Bàn về vấn đề này, GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; GS, TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đều có chung quan điểm: Xây dựng văn hóa Đảng để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, góp phần bảo vệ sự sống còn của Đảng, của chế độ ta.

Công chúng tham quan triển lãm "Đảng Cộng sản Việt Nam-Từ Đại hội đến Đại hội" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tháng 1-2021. Ảnh: THANH TÙNG 

Đảng ta là tấm gương văn hóa sáng ngời

Phóng viên (PV): Tìm hiểu văn hóa Đảng, chúng tôi nhận thấy có những ý kiến khác nhau về sắc thái, nội hàm của khái niệm này. Vậy, văn hóa Đảng là gì, thưa ông?

GS, TS Đinh Xuân Dũng: Cách đây hơn 15 năm, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hóa Đảng và xây dựng văn hóa trong Đảng”. Từ hội thảo này đã đúc kết những giá trị, phẩm chất văn hóa cần có của một đảng cộng sản. Nhưng có những ý kiến còn băn khoăn, trái chiều, đó là “văn hóa Đảng” có quan hệ gì với văn hóa của giai cấp khác, tầng lớp khác và với văn hóa dân tộc? Văn hóa Đảng nằm trong văn hóa dân tộc, sử dụng khái niệm này có phải văn hóa Đảng đứng tách ra không? Chính vì khái niệm chưa thống nhất nên trong các văn kiện của Đảng sử dụng cụm từ “văn hóa trong Đảng”.

GS, TS Đinh Xuân Dũng. 

Tôi cho rằng, không nên tranh cãi về mặt chữ nghĩa, có thể dùng cả hai cụm từ “văn hóa Đảng” và “văn hóa trong Đảng” bởi cách hiểu không khác nhau nhiều. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng những giá trị văn hóa, phẩm chất mang tính văn hóa của một đảng cộng sản cầm quyền.

Tôi hiểu văn hóa Đảng theo nghĩa rộng, đó là tất cả những giá trị Đảng ta từ khi ra đời đến nay, biểu hiện cụ thể trong lý tưởng, tư duy chính trị, phương thức lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu... Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo xã hội vì thế văn hóa Đảng ảnh hưởng lớn, bao trùm đến mọi mặt đời sống xã hội.

PGS, TS Bùi Đình Phong: Tôi nghiêng về dùng cụm từ “văn hóa Đảng” hơn là “văn hóa trong Đảng”. Nói văn hóa Đảng là nói tới cái đẹp, cái cao quý, cái giá trị của Đảng. Văn hóa Đảng là một khía cạnh, một mặt của văn hóa chính trị nhưng ở khía cạnh quan trọng nhất. Trong văn hóa Đảng thì văn hóa Đảng cầm quyền là đặc biệt quan trọng.

Phát biểu khi Đảng ta tròn 30 tuổi, Bác nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” là hàm ý Người muốn nói về văn hóa Đảng. Câu nói của Bác cho ta nhận thức từ khi Đảng ra đời đến lúc đó, nhờ văn hóa Đảng mà cách mạng thắng lợi. Vì vậy, lời nói của Bác còn gửi một thông điệp quan trọng là từ đó về sau phải xây dựng văn hóa Đảng, nhất là văn hóa cầm quyền.

PGS, TS Bùi Đình Phong. 

Cái lớn nhất, bao trùm, xuyên suốt như “sợi chỉ đỏ” của văn hóa Đảng là mọi chủ trương, đường lối và hoạt động của Đảng phải vì lợi ích của Tổ quốc và dân tộc. Đó cũng chính là đạo đức, văn minh của Đảng. Bác nói: “Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”.

PV: Thưa ông, từ lịch sử hơn 90 năm vẻ vang của Đảng, văn hóa Đảng có sức lan tỏa, tác động thế nào đến đời sống chính trị, xã hội của đất nước?

TS Nhị Lê: Tôi quan niệm văn hóa Đảng là sự phát huy cao của văn hóa chính trị trong điều kiện Đảng cầm quyền trên nền văn hóa Việt Nam. Theo tôi, có 3 yếu tố nền tảng hình thành văn hóa Đảng: Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là truyền thống yêu nước, thương nòi, văn hóa làng xã có tính cố kết cộng đồng cao. Giá trị tiến bộ lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Giá trị tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ và các thế hệ cán bộ, đảng viên trung kiên. Từ 3 giá trị nền tảng đó, văn hóa Đảng thấm sâu, lan tỏa đến mọi lĩnh vực, thậm chí cả trong lời ăn tiếng nói, cách nghĩ của quần chúng nhân dân.

Văn hóa Đảng thể hiện ở tầm nhìn dẫn dắt quốc gia, dân tộc đến bến bờ vinh quang. Năm tháng có thể trôi qua, giá trị văn hóa Đảng không thể xóa nhòa bởi Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những thành tựu vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

TS Nhị Lê. 

Giữa Đảng và nhân dân gắn bó bởi tình cảm thiêng liêng, “ý Đảng-lòng dân” là một giá trị văn hóa to lớn. Đảng gần gũi, chăm lo, quan tâm đến đời sống nhân dân. Nhân dân tin Đảng, trìu mến gọi hai tiếng “Đảng ta”, đoàn kết tạo nên sức mạnh lòng dân vô địch.

Đảng muốn thu phục nhân tâm, tự thân mỗi cán bộ, đảng viên đều là tấm gương đạo đức, văn hóa. Trước hết là tính tiên phong đi đầu như câu nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Lớp lớp cán bộ, đảng viên nghe lời căn dặn của Bác phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, không tiếc cả sinh mạng vì độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Quần chúng nhân dân xúc động, tin tưởng vào lý tưởng của Đảng, phấn đấu học tập, công tác để trở thành đảng viên. Vào Đảng trở thành một vinh dự lớn, chứng nhận cho phẩm chất văn hóa, đạo đức cho một con người. Có thể nói không quá lời rằng: Đảng ta là tấm gương văn hóa sáng ngời!

Đừng để suy thoái văn hóa Đảng “vượt ngưỡng”

PV: Từ một số cán bộ, đảng viên thoái hóa đã tăng lên thành một bộ phận, rồi bộ phận không nhỏ và trong bộ phận không nhỏ ấy có cả cán bộ cao cấp, những lệch chuẩn văn hóa, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, theo ông, phải chăng có nguồn gốc do sự suy thoái văn hóa Đảng?

GS, TS Đinh Xuân Dũng: Giá như Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa rồi trong các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng có thêm lĩnh vực văn hóa thì tốt biết bao. Tuy nhiên, Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh vào yêu cầu “tập trung xây dựng Đảng về mặt đạo đức”. Đạo đức là phạm trù quan trọng của văn hóa. Tập trung xây dựng Đảng về mặt đạo đức sẽ góp phần xây dựng văn hóa Đảng. Đây được xem là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách. Cơ bản bởi đạo đức là cái gốc nhân phẩm con người, là sự sống còn của xã hội, của đảng chính trị, gắn với vai trò, sứ mệnh của Đảng. Cấp bách là vì tình trạng tha hóa về đạo đức, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã đến hồi báo động. Sự tha hóa về đạo đức của cán bộ được coi là “nguồn cơn” cho tệ tham nhũng, tiêu cực, cửa quyền, lộng quyền, hách dịch, xa dân.

Khi nói sự xuống cấp, mặt hư hỏng, thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên, điều khiến chúng ta lo ngại nhất là sự đánh mất niềm tin của người dân vào lý tưởng của Đảng, về vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng ta đã nói điều này trong 20 năm qua và nhận định đánh mất niềm tin sẽ đánh mất tất cả, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

TS Nhị Lê: Tôi nhất trí với quan điểm cho rằng: Tham nhũng làm mất tiền bạc không đáng sợ bằng mất cán bộ, mất đạo đức con người và từ đó dẫn đến mất niềm tin của dân với Đảng. Có những cán bộ, đảng viên không ăn cắp tiền bạc của Nhà nước, của dân nhưng nói đâu bỏ đấy, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, cũng làm mất niềm tin. Đó là một dạng ăn cắp, tham nhũng niềm tin vô cùng đáng sợ và nguy hiểm.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung tư tưởng đạo đức cách mạng tập trung, nổi bật ở luận điểm: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Cho nên, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành công, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới nhất thiết phải chỉnh đốn đạo đức, văn hóa Đảng. Đừng để đạo đức, văn hóa Đảng suy thoái đến mức mất niềm tin, đó là cái ngưỡng mà Đảng không thể để vượt qua.

Văn hóa nêu gương phải có trong huyết quản của mỗi cán bộ, đảng viên

PV: Hiện nay, Đảng ta đang quyết liệt xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông, cần phải làm gì để xây dựng văn hóa Đảng để Đảng là đạo đức, là văn minh như lời Bác từng nói?

GS, TS Hoàng Chí Bảo: Rõ ràng, cần xây dựng Đảng về văn hóa ở tầm chiến lược. Có xây dựng Đảng về văn hóa mới có cơ sở văn hóa cho việc bảo đảm sự trong sạch, bền vững của Đảng. Đảng muốn trong sạch, vững mạnh, Đảng phải là một biểu tượng về văn hóa. Xây dựng văn hóa trong Đảng, làm cho đảng cầm quyền thể hiện được những gì tốt đẹp nhất, ưu tú nhất của văn hóa dân tộc từ truyền thống đến hiện đại và tiệm cận tinh hoa văn hóa của nhân loại, biểu hiện trong từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp chiến lược, đội ngũ cán bộ chủ chốt. Họ phải là những tinh hoa về văn hóa.

GS, TS Hoàng Chí Bảo. 

Kế thừa Đại hội XII, Đại hội XIII bổ sung, nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp mới trong xây dựng Đảng về đạo đức. Đầu tiên và quan trọng nhất là vấn đề nêu gương. Nêu gương vừa là đạo đức của cán bộ, đảng viên, vừa là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Đại hội XIII xác định: “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao phải càng gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương”. Vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng; đấu tranh phê phán, biểu dương gương sáng về đạo đức cũng được coi trọng. Như vậy, nếu Đảng ta thực hiện đồng bộ, quyết liệt 3 nhiệm vụ, giải pháp kể trên, tin chắc đạo đức, văn hóa Đảng sẽ có bước cải thiện lớn.

PGS, TS Bùi Đình Phong: Phải giáo dục trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về những nguy hại của sự vô liêm sỉ ở một số cán bộ hủ bại, hủ hóa, tha hóa, biến chất. Đảng phải phát động toàn dân tẩy chay những cán bộ thoái hóa, biến chất. Chỉ có nhân dân vào cuộc, đồng lòng, chung sức, căm ghét bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hư hỏng thì việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới thành công. Cần phải có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng văn hóa Đảng cầm quyền, tập trung quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thật sự chí công vô tư. Phải làm thật sự, không dừng lại ở nghị quyết.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 74 năm Quốc khánh và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 8-2019. Ảnh: THANH TÙNG 

TS Nhị Lê: Đề cao văn hóa nêu gương thực chất, nhất là đối tượng cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành là điều hiển nhiên. Văn hóa nêu gương phải có trong huyết quản của mỗi cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, bên cạnh đó không thể hô hào suông về nêu gương mà đi cùng với đó là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để góp phần phòng, chống tha hóa quyền lực, tha hóa con người, tha hóa đạo đức. Ngoài ra, cần sớm ban hành hệ giá trị hay chuẩn mực đạo đức của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên làm cơ sở để đánh giá tổ chức đảng, đánh giá cán bộ, đề cử cán bộ lãnh đạo.

PV: Trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

“Chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu”. (Trích Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”) 

HOÀNG HOÀNG - VƯƠNG HÀ - MINH NHÃ - THU HÀ (thực hiện)