Nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu trên khó thành hiện thực khi mà sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương với nhau và với cả các doanh nghiệp thiếu chặt chẽ. Vì vậy, cần có giải pháp kiến tạo đồng bộ làm đòn bẩy; đồng thời phải có cách làm "đi tắt đón đầu" mới phát triển CNVH Việt Nam đủ khả năng hội nhập quốc tế.
Kiến tạo nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa
Sự mới mẻ của CNVH đương nhiên đòi hỏi Chính phủ và chính quyền các địa phương phải làm tốt vai trò kiến tạo thể chế, chính sách. Trước hết, cần phải đổi mới tư duy đề cao tính kinh tế trong phát triển văn hóa, đề cao tính sáng tạo bởi lâu nay các sản phẩm văn hóa (SPVH) chưa được xem là hàng hóa có tính sáng tạo cao vận hành theo cơ chế thị trường. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Muốn phát triển CNVH phải xem SPVH như bao hàng hóa khác. Tức là phải đáp ứng nhu cầu thị trường, phải có kỹ năng kinh doanh, phải xây dựng thương hiệu... Trong quá trình đầu tư, Nhà nước cần phân định rõ đâu là SPVH phi lợi nhuận phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đâu là SPVH để kinh doanh. Một điều quan trọng khác là việc quản lý văn hóa phải rõ ràng, nhất quán, tránh gây khó cho những người sáng tạo. Nhà nước cần phải đưa ra một số quy tắc rõ ràng về biểu đạt liên quan đến “vùng cấm” như: Xuyên tạc lịch sử, đả phá chế độ, bôi xấu người khác, thuần phong mỹ tục… để người sáng tạo biết để không làm ảnh hưởng quyền lợi cộng đồng, không xâm phạm lợi ích của người khác. Ngoài một số quy tắc đó, giới sáng tạo được tự do sáng tác bởi muốn phát triển văn hóa phải tạo điều kiện tối đa cho mọi sáng tạo của người dân được thể hiện, mọi tiềm năng tài năng của con người được thể hiện”.
 |
Vở xiếc “Làng tôi” hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: HÀM ĐAN. |
Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu hợp nhất các đoàn nghệ thuật, nhà văn hóa...; đồng thời, tăng dần mức độ tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, giảm chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. “Bài toán” các địa phương phải giải “hậu sắp xếp” là các đơn vị tự chủ về tài chính, muốn vậy không có cách nào khác là phải làm ra các sản phẩm CNVH để người dân bỏ tiền thụ hưởng. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nêu kinh nghiệm: “Cốt lõi là phải chỉ đạo Trung tâm Văn hóa thành phố, các nhà hát chủ động mang sản phẩm chất lượng đến với người dân; cho nên kết quả đạt được rất khả quan. Năm 2018, chiếu phim lưu động đạt 5.938 buổi, doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng; tổ chức 2.492/2.779 buổi biểu diễn có thu, đạt doanh thu gần 56 tỷ đồng, thu hút 1.695.500 lượt khán giả”.
Hằng năm chi cho hoạt động văn hóa chiếm 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước được xem là mức thấp, chưa đưa ra khoản đầu tư cụ thể cho CNVH. Kinh phí ít vì Nhà nước còn phải ưu tiên phát triển nhiều lĩnh vực khác, vì vậy sự đầu tư không nhất thiết phải là “tiền tươi thóc thật” mà có thể chuyển sang hình thực hỗ trợ phát triển. Chuyên gia nghiên cứu CNVH Trương Uyên Ly cho rằng: “Những chính sách kiến tạo là miễn giảm thuế, cho thuê ưu đãi dài hạn các không gian, bảo lãnh cho vay lãi suất thấp, riết róng bảo hộ bản quyền… đã được các nước thực thi hiệu quả, rất đáng để Chính phủ nghiên cứu áp dụng. Tất cả các nước đã xây dựng và phát triển CNVH thành công đều cần sự hỗ trợ, đầu tư ban đầu của nhà nước. Tuy nhiên, cách thức hỗ trợ cần tập trung, lựa chọn những dự án tiềm năng, không phân biệt đơn vị công hay tư, miễn có khả năng mang lại hiệu quả cao, để hoàn thành mục tiêu chung là phát triển CNVH”.
 |
Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn “đỏ đèn” quanh năm nhờ có cách làm hợp lý, hút khách. Ảnh: LAN HƯƠNG. |
Tựa vào bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới
Phát triển CNVH thường có hai giai đoạn: Đầu tiên phải khai thác vốn văn hóa dân tộc biến thành SPVH đặc sắc; tiếp đó, tăng số lượng và chất lượng để tiến tới xuất khẩu. Con đường phát triển CNVH Việt Nam đang đi bước đầu tiên và đã có một số sản phẩm thành công, như: Bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”, vở xiếc tre “Làng tôi”, những bộ sưu tập thời trang sử dụng họa tiết và chất liệu thổ cẩm, công trình kiến trúc “Cà phê gió và nước” sử dụng chất liệu tầm vông… Việc khai thác “mỏ vàng” lịch sử-văn hóa đất nước sẽ giúp sản phẩm chiếm lĩnh thị trường trong nước. Hơn 90 triệu dân Việt Nam luôn ngóng chờ những sản phẩm thuần Việt giúp họ hiểu thêm về văn hóa, lịch sử dân tộc, điều mà những bài học lịch sử, văn chương, nghệ thuật trên ghế nhà trường bấy lâu nay chưa hiệu quả. Đào sâu vào tính dân tộc, tìm cách biểu đạt hấp dẫn, độc đáo mới tiêu thụ được sản phẩm, CNVH Việt Nam mới có chỗ đứng nhằm góp phần "đẩy lùi thời kỳ" người dân Việt thuộc lịch sử, hiểu văn hóa nước ngoài hơn của nước mình.
Sản phẩm CNVH có tiêu thụ được hay không là do nhu cầu thị trường, bên cạnh các sản phẩm có tính dân tộc, người dân có nhu cầu hưởng thụ cả những sản phẩm gắn với trào lưu văn hóa thế giới. Làm ra những sản phẩm có những giá trị chung mang tính nhân loại mới tính đến chuyện xuất khẩu, được thị trường nước ngoài tiêu thụ. Không có cách nào khác ngoài "đi tắt đón đầu" là học hỏi, thậm chí bắt chước những sản phẩm nước ngoài. Không nên quá lo ngại chuyện bắt chước sẽ bị “hòa tan” bởi ý thức dân tộc của nghệ sĩ Việt Nam không bao giờ mất và mọi sự lai căng quá đà đều không được công chúng Việt Nam ủng hộ. Hàn Quốc đi sau Âu Mỹ trong phát triển CNVH nên phải bắt chước, sau đó đã sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa độc đáo khiến chính các nước Âu Mỹ lại phải học theo, như thành công rực rỡ của nhạc pop Hàn Quốc (K-pop), tiêu biểu như bài hát “Gangnam Style” với điệu nhảy ngựa. Đến lượt âm nhạc Việt Nam bắt chước phong cách biểu diễn, trang phục các ngôi sao K-pop cũng là dễ hiểu nhưng nếu nghe kỹ giai điệu, lời ca lại đậm tính dân tộc, thích hợp với bạn trẻ Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà lượt xem nghe mỗi ca khúc V-pop nổi tiếng hiện lên tới hàng trăm triệu lượt người.
Phương tiện, kỹ thuật, ý tưởng có thể “hớt ngọn” nhưng nguồn nhân lực thì cần phải được đào tạo bài bản. CNVH đòi hỏi nhân lực chuyên môn sâu, am tường kỹ thuật, tích hợp chuyên môn nghiệp vụ với kỹ năng kinh doanh, nhạy bén với thị trường. PGS, TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Trường đã mở nhiều mã ngành mới, đào tạo theo nhu cầu xã hội, trong đó có những ngành phục vụ cho CNVH như: Đạo diễn sự kiện và biểu diễn âm nhạc, luật văn hóa, du lịch văn hóa… Kinh nghiệm đào tạo của trường ở những ngành mới chưa có nhiều, để đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho đất nước nhanh chóng, chúng tôi nỗ lực tạo điều kiện, hỗ trợ các sinh viên có năng lực du học. Muốn đẩy mạnh việc này, cần thêm sự hỗ trợ từ cấp trên và cần tuyển chọn thêm ở nhiều cơ sở đào tạo khác”.
Từ nay đến năm 2030, chúng ta có hơn 10 năm để hoàn thành các mục tiêu mà Chiến lược phát triển CNVH đề ra. Vấn đề không phải chỉ là đạt được những con số mà là đánh thức tiềm năng sáng tạo, nuôi dưỡng nhiệt huyết của những người làm nghề thì CNVH Việt Nam mới có bước tiến vững chắc, trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển và tạo ra "làn sóng văn hóa Việt Nam" ra thế giới.
TRẦN HOÀNG HOÀNG