Làm thế nào để họ làm tốt công việc, xây dựng thôn, làng văn hóa, người dân ứng xử văn minh, thanh lịch? Ngoài tự thân mình cố gắng, trưởng thôn rất cần sự thấu hiểu, cảm thông và giúp đỡ từ người thân, cộng đồng cùng chính quyền địa phương.

Yếu tố văn hóa góp phần làm nên trưởng thôn tốt

Theo thống kê của Sở Nội vụ TP Hà Nội, tính đến tháng 11-2022, Hà Nội có 2.359 thôn. Các thôn có trưởng thôn và họ có vai trò quan trọng, là cầu nối trực tiếp giữa người dân và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương. Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Trưởng thôn không chỉ truyền tải thông tin đến người dân mà còn phải gương mẫu để nói người dân nghe, dân tin. Đời sống, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa của người dân cao hơn trước nên trưởng thôn cũng phải là người am hiểu về nhiều mặt, nhất là phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của bà con địa phương".

leftcenterrightdel
Chung khảo Hội thi trưởng thôn thân thiện thành phố Hà Nội năm 2022.

Cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Viết Chức khiến chúng tôi liên tưởng tới câu chuyện với trưởng thôn Lý Thị Lân ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì). Đây là một ngôi làng bình yên ở núi Ba Vì. Thôn có 281 hộ nhưng trải trên địa bàn khá rộng, giáp 3 xã gồm: Ba Trại, Tản Lĩnh và Minh Quang. Từ thôn đi lên UBND xã phải mất gần 10km. Nơi xa nhất của thôn cách trung tâm thôn tới 5km. Ở lưng chừng dốc núi, nhà của trưởng thôn Lý Thị Lân cũng treo tấm bảng giới thiệu nghề thuốc giống với rất nhiều gia đình khác trong thôn. Chị Lân cho biết: “Nghề làm thuốc Dao là sinh kế chính của làng. Nhưng làng nghề phát triển quá mạnh, người dân lao hết đi làm kinh tế, tận dụng tối đa ngày đi rừng. Nếu tính toán thiệt hơn về kinh tế thì không ai làm. Một ngày đi rừng có khi chúng tôi đã kiếm đủ 1 triệu đồng, trong khi phụ cấp trưởng thôn cả tháng cũng chỉ được 1,6 triệu đồng. Công việc của trưởng thôn lại bận rộn liên miên, ai không đủ nhiệt tình thì sẽ bỏ giữa chừng”. Tôi hỏi vui: "Đang nuôi con tuổi ăn học, lại là người thạo việc, nhanh nhẹn, tại sao chị lại đồng ý giữ việc "vác tù và hàng tổng?". Chị Lý Thị Lân trả lời bình thản: “Tôi nghĩ mình có sức trẻ, lại là đảng viên nên phải có trách nhiệm với công việc chung. Việc khó mà đảng viên không làm thì ai làm?”. Ông Triệu Việt Dũng, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thôn Yên Sơn đánh giá: “Chị Lân là người năng động, làm gì cũng nhiệt tình, có công việc gì của thôn cũng hỗ trợ, giúp đỡ. Những lần cần vận động, tuyên truyền, chị Lân không ngại đêm hôm đến từng nhà để gặp gỡ, trò chuyện thân tình với bà con. Nếu là người tính toán thiệt hơn thì không làm được việc này đâu. Phải là người am hiểu văn hóa, lối sống của bà con thì chị mới hết lòng với việc của dân như vậy".

Hạt nhân Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Để giúp người dân thấu hiểu và đồng cảm với trưởng thôn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở địa phương, nhất là trong triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2022, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội thi trưởng thôn thân thiện. Hội thi thu hút sự tham gia sôi nổi của các trưởng thôn và góp phần động viên đội ngũ làm công tác ở cơ sở thêm gắn bó mật thiết với phong trào, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể thao ở địa phương. Bà Lý Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội cho biết: “Hội thi không chỉ giúp các trưởng thôn nâng cao nhận thức mà còn thu hút sự quan tâm của cộng đồng; thể hiện sự vào cuộc của cơ quan quản lý địa phương, cơ quan văn hóa, các thí sinh dự thi và sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân".

Tuy nhiên, những hình thức động viên, tạo “sân chơi” cho trưởng thôn như vậy chưa nhiều. Đi thực tế đến nhiều thôn, làng của Hà Nội mới thấy rằng, việc tìm được trưởng thôn đủ đức, tài, tâm huyết, nhiệt tình với phong trào, được nhân dân ủng hộ không hề đơn giản. Thực hiện công việc ở cấp cơ sở nên thời gian của trưởng thôn bị phân tán bởi hàng loạt công việc. Xây dựng phong trào, nếp sống văn hóa chỉ là một phần việc trong cả núi công việc ấy. Chưa kể, không phải trưởng thôn nào cũng có khả năng, nhiệt huyết duy trì phong trào. Cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư được đến đâu hay đến đó. Bên cạnh đó, cũng có trưởng thôn nhiệt tình phong trào nhưng nếu uy tín chưa cao, chưa có tiếng nói trọng lượng với nhân dân, không biết cách làm thì nhiều khi phong trào cũng khó phát triển. Ông Nguyễn Mạnh Thước, Phó chủ tịch UBND xã Minh Quang (huyện Ba Vì) cho biết: “Làm trưởng thôn phải hy sinh nhiều lắm. Không phải thôn nào cũng chọn được người như ý. Có những lúc để có một trưởng thôn tốt, chúng tôi phải xây dựng hạt nhân từ nhiều năm trước, tìm ứng viên đáp ứng những tiêu chí như có trình độ năng lực, có trách nhiệm đối với công việc được giao, biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên, được dân tín nhiệm”.

Bên ngôi đình mới được sửa sang của thôn Thuận Tốn (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm), chúng tôi tình cờ được nghe cuộc trò chuyện giữa ông Ngô Văn Phú, phụ trách đội 10 và dân phòng của thôn (cũng là người trông coi đình và nhà văn hóa thôn) và ông Lê Xuân Tấn, làm công tác mặt trận thôn. Ông Phú nói rằng: “Có ngôi đình đẹp đẽ như hôm nay là nhờ nhiều ở công sức của bà Chanh”. Ông Tấn tiếp lời: “Trong việc chung, bà Chanh còn xốc vác hơn cả nam giới. Thôn có 160 đảng viên nhưng tìm được người có năng lực, lại nhiệt huyết như bà thì không nhiều. Bà Chanh lắng nghe nhân dân rồi phản ánh với lãnh đạo để có những quyết định kịp thời, hợp lòng dân, bám sát thực tế nên mọi việc được giải quyết suôn sẻ. Nhờ bà mà có sự đoàn kết, thống nhất cao trong thôn...”. 

Bên cạnh sự ủng hộ của người dân, các chuyên gia cho rằng, cán bộ, lãnh đạo chính quyền cũng góp phần không nhỏ tạo nên những trưởng thôn tốt. Ông Hoàng Quốc Việt, Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: “Sắp tới, Hà Nội sẽ có nhiều hướng đổi mới hơn để giúp các trưởng thôn làm việc tốt, đó là tăng cường tập huấn, bồi dưỡng những nội dung công việc gắn liền với vị trí, vai trò của trưởng thôn và phù hợp với đặc điểm văn hóa, điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi địa phương”.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, để có được đội ngũ trưởng thôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các cấp ủy, chính quyền ở Hà Nội, nhất là cấp huyện, cấp xã phải có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ trưởng thôn. Đối với những trưởng thôn tốt nhưng còn trẻ thì không thể làm "trưởng thôn suốt đời" mà phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng kịp thời, đánh giá năng lực chính xác và tạo điều kiện để họ phấn đấu vươn lên trở thành cán bộ, công chức cấp cơ sở. Cùng với đó, cần nghiên cứu nâng cao mức hỗ trợ phụ cấp hằng tháng để giúp đội ngũ trưởng thôn yên tâm công tác, thể hiện tốt là hạt nhân phong trào xây dựng nông thôn mới và toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. 

"Trưởng thôn, phó trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, phó tổ trưởng tổ dân phố phải luôn luôn gần gũi với nhân dân; tôn trọng, chú ý lắng nghe nguyện vọng của nhân dân; kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; giải quyết công việc trên cơ sở pháp luật quy định, chống các tư tưởng, hành vi bè phái, cục bộ địa phương gây mất đoàn kết trong nhân dân".

(Trích Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 19-9-2019 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố)

Bài và ảnh: MINH NHÃ - THÀNH PHONG