Tuy đang tất bật hoàn thiện các sản phẩm nhưng chị Tâm vẫn nhiệt tình giới thiệu cho khách tham quan các công đoạn để làm ra chiếc đèn kéo quân phục vụ trẻ em trong dịp Tết Trung thu. Chị Tâm chia sẻ: “Muốn làm được chiếc đèn kéo quân, người thợ phải chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu từ khung tre, khung gỗ đến giấy màu, giấy bóng kính, đèn nến... Để thắp sáng một chiếc đèn thì đơn giản, nhưng để đèn quay được thì phải làm rất cẩn thận. Nếu tính toán không kỹ khi thắp nến, đèn sẽ không quay, thậm chí còn bị cháy”.

 Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm giới thiệu sản phẩm đèn kéo quân.

Theo chị Tâm, một chiếc đèn kéo quân gồm 3 phần chính là khung ngoài, lồng quay và cánh quạt. Khung ngoài làm bằng tre hoặc gỗ đã qua công đoạn xử lý nhằm tránh mối mọt, tùy vào kích cỡ của đèn để cắt thanh khung cho phù hợp. Đèn kéo quân có thể làm theo hình lục giác hoặc bát giác. Người thợ sẽ ghép thanh đóng khung thô ban đầu, sau đó dùng giấy bóng màu dán vào các cạnh của khung đèn. Lồng quay bên trong được làm bằng giấy bóng kính vẽ các chủ đề khác nhau như múa lân, múa rồng, đám cưới chuột, vinh quy bái tổ, 12 con giáp, trò chơi dân gian... Phần quan trọng nhất của đèn là bộ lõi làm cho lồng đèn quay. Muốn vậy, người thợ phải khéo léo cắt cánh quạt bằng lá nhôm mỏng xếp nghiêng, tạo độ hở để khi thắp nến, hơi nóng bay lên làm quay lồng đèn bên trong.

Sau khi hoàn thiện các phần cơ bản, đèn được trang trí bằng các đường viền lụa, tua rua, cài hoa nhiều sắc màu. Đèn kéo quân thực sự lung linh tỏa sáng khi đêm xuống. Nến được thắp sáng, hơi nóng bốc cao làm chuyển động những cánh quạt kéo theo lồng đèn quay. Những hình ảnh đẹp mắt thi nhau chuyển động như một cuốn phim quay chậm. Ánh mắt trẻ thơ reo vui theo từng hình ảnh chạy trong khung đèn. Chính sự chuyển động ấy đã làm nên sức hấp dẫn của chiếc đèn kéo quân.

Đèn kéo quân đẹp là vậy nhưng số người làm đèn không nhiều. Theo chia sẻ của chị Tâm, trước đây trong làng có nhiều gia đình làm đèn kéo quân nhưng sau này bị mai một vì làm đèn chỉ có thời vụ, thu nhập không cao. Nhiều thợ đèn đã chuyển sang làm việc khác. Gia đình chị Tâm yêu nghề truyền thống nên bền bỉ làm nghề trong nhiều năm qua.

Hiện nay, để làm đèn quanh năm, gia đình chị đã cải tiến về mẫu mã nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Ngoài dịp Tết Trung thu, nhà chị còn làm đèn trang trí trong Tết Nguyên đán, phục vụ các lễ hội, cưới hỏi... Tùy theo yêu cầu của khách, nội dung vẽ trong lồng đèn được thay đổi để phù hợp với mục đích sử dụng. Tại các hội chợ triển lãm, bảo tàng, người thợ giỏi Thanh Tâm luôn chú trọng quảng bá sản phẩm và dạy nghề trực tiếp tại gian hàng. Ngoài ra, chị còn tham gia dạy làm đèn kéo quân trên truyền hình để giới thiệu nét đẹp nghề truyền thống của quê hương.

Bên những chiếc đèn rực rỡ sắc màu, hằng ngày, chị Tâm vẫn miệt mài chăm chút cho từng sản phẩm. Dẫu làm nghề còn lắm vất vả nhưng chị luôn cố gắng giữ gìn và truyền nghề cho thế hệ sau. Chị Tâm cho biết: “Bản thân tôi cảm thấy rất vui khi chứng kiến các em nhỏ thích thú ngắm nhìn những chiếc đèn kéo quân trong dạ hội trăng rằm. Chiếc đèn đã góp phần giúp trẻ em có được Tết Trung thu thực sự ý nghĩa”.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.