Triển khai còn lúng túng, chậm chạp
Đảng và Chính phủ đã nhận thức rõ về vị trí, vai trò quan trọng của CNVH, đã có chỉ đạo ở tầm chiến lược; tuy nhiên, triển khai nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương chưa có nhiều đột phá, thiếu năng động. Ngay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đã được phê duyệt cũng lúng túng, chậm triển khai. Sau hai năm Chiến lược phát triển CNVH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ VHTT&DL mới ban hành kế hoạch của ngành thực hiện chiến lược với các nhiệm vụ bước đầu là xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức... Một số bộ được Chính phủ giao trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện còn chưa có kế hoạch thực hiện, chứ đừng nói đến hành động cụ thể.
 |
Phố sách Hà Nội thu hút đông đảo người dân tham quan, tìm sách bổ ích. Ảnh: HÀM ĐAN. |
Tình hình xây dựng và phát triển CNVH ở các địa phương cũng không khá hơn. Một trung tâm CNVH hàng đầu đất nước như TP Hồ Chí Minh chưa hoàn thành việc xây dựng đề án phát triển ngành CNVH. Hiện nay, có gần 60 tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch và báo cáo kết quả triển khai, thực hiện chiến lược phát triển các ngành CNVH. Những việc đã làm được về cơ bản không nhiều, tập trung chủ yếu ở các thành phố, như: Mở đường phố sách, phố đi bộ và phố bích họa để làm du lịch và tổ chức hoạt động văn hóa, các nhà hát trình diễn nhiều tác phẩm chất lượng thu hút người xem đạt doanh thu cao… Đọc nhiều báo cáo của các địa phương, chúng tôi không thấy nhiều những hành động mang tính đột phá, mới mẻ. Đáng buồn hơn là nhận thức về CNVH chưa đúng. Chẳng hạn có địa phương “khoe” thành tích đoàn nghệ thuật tỉnh nhà giành được vài huy chương vàng toàn quốc; trong khi việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa ra sao, đổi mới hoạt động và sáng tạo các tác phẩm mới như thế nào để chí ít đoàn nghệ thuật có thể tự chủ tài chính thì không hề được nhắc đến.
Đúng là ở nhiều địa phương còn gặp không ít khó khăn, điều kiện và tiềm lực để phát triển CNVH. Song, địa phương nào mà chẳng có lợi thế nhất định, vẫn có thể lựa chọn một hai ngành CNVH phù hợp, dựa vào những cách làm sáng tạo để nâng cao giá trị kinh tế. TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng: “Cần liên kết nhiều lĩnh vực vào một địa điểm để có thể biến thành một tổ hợp CNVH. Chẳng hạn, khai thác di sản văn hóa dân gian để làm du lịch văn hóa; đồng thời lại tập trung trồng các loại hoa quả hàng hóa để sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch, giúp du khách trải nghiệm cuộc sống của một người nông dân thực thụ. Nơi vui chơi, nghỉ dưỡng cần sử dụng tiến bộ kiến trúc để xây dựng hài hòa, thân thiện với môi trường thiên nhiên và chính các công trình kiến trúc sẽ lại là điểm nhấn thu hút du khách. Địa phương chỉ cần dồn hết tâm sức xây dựng một điểm du lịch văn hóa, sinh thái “ra hồn” chắc chắn sẽ thu hút được du khách gần xa”.
CNVH là lĩnh vực mới mẻ, chính vì thế các bộ, ngành địa phương cần vừa làm, vừa học với một tinh thần cầu thị, quyết tâm, đổi mới và sáng tạo. Phát triển CNVH không phải theo kiểu “làm cho có” để cuối năm báo cáo, mà thực sự nếu có hướng đi đúng đắn và cách làm đổi mới sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho các ngành và địa phương.
 |
Công trình kiến trúc cầu Vàng do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng trở thành điểm du lịch hấp dẫn tại Đà Nẵng. Ảnh: PHI YẾN. |
"Bơi trong ao làng"
Đi đầu tạo chuyển biến, đạt thành tựu trong CNVH phải ghi nhận nỗ lực của các đơn vị tư nhân. Các con số thống kê về quy mô, lợi nhuận ở các ngành CNVH hiện chưa đầy đủ, tạm nhìn con số thống kê của ngành điện ảnh trong năm 2017 có thể thấy khối tư nhân đã làm được nhiều việc: 461/466 hãng phim là của tư nhân; 69/105 phim được cấp phép phát hành là của tư nhân, đóng góp chủ đạo vào doanh thu 3.250 tỷ đồng toàn ngành. Ngay cả khi không có những con số thống kê, chỉ cần quan sát thị trường có thể thấy một số lĩnh vực đã lớn mạnh theo thời gian, như: Xã hội hóa sân khấu kịch nói, hàng loạt công ty âm nhạc đã đưa nhạc Việt được hâm mộ không kém nhạc nước ngoài, xây dựng công trình như cầu Vàng (Đà Nẵng) thu hút khách du lịch…
Tuy nhiên, kết quả nêu trên vẫn chưa làm người hoạt động trong ngành CNVH hài lòng. Có người ví von CNVH Việt Nam đang “bơi trong ao làng”, nghĩa là đang trong quá trình nỗ lực hoàn thiện tiến tới chuyên nghiệp, vẫn đang cố gắng chiếm lĩnh thị trường trong nước, chuyện xuất khẩu CNVH đang dừng lại là mơ ước. Sự thiếu chuyên nghiệp thấy rõ ở tất cả các ngành, ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất: Điện ảnh thiếu kịch bản chất lượng vì nhà văn ở nước ta nhiều nhưng không mấy người biết viết kịch bản phim ăn khách; chưa có đơn vị làm sách có phần mềm quản lý bản thảo để đẩy nhanh quy trình sản xuất…
Tính từ mốc những công ty như Cát Tiên Sa, BHD, Phương Nam… ra đời hoặc cổ phần hóa ở thập niên 1990, trong vòng 20 năm trôi qua vậy mà những công ty được xem là hàng đầu kinh doanh văn hóa, giải trí vẫn phải tiếp tục sản xuất nhiều sản phẩm nhỏ lẻ nhằm tích lũy vốn thực hiện những dự án lớn. Đi xem phim Việt, nếu tinh ý có thể thấy một bộ phim có tới 4-5 nhà sản xuất bởi lẽ không mấy nhà sản xuất có đủ tiềm lực để làm trọn gói một bộ phim, phải chung tiền đúng kiểu “lời cùng ăn, lỗ cùng chịu”. Thiếu vốn, thiếu sự hỗ trợ trên nhiều phương diện dẫn đến CNVH Việt Nam phát triển chậm, chưa thể tạo ra các “làn sóng” mang bản sắc văn hóa Việt Nam lan tỏa ra thế giới.
Thiếu các yếu tố hỗ trợ như mạng lưới không gian sáng tạo, đào tạo nhân lực chuyên môn khiến CNVH Việt Nam chưa có nền tảng vững chắc để vươn vai lớn mạnh. Mạng lưới không gian sáng tạo hiện nay đã tăng khoảng 3 lần (ước tính hiện nay có hơn 150 không gian sáng tạo) trong 4 năm trở lại đây nhưng chưa có đủ sức để trở thành các tổ hợp sáng tạo chất lượng cao. TS Nguyễn Phương Hòa, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTT&DL cho biết: “Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, các tổ hợp sáng tạo ở các thành phố lớn chính là những hạt nhân quan trọng giữ vai trò trung tâm nơi khởi nguồn các sáng kiến chất lượng cao, có ảnh hưởng lan tỏa đến các tổ hợp sáng tạo ở các thành phố nhỏ và vùng nông thôn. Vì vậy, thời gian tới, Bộ VHTT&DL sẽ có nhiều giải pháp phát triển không gian sáng tạo chất lượng gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại các địa phương”.
(còn nữa)
TRẦN HOÀNG HOÀNG