Khi cuộc họp thông qua bắt đầu, chủ tọa là thủ trưởng cơ quan cất tiếng mở đầu: “Sáng nay chúng ta họp cán bộ chủ chốt thông qua bản dự thảo tổng kết thi đua 5 năm của cơ quan. Đề nghị các đồng chí tập trung cho ý kiến để bản báo cáo phản ánh đầy đủ cả hai phần đánh giá và phương hướng”.
Lời mở đầu của “sếp” vừa dứt, không chờ lâu, các ý kiến phát biểu liên tục, sôi nổi. Chiều hướng xem ra rất thuận khi ai cũng nói bản dự thảo báo cáo có tính khái quát cao, bố cục chặt chẽ, đánh giá đúng kết quả, thành tích và chỉ rõ nguyên nhân, bài học cụ thể, sâu sắc, xác định phương hướng mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn tới... Đồng chí cán bộ văn phòng gật gù, vẻ mặt vui lắm. Thấy vậy, tôi càng chăm chú đọc đi đọc lại bản dự thảo báo cáo tổng kết thì thấy bố cục, hành văn như báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ hằng năm của cơ quan, chứ không có “màu sắc” thi đua.
Tôi định giơ tay phát biểu tham gia một vài ý, nhưng “sếp” đã đứng dậy yêu cầu văn phòng phối hợp với các ngành viết lại. Mọi người nhìn nhau ngơ ngác. Không vòng vo, “sếp” có ý kiến rất thẳng thắn: "Về hình thức, bản báo cáo phải viết lại cho đúng tính chất là một bản báo cáo thi đua; về nội dung cũng phải nêu bật được những kết quả của phong trào, về ý thức và hành động thi đua của cán bộ, nhân viên cơ quan; đặc biệt là thực hiện phong trào thi đua nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan... đã hướng vào những việc mới, việc khó, việc xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến... như thế nào? Ở đây tôi muốn nói thêm nữa là phần đánh giá có nêu “bài học rút ra”, các đồng chí gần như bê nguyên xi đoạn này của tổng kết năm gắn vào báo cáo thi đua là không phù hợp. Tôi lưu ý với các đồng chí, nhiều hội nghị chúng ta có thói quen là trong văn bản cũng như khi tham luận cứ hay nói kiểu “ban ơn”. Từ “nguyên nhân” đến “bài học rút ra” đều lặp đi lặp lại đoạn mở đầu: “Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tạo điều kiện của chính quyền các cấp nên cơ quan đã đạt được những thành tích vượt bậc, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước”. Xin nói với các đồng chí rằng, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, của chính quyền các cấp đối với cơ quan là nguyên tắc, là chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lãnh đạo, quản lý. Chức năng đó, cấp ủy, chính quyền ở đâu cũng phải làm, từ cơ sở đến Trung ương. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Mà đã là nguyên tắc thì không cần phải “rút ra bài học”.
Điều “rút ra” trong báo cáo này là thông qua thực tiễn phong trào thi đua, chúng ta thấy vấn đề gì mang tính kinh nghiệm, tâm huyết, ví như: Các cấp trong cơ quan đã tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất, công tác như thế nào? Cơ quan đã “dân vận khéo” ra sao để mọi người tự giác hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa văn minh, lịch sự? Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp đã phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ và phong trào thi đua chưa? Có vấn đề gì cần “rút ra” không?... Những vấn đề “rút ra” không nên dàn trải mà nên đi sâu vào những điểm sâu sắc nhất, đáng nhớ nhất, đáng rút kinh nghiệm nhất để tiếp tục phát huy trong phương hướng. Do vậy, mong rằng các đồng chí soạn thảo lại báo cáo tổng kết cho đúng là báo cáo thi đua, đọc lên trước hội trường nó phải “khí thế hừng hực” chứ đừng như hội nghị tổng kết năm thì buồn lắm, nhất là vấn đề cần “rút ra” như thế nào cho đúng, cho phù hợp với thực tiễn ở cơ quan trong những năm qua.
VŨ VIẾT XÔ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.