Không ít người lâu nay quan niệm văn hóa là lĩnh vực “tiêu tiền”, cần cắt giảm mỗi khi Nhà nước thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Sự ra đời và lớn mạnh của CNVH chứng minh đây là lĩnh vực tạo ra siêu lợi nhuận; quan trọng hơn là góp phần bảo vệ và phát huy văn hóa cho các quốc gia.
Một ngành kinh tế đặc biệt
Có rất nhiều định nghĩa, quan điểm khác biệt cùng tồn tại về nền CNVH và các ngành CNVH. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay nhận thức về CNVH tương đồng với định nghĩa của UNESCO đưa ra năm 2007, đó là: “CNVH là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất những sản phẩm và dịch vụ dựa vào tri thức”. Từng quốc gia định nghĩa có thể khác nhau nhưng thống nhất khi nhận diện một sản phẩm CNVH hội tụ bốn yếu tố: Tính sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Trong đó, tính sáng tạo được đề cao nhất, cho nên ở một số quốc gia không gọi là CNVH mà gọi là công nghiệp sáng tạo.
 |
“Hai Phượng” (2019) trở thành phim ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam khi đầu tư sản xuất hơn 20 tỷ đồng thu về hơn 200 tỷ đồng. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp. |
Ở Việt Nam, Chính phủ xác định nền CNVH Việt Nam có 12 ngành chủ chốt: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công, mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Con người tạo ra sản phẩm văn hóa (SPVH) từ buổi bình minh nhân loại nhưng để SPVH trở thành sản phẩm công nghiệp phải bắt đầu từ giữa thế kỷ 20. Nhân loại đã đổi mới nhận thức về SPVH mang tính chất tinh thần cao đẹp, đồng thời cũng là một loại hàng hóa; nghĩa là phải quan tâm đến vấn đề lợi nhuận, sản xuất, dịch vụ, lưu thông, tiêu dùng... Khoa học kỹ thuật và thị trường phát triển mạnh mẽ kích thích SPVH được sản xuất nhiều hơn, phổ biến mạnh mẽ hơn, sinh ra nhiều lợi nhuận hơn. Các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp bắt đầu thực hiện quy trình chuyên nghiệp, bên cạnh vận dụng vốn văn hóa để sáng tạo, họ phải có kỹ năng kinh doanh để SPVH trở thành hàng hóa “ăn khách”.
CNVH không phải là một phong trào nhất thời mà là một sản phẩm tất yếu của thời đại, một ngành kinh tế đặc biệt. Không chú trọng phát triển CNVH, Việt Nam lỡ mất cơ hội hội nhập với văn hóa và kinh tế thế giới.
Làm nên "sức mạnh mềm" cho các quốc gia
Năm 1993, kinh phí sản xuất bộ phim “Công viên kỷ Jura” (Mỹ) chỉ là 63 triệu USD nhưng đã mang lại doanh thu khổng lồ 1,029 tỷ USD, tương đương lợi nhuận 500.000 chiếc xe ô tô của hãng Huyndai (Hàn Quốc). Chính phủ Hàn Quốc “giật mình”, quyết tâm phát triển mạnh mẽ CNVH bằng việc thực thi một loạt chính sách đồng bộ, triển khai khẩn trương nên đã tạo ra “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) với đại diện là phim ảnh, thời trang, ca nhạc… Sau hơn 20 năm, CNVH đã trở thành động lực của nền kinh tế xứ sở Kim chi khi đóng góp gần 9% trong tổng số GDP lên tới hơn 1.500 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 16% mỗi năm. Ở các quốc gia khác, CNVH cũng đều đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế: Thu về 26 tỷ Bảng Anh chiếm 10,6% xuất khẩu, cung cấp hơn hai triệu việc làm tại Vương quốc Anh; chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế Nhật Bản, thu hút 5% nhân công lao động toàn quốc; chiếm tỷ trọng 7,2% GDP của Indonesia…
CNVH bản chất là công nghiệp “không khói” không gây tác động lớn đến môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên vô tội vạ. Lợi ích của CNVH còn giúp nền kinh tế các quốc gia linh hoạt tái cơ cấu, giữ vững ổn định. Ngay cả các sản phẩm cũ nhờ công nghiệp bản quyền trợ giúp sẽ tiếp tục sinh lời như tất cả các sản phẩm liên quan đến chú mèo máy giả tưởng Doraemon ra đời từ năm 1969 đến nay đã thu về hơn 5,592 tỷ USD; con số trên chưa dừng lại khi bộ phim mới nhất về Doraemon vẫn gây ra cơn sốt vé, thu về hơn 83 triệu USD.
CNVH còn trực tiếp mang lại uy tín, tạo ra “sức mạnh mềm” cho các quốc gia. Chúng tôi từng thắc mắc vì sao nhiều quốc gia Âu Mỹ lại tổ chức nhiều sự kiện về kinh tế, giáo dục chứ ít khi tổ chức sự kiện về văn hóa ở Việt Nam? Một nhà báo kỳ cựu theo dõi mảng văn hóa lý giải: “Cần gì phải tổ chức hoạt động quảng bá văn hóa khi mà hơn 80% phim chiếm rạp sản xuất ở Hollywood, ca nhạc thì ngập tràn tiếng Anh, tiếng Pháp...”. SPVH được phổ biến rộng rãi mang theo lối sống, hàng hóa Âu Mỹ tràn nhập, tạo ra một cuộc “xâm lăng văn hóa” theo nghĩa đen. Hàn Quốc học lại mô hình trên và thực hiện bài bản, mang lại thành công lớn khi điện ảnh, ca nhạc, thời trang đi trước tạo niềm tin để người dùng lựa chọn ô tô, thiết bị điện tử dán nhãn “Made in Korea”.
Các quốc gia khi phát triển CNVH đều phải khai thác vốn văn hóa dân tộc, gián tiếp góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống một thiết thực, hiệu quả. Trung Quốc, Hàn Quốc làm rất nhiều loại phim cổ trang khiến họ phải nghiên cứu văn hóa lịch sử từng thời kỳ; số hóa tài liệu liên quan đến trang phục, dụng cụ cổ xưa… Đoàn làm phim nào có nhu cầu chỉ cần tra cứu tài liệu số hóa là có thể phục dựng không mất nhiều thời gian. Thái Lan đề ra chương trình “mỗi làng nghề, một sản phẩm” (OTOP) đã bảo tồn nghề thủ công truyền thống, tạo ra hàng hóa để xuất khẩu và phục vụ du lịch. Một khi văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy tốt sẽ khơi dậy trong người dân, nhất là thế hệ trẻ biết yêu, biết quý trọng văn hóa dân tộc, quê hương đất nước, tăng sức đề kháng trước những cuộc “tấn công quyến rũ” của văn hóa ngoại lai.
Bước sang kỷ nguyên 4.0, CNVH chắc chắn sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn, thiết lập những thành tựu mới. Chẳng hạn, nhờ Dữ liệu lớn (Big data) các nhà sản xuất phim nắm chắc xu hướng xem phim của đại chúng, từ đó dùng trí tuệ nhân tạo để tạo ra kịch bản phim hợp “khẩu vị”, phát hành không chỉ hệ thống rạp truyền thống mà còn trên môi trường internet. Mới nhất, bộ phim khép lại loạt phim về biệt đội siêu anh hùng (“Avengers: Endgame”) phát hành ngày 26-4-2019, sau hơn hai tuần thu về 2,489 tỷ USD, tương đương một ngành sản xuất của một quốc gia trong năm. Lợi ích to lớn, nhiều mặt của CNVH không còn phải bàn cãi. Cho nên, sẽ không quá lời khi nhận xét về vai trò của CNVH, chuyên gia tư vấn quản trị hàng đầu thế giới Peter Drucker đánh giá: “Đó là trận chiến cuối cùng và cũng là yếu tố quyết định quốc gia giành chiến thắng trong thế kỷ 21”.
(còn nữa)
TRẦN HOÀNG HOÀNG