLB hát Then, đàn tính của dân tộc Tày, hát Sấng cọ, múa Tắc xình... nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống của đồng bào DTTS. UBND xã cũng đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên xây dựng mô hình làng, bản văn hóa cơ sở với nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật đặc sắc như: Diễn xướng dân gian, đàn tính, hát Then, múa dân gian, trà đạo... thu hút được nhiều nghệ nhân và các tầng lớp nhân dân tham gia. Các CLB ra đời đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo bà con dân tộc trên địa bàn xã. Bà Dương Thị Hiên, Chủ nhiệm CLB Văn hóa, văn nghệ xã Phú Đình cho biết: “CLB được thành lập trên cơ sở tự nguyện của các thành viên. Nhiều thành viên đã tự bỏ tiền ra may trang phục của đồng bào dân tộc, cùng nhau sưu tầm và tập luyện hát. Các thành viên tham gia sinh hoạt, tập luyện mỗi tháng một lần. Lúc đầu chủ yếu hát giao lưu với nhau, sau đó đi giao lưu tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhiều tiết mục đã được CLB biến tấu, đổi mới sao cho ấn tượng và hấp dẫn trên cơ sở vẫn duy trì được nét đẹp văn hóa, chất liệu truyền thống của dân tộc”.

Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình cho biết: “Chúng tôi tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trong giai đoạn hiện nay; đề cao vai trò, năng lực các chủ thể văn hóa của các nghệ nhân trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình; xây dựng mô hình CLB bảo tồn văn hóa, văn nghệ để nhân rộng ra các dân tộc khác cùng thực hiện; tạo thành các loại hình sản phẩm văn hóa đặc thù nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân gian trong chương trình giáo dục các cấp để thế hệ trẻ tiếp cận với truyền thống văn hóa dân gian, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa; tăng cường nguồn lực và nhân lực trong thực hiện công tác văn hóa, văn nghệ dân gian có chất lượng; quan tâm đến các nghệ nhân, người truyền giảng các loại hình văn hóa dân gian”.

Nói về công tác phục dựng, bảo tồn và lưu truyền nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, bà Trần Thị Bính, Trưởng phòng Dân tộc huyện Định Hóa cho biết: “Những năm qua, Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Định Hóa gắn với phát triển du lịch cũng đã được ưu tiên quan tâm. Chúng tôi đã tổ chức các lớp truyền dạy điệu múa Tắc xình, hát Then... Khi lựa chọn các đối tượng để tham gia, chúng tôi quan tâm đến đối tượng học sinh tiểu học, THCS và cộng đồng những người dân tộc ở trong địa bàn. Qua các lớp truyền dạy cũng muốn lựa chọn những hạt nhân để trở về cơ sở truyền dạy lại cho cộng đồng dân cư. Cùng với việc tổ chức mở lớp truyền dạy, trong các hoạt động tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng hoặc liên hoan tiếng hát các dân tộc".

Nhờ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, các phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc được khôi phục, bảo tồn, dần trở thành món ăn tinh thần độc đáo của đồng bào DTTS tại Định Hóa. Cùng với đó, hằng năm, huyện còn tổ chức Liên hoan các CLB văn nghệ quần chúng; Ngày hội văn hóa-thể thao dân tộc Mông; các hội thi, hội diễn... để các CLB có cơ hội giao lưu học hỏi, đồng thời quảng bá những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc đến với đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài huyện.

Bài và ảnh: HỒNG THỊNH TRANG