Câu chuyện về Đại tướng

Đường vào phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội có nét nhang nhác như đến khu Kim Long, Phú Mộng (Thừa Thiên Huế) với con đường nhỏ, hàng cây rợp bóng bên đường, nằm có phần tách biệt khỏi trung tâm thành phố. Ngôi nhà 3 tầng ở số 81 phố Tân Nhuệ, nếu không có tấm biển "Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh", hẳn nhiều người sẽ nghĩ đó chỉ là một ngôi nhà theo lối kiến trúc xưa, có bờ tường bằng cây.

Bảo tàng của gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, nơi Đại tướng và gia đình đã ở giai đoạn 1955-1986 với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tại ngôi nhà đó, gia đình Đại tướng nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và cũng là nơi diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6-8-1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

leftcenterrightdel
      Các nhà nghiên cứu, chuyên gia tham quan, đóng góp ý kiến xây dựng Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. 

Bảo tàng có hơn 500 ảnh, hiện vật, 23 pho tượng đồng, hơn 100 sách, phim tài liệu gắn với những dấu mốc quan trọng, tái hiện quá trình đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài năng, đức độ của Đảng, của Quân đội, nhà quân sự chính trị lỗi lạc và người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế.

Ấn tượng đầu tiên của tác giả về bảo tàng là trung tâm phần khánh tiết với bức tượng bán thân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do nhà điêu khắc, Đại tá Nguyễn Minh Đỉnh sáng tác năm 2010. Người xem có cơ hội hiểu Đại tướng hơn ở nhiều khía cạnh, từ vị tướng của nhân dân đến người cha trong gia đình. Không gian trưng bày của bảo tàng được chia thành 8 chủ đề chính: Quê hương-cách mạng miền Trung; Việt Bắc; xây dựng Quân đội; xây dựng hòa bình ở miền Bắc; cách mạng miền Nam; ngày 6/7; tấm lòng những người ở lại; gia đình-hành trình tiếp nối. Ngoài ra, còn có các tiểu chủ đề về Bình Trị Thiên khói lửa, nông nghiệp, đối ngoại, văn hóa văn nghệ, thể thao, ông tướng du kích...

Chia sẻ về bảo tàng của gia đình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho hay: Năm 2020, gia đình có nguyện vọng nâng cấp Nhà truyền thống Đại tướng ở số 47 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội thành Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Được sự ủng hộ, chỉ đạo, giúp đỡ của thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và UBND TP Hà Nội, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được thành lập theo hình thức bảo tàng ngoài công lập.

 “Các thành viên trong gia đình đóng góp để xây dựng bảo tàng với quy mô tối thiểu, không thu tiền bên ngoài hay xin kinh phí từ Nhà nước. Về chức năng của bảo tàng, gia đình cũng không có ý định tôn vinh thêm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà chỉ kỳ vọng bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của đất nước và Quân đội”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.

Là người góp phần tư vấn cho bảo tàng, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Cảm giác đầu tiên khi đến bảo tàng là nguồn tư liệu ngồn ngộn. Đặc biệt, khác rất nhiều so với bảo tàng thông thường là sự xuất hiện của những bức tượng tả cảnh Đại tướng sinh hoạt, chiến đấu và tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân. Những bức tượng được các nghệ sĩ dành những suy tư, tình cảm của mình để gửi gắm. Bảo tàng kể cho chúng ta câu chuyện về một Đại tướng bình dị nhưng rất vĩ đại, đã cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên cuộc kháng chiến, cứu nước của dân tộc”.

Cần phát huy hết giá trị của bảo tàng

Bày tỏ sự bất ngờ trước không gian rất điển hình của bảo tàng về một nhân vật lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Từ không gian ngôi nhà được dựng lại đến tất cả hiện vật được bày rất chuyên nghiệp nhưng lại có nét rất riêng. Ngôn ngữ quan trọng nhất của bảo tàng là hiện vật. Thời Đại tướng sống là thời cực kỳ gian khó, vậy mà chúng ta vẫn giữ được hiện vật một cách khá căn bản. Bảo tàng có những sáng tạo về ngôn ngữ hiện vật, đó là hệ thống tượng, nhỏ nhưng rất tinh tế, chọn lựa các sự kiện không chỉ tôn vinh cá nhân mà tôn vinh cả thế hệ, từ những người trên mình, đến đồng cấp và thuộc cấp, giúp khách tham quan hiểu được nét đặc trưng của các vị tướng của Việt Nam, những anh hùng trong chiến tranh”.

Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, nếu đất nước có nhiều bảo tàng như Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì đó là điều tuyệt vời bởi lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc vô cùng phong phú và gai góc, biết bao người ở các tầng lớp, vị trí xã hội khác nhau đều tham gia đóng góp, hy sinh cho cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ cuộc sống phồn vinh của đất nước.

Đại tá, nhà báo Văn Yên, nguyên Trưởng phòng biên tập Thời sự quốc tế, Báo Quân đội nhân dân, khi nghe tin bảo tàng chuẩn bị đón khách tham quan đã tìm tới và hiến tặng hiện vật gốc liên quan đến Đại tướng là tờ báo Quân đội nhân dân số 6. Nhà báo Văn Yên cho rằng, những hiện vật về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các nhà cách mạng tiền bối của Việt Nam còn rất nhiều trong dân, chúng ta cần tìm cách để thu nạp lại những hiện vật này. Như vậy, bảo tàng mới thực sự phát triển và sống động.

“Nghề của tôi không thấy lạ khi tiếp xúc với hiện vật nhưng cái lạ nhất ở đây là mang lại cảm xúc khi tiếp xúc với ngôn ngữ Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nó tác động mạnh mẽ tới người xem hơn đọc những trang sách, xem phim về lịch sử. Đây như một không gian trực quan rất có ích, quan trọng cho những người nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử chiến tranh, lịch sử cá nhân Đại tướng và cho giới trẻ. Tôi rất mong các ban, ngành liên quan, các nhà chuyên môn sẽ tiếp tục hỗ trợ, bổ sung và tư vấn cho bảo tàng ngày càng tốt hơn để phát huy hết giá trị của bảo tàng”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.

 

 Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm, đóng góp ý kiến từ thứ 3 đến chủ nhật hằng tuần. Sáng từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút. Chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. Ngày 1-1-2024, Lễ khánh thành bảo tàng sẽ được tổ chức chính thức nhân dịp 110 năm Ngày sinh Đại tướng.

    

Bài và ảnh: THU HÀ