Giữa tháng Chạp, con đường dẫn ra vườn đào Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) khá thoáng. Phải chăng cận Tết người dân mới đi chọn đào, hay vì đường phía ngoài đang làm nên xe tải ngại vào? Ông Hà Ngọc Thành, chủ vườn trồng đào Nhật Tân lâu năm xóa tan băn khoăn của tôi khi giải thích: “Mọi năm giờ này vườn đào Nhật Tân tấp nập lắm. Năm nay người mua đào ít hẳn một phần vì kinh tế khó khăn, phần khác họ có nhiều thú vui chơi ngày Tết. Xu hướng chơi đào của người dân hiện nay là “ngon, bổ, rẻ” nên những cành, cây đào nhỏ thường bán chạy nhất”.

Không biết từ khi nào, đào Nhật Tân được ví là loài hoa biểu tượng ngày Tết tại vùng đất Thăng Long-Hà Nội. Cuộc sống hiện đại pha trộn những gam màu văn hóa mới, đào Nhật Tân đứng trước nhiều thách thức trong việc giữ giá trị truyền thống. Dạo quanh phố phường Thủ đô những ngày này không khó gặp những cửa hàng bán hoa lan hồ điệp, địa lan, cây quất, hoa mận, hoa mai... Ngoài ra, nhiều loại đào từ các tỉnh ven Hà Nội với giá thành phải chăng đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

leftcenterrightdel
Ông Hà Ngọc Thành tỉ mỉ chăm sóc cây đào. 

Theo ông Hà Ngọc Thành, người trồng đào Nhật Tân không chỉ “trông trời, trông mưa, trông nắng” mà còn phải “trông người”. Quanh năm cần cù chăm sóc vườn đào, mỗi dịp Tết đến, các chủ vườn lo ngay ngáy xem giá đào ra sao, lượng tiêu thụ thế nào. Ông Thành trải lòng: “Giá cành, cây đào năm nay chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Chủ vườn như chúng tôi xót lắm nhưng cũng đành bán, vì giữ đào trong vườn như “ôm bom nổ chậm”. Giờ thời tiết lạnh thuận lợi cho đào phát triển nụ, hoa nở từ từ. Nhưng biết đâu một cơn gió Đông hoặc một trận nắng khiến đào rũ rượi hay bung nở”.

Không chỉ ở Nhật Tân, dân trồng đào nói chung vất vả khi đào đẹp, nhiều nụ hay không phụ thuộc vào thời tiết. Trong một năm nhuận, kỹ thuật trồng đào Nhật Tân phải thay đổi khi người dân tiến hành vặt lá vào tháng 11 âm lịch để cây ra nụ và dự kiến nở hoa đúng ngày Tết. Dù năm nay chỉ trồng hơn 100 gốc đào nhưng ông Nguyễn Văn Mạnh (60 tuổi, phường Nhật Tân) trăn trở: “Kỹ thuật trồng đào dù có điêu luyện đến mấy cũng thua ông trời. Năm nay thời tiết thuận lợi, chi phí bỏ ra chăm sóc đào đỡ tốn hơn nhưng giá thành không tốt như mọi năm. Với đà thời tiết này, đào Nhật Tân có thể ra tới 24 cánh, nở căng tràn, khoe sắc hồng may mắn”.

Dạo quanh vườn đào Nhật Tân, những nông dân đang tất bật chỉnh sửa thế đào, đánh cây đào vào chậu... Theo ông Đỗ Đức Chiến, Phó giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Tân, hợp tác xã hiện quản lý 90ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 70ha là đất trồng hoa đào với khoảng 780 hộ tham gia. Những năm qua, dù nghề trồng đào khá vất vả nhưng hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn quyết bám trụ với nghề truyền thống. Đó không chỉ bởi đào là cây trồng dài ngày không dễ chuyển đổi mà đây còn là nghề truyền thống gắn với nét đẹp văn hóa của địa phương. Dù khó khăn đến mấy, người trồng đào Nhật Tân vẫn tập trung tâm sức chăm bón với kỳ vọng bán được giá để có một cái Tết tươm tất.

Nhằm quảng bá và nâng cao thương hiệu đào Nhật Tân, những năm qua, quận Tây Hồ đã có nhiều giải pháp thiết thực. Trước đó, 3 sản phẩm "Hoa đào thất thốn", "Cây đào thế" và "Cành đào tròn" của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Tân được phân hạng sản phẩm OCOP Hà Nội đạt 4 sao. Đầu năm 2024, những tác phẩm đào Nhật Tân được các chuyên gia đánh giá cao trong Hội thi hoa đào truyền thống Hà Nội do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ lần đầu tổ chức. Trong đó, tác phẩm đào cổ 20 năm tuổi của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy (phường Nhật Tân) đoạt giải nhất.

Cũng nhờ thương hiệu đào Nhật Tân không ngừng được vun đắp, nâng tầm, những nông dân như ông Hà Ngọc Thành hay Nguyễn Văn Mạnh thường trông vào những mối khách quen, những người yêu và hiểu về giá trị của đào Nhật Tân. Vừa nghe ông Hà Ngọc Thành than về giá, tôi thấy sắc mặt ông tươi hẳn khi có một khách từ Hải Phòng mua cây đào lâu năm. Thân đào cao trên 4m, nặng hơn 1 tạ khiến 4 người đàn ông còng lưng gánh lên xe. Gương mặt lấm lem, miệng thở ra khói nhưng đôi mắt ông Thành ánh lên niềm vui, sự tự hào với nghề trồng đào truyền thống mà cha ông để lại.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.