Phi lên Nhật Tân (Tây Hồ) hỏi chuyện chuyên gia số 1 trồng đào thất thốn, mới hay cái sự công phu khi có được một cây đào thất thốn ưng ý để chơi tết. Trước khi hỏi chuyên gia số 1-chú Lê Hàm, tôi có đem thắc mắc vì sao đào thất thốn ít người trồng ở làng đào Nhật Tân, thì thu về một số câu trả lời sau: Đào thất thốn ít người trồng bởi lẽ chăm hơn chăm con mọn; chi phí đầu tư rất lớn, phải có nhà cửa riêng cho loài đào này; thời gian bỏ ra chăm cây rất lâu-thường trên 10 năm; trong quá trình sinh trưởng, tỷ lệ cây chết không phải là ít…

leftcenterrightdel
Một gốc đào thất thốn khủng. 

Vậy là điều tôi tưởng quan trọng nhất-giá cả-lại không thấy ai nhắc đến. Ông Hà Ngọc Thành, chủ vườn trồng đào Nhật Tân hơn 40 năm nay chia sẻ: “Gia đình tôi có 4-5 người, có thể nói là nắm vững mọi kỹ thuật trồng đào, cho ra những cây đào, gốc đào, đào cành ưng ý nhưng để nói đến trồng đào thất thốn thì cả họ tôi chưa ai từng, vì nó thực sự khó. Không phải ai cũng có đủ vốn liếng để theo đuổi cuộc chơi cầu kỳ này. Cậu muốn hỏi về kỹ nghệ trồng đào thất thốn thì sang vườn chú Lê Hàm mà hỏi”. Nói rồi, ông Thành chỉ tay cho tôi vườn đào thất thốn Lê Hàm, cách vườn đào nhà ông mấy chục mét.

Rảo bước một đoạn, đập vào mắt tôi là tấm bảng “Thất Thốn-Đào Lê Hàm”. Tấm bảng bé nhưng đầy niềm tự hào của gia đình và cả đất Nhật Tân này. Nói đến đào thất thốn, là nói đến nghệ nhân Lê Hàm và ngược lại. Không ai ở đất trồng nào này dám phô trương về kỹ nghệ trồng đào thất thốn; hết thảy mọi người tôi từng hỏi chuyện đều bảo: Hãy đi gặp nghệ nhân Lê Hàm.

leftcenterrightdel
Cây đào thất thốn này chưa nở bông nào nhưng được chủ vườn nhận định sẽ ra hoa vào đúng mồng 1 Tết Nguyên đán. 

Trò chuyện cùng nghệ nhân Lê Hàm, tôi mới hay để trồng đào thất thốn không quá khó, khó là để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Như năm nay đào thất thốn nở rộ, đúng dịp tết ấy là nhờ hai yếu tốt: Tiết trời nồm, nóng ẩm và có tháng nhuận. Nghệ nhân Lê Hàm khẳng định với tôi: “Sang năm, không có tháng nhuận, để đào thất thốn nở đúng dịp Tết Nguyên đán là không đơn giản”.

Chếch đối diện nhà vườn Lê Hàm, cũng có một vườn đào thất thốn khá đẹp của nhà vườn Hiệp Vụ, với cả trăm gốc đào thất thốn đã lên chậu. Có điều tết này đào thất thốn cũng kén người chơi, có thể do tình hình kinh tế chưa thực sự khởi sắc chăng? Người thưởng ngoạn đào thất thốn thì nhiều nhưng người hỏi mua thì ít. Có thể là do đào thất thốn cao giá. Gốc đào 15 năm tuổi, cao độ 3 gang tay đã có giá hai chục triệu đồng. Còn những gốc đào thất thốn 30-40 năm tuổi thì có giá hàng trăm triệu đồng. Nhưng với những gốc đào khủng này thì chủ vườn không bán, chỉ cho thuê, với giá cho thuê chơi một tuần tết dao động trên dưới 100 triệu đồng.

Quay trở lại câu chuyện với nghệ nhân Lê Hàm thì được biết: “Thốn” là đơn vị đo chiều dài của y học phương Đông, tương đương 1 đốt ngón tay. Thất thốn bởi lá đào dài 7 thốn, cứ 7 thốn cây sẽ chia cành một lần, 1 thốn có 7 bông hoa, rồi 7 thốn sẽ có một bông mọc thẳng từ thân, 7 năm mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh. Nghe thôi đã thấy ly kỳ.

leftcenterrightdel
Cây đào thất thốn trong vườn quất của anh Lê Kế Đoàn. 

Có một chuyện vui khi tôi hỏi về đào thất thốn trong vườn... quất nhà anh Lê Kế Đoàn ở Tứ Liên. Cuối vườn quất nhà anh Đoàn có 2 gốc đào thất thốn, nhìn tưởng như củi khô, thân vỏ đen xù xì. Bữa ông công ông táo, tôi còn thấy nụ vẫn đang “ngủ”. Sáng 6-2, lên vườn anh chơi đã thất hai cây nở được 3-4 bông.

Anh Đoàn bảo “trồng vui ấy mà”. Ô hay, trồng vui mà ăn thật. Anh Đoàn cho biết hai gốc đào thất thốn này là bạn thân chơi năm ngoái, rồi gửi lại nhờ chăm hộ. Anh Đoàn chuyên về quất nhưng cũng biết trồng đào, trồng mai, thế nên đào thất thốn vườn nhà anh nở hoa cả hai cây.

Anh Đoàn tâm sự: “Cũng không chủ tâm chăm nó vì nhà vườn không có điều kiện kiểu như để đào trong phòng máy lạnh, rồi căn chỉnh nhiệt độ. Nhờ trời nồm, nhờ tháng nhuận nên cây (đào thất thốn-PV) mới ra hoa. Chứ không thì em này đỏng đảnh lắm, rất khó ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, mà thường ra vào dịp rằm tháng Giêng”.

Đào thất thốn khó sống cùng với các giống đào khác, nên không mấy nghệ nhân ghép với đào rừng. Nghệ nhân Lê Hàm phải ươm cây từ hạt của chính giống đào thất thốn để tạo ra cây thuần chủng. Cây một năm tuổi chỉ cao chừng gang tay, sau mỗi năm cây cao thêm được vài cm nữa. Vừa tưới nước cho đào thất thốn, nghệ nhân Lê Hàm vừa chia sẻ: “Tôi chỉ bán hoặc cho thuê đào thất thốn với những khách tinh tế, thực sự am hiểu đào, vì việc chăm sóc đào thất thốn đòi hỏi người chơi phải có tâm”.

Điều thú vị nhất như anh Lê Kế Đoàn chia sẻ: “Đó là nụ đào thất thốn có thể “ngủ” đến mấy mùa đông, chúng “tỉnh giấc” lúc nào không ai hay. Ông cụ nhà tôi hồi xưa từng bảo, thú vui của các cụ già làng Nhật Tân ấy là đêm 30 tết vừa thưởng trà vừa ngắm cây đào thất thốn. Nếu đào thất thốn nở hoa đúng đêm 30, rạng sáng mồng 1 Tết Nguyên đán thì đó điềm báo sự hoan hỉ, vui mừng quanh năm. Còn cậu hỏi về giá một bông hoa đào thất thốn à? Kể ra cũng khó định giá. Như nghệ nhân Lê Hàm từng kể thì có cây đào thất thốn vô giá. Đấy, tôi để cậu tự định giá mấy bông hoa đào thất thốn cuối vườn”.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.