Phóng viên (PV): Được tiếp sức từ mạng xã hội (MXH), những hành vi lệch chuẩn của một số cá nhân lạm dụng danh xưng “nghệ sĩ”, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của các nghệ sĩ đang hoạt động chân chính. Tuy nhiên, vì sao chưa có một cơ quan quản lý hay một chế tài nào cụ thể “tuýt còi” về những mạo danh này, thưa ông?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Với những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, có thể nói hai tiếng “nghệ sĩ” rất thiêng liêng, gắn với sự nghiệp họ đam mê, phấn đấu và thậm chí cống hiến cả cuộc đời. Nghệ sĩ phải gắn liền với quá trình hoạt động nghề, thành tích đạt được, trình độ chuyên môn và chuẩn đạo đức.
 |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông. |
Tuy nhiên, gần đây, có nhiều thông tin, bình luận nhắc đến nghệ sĩ gắn với những điều tiêu cực, phản cảm. Chúng ta cần phải khẳng định đó chỉ là những hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Tôi cũng muốn nói thêm, truyền thông cần có sự thận trọng, cân nhắc trong việc sử dụng danh xưng, giật tít, bởi cũng có nhiều trường hợp ngộ nhận: Không phải ai đứng hát trên sân khấu đều gọi là ca sĩ; ai xuất hiện trong một vai diễn quần chúng trong phim cũng trở thành nghệ sĩ... Không thể để công chúng, khán giả mãi bị tra tấn bởi hết “thảm họa âm nhạc” này đến “thảm họa sân khấu, thời trang” khác.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, xảy ra các hiện tượng lệch chuẩn, các hành vi tiêu cực trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật thì các biện pháp, quyết định của các cơ quan chức năng thuộc bộ luôn đi sau dư luận cũng như phản ánh của báo chí, truyền thông. Ông nghĩ sao về nhận định này? Các cơ quan quản lý cần làm gì để có thể ngăn chặn những hành vi đó từ sớm, từ xa?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Trong quản lý nhà nước, đây là lĩnh vực có sự đan xen của nhiều bộ, ngành. Ví dụ như Bộ VHTTDL quản lý về mặt nội dung, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý về mặt kỹ thuật, quản lý mạng; Luật An ninh mạng thuộc trách nhiệm Bộ Công an xử lý... Do đó, căn cứ vào trách nhiệm, mỗi bên đều nhìn thấy những lỗ hổng cả về pháp lý và kỹ thuật để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện thêm trong quản lý.
Hiện tại, đối với những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL thì có thể có những chế tài, giải pháp cụ thể quản lý về nội dung và nhân thân nghệ sĩ. Chúng tôi cũng khuyến nghị chung các nghệ sĩ, những người tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phải có ứng xử chuẩn mực, không vi phạm đạo đức. Bộ VHTTDL đang dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ hoạt động nghề nghiệp trong xã hội và trên MXH, với tinh thần giác ngộ, tự nguyện làm theo của các nghệ sĩ. Mục đích cao nhất là mong muốn sẽ có nhiều tấm gương tốt, nhiều hình ảnh đẹp ngày càng lan tỏa, được cộng đồng, xã hội ghi nhận.
 |
Với tài năng và sáng tạo, nghệ sĩ Việt Nam đã dàn dựng được những vở diễn nhạc kịch kinh điển của thế giới, như vở "Những người khốn khổ".Ảnh: VIỆT LAM |
PV: Một trong những lưu ý mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại buổi làm việc với Bộ VHTTDL vừa qua, đó là thực trạng “văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đã xuống cấp”. Tình trạng bát nháo trong giới showbiz, loạn danh trong một bộ phận nghệ sĩ hiện nay là tác nhân tác động trực tiếp đến thực trạng đó. Chấn chỉnh điểm nghẽn này cũng là để góp phần làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa, nghệ thuật, nuôi dưỡng và vun đắp nhân cách con người Việt Nam. Liệu đã đến lúc cần có những luật cụ thể để đủ sức răn đe với những hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn, thưa ông?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Bộ VHTTDL đã nhiều lần kiến nghị những xử phạt của ngành văn hóa phải tăng, nghiêm khắc hơn để tạo tính răn đe mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực. Nếu nói về lĩnh vực biểu diễn, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, có hiệu lực từ ngày 1-2-2021 nêu rõ những xử lý. Bộ VHTTDL theo dõi rất sát, cùng địa phương để có những phản ứng nhanh, kịp thời, kiên quyết chấn chỉnh, kiểm tra với các hành vi không chuẩn mực. Có nhiều tình huống, việc đổ lỗi cho các bên chưa kịp thời là chưa đúng. Nhưng cũng có nhiều việc cần thời gian xử lý nên có độ trễ hơn. Độ trễ trong xử lý còn do một số vấn đề chưa cương quyết xử lý và chịu áp lực dư luận giữa cái đúng-sai.
Thời gian hội nhập, tính dân tộc, tính quốc tế rất mạnh, dẫn tới nhiều tình huống mới, nhiều quan hệ xã hội mới, quan hệ xã hội cũ biến đổi nên có nhiều sự dịch chuyển khái niệm. Do đó, các nhà quản lý phải rất nhạy cảm, tìm “điểm nghẽn”, vấn đề phát sinh nổi trội để xử lý. Lĩnh vực nào chưa có luật nếu có đủ điều kiện phải nghiên cứu, tham mưu, xây dựng luật để quản lý, chưa có văn bản hướng dẫn phải hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu và minh bạch và mang tính dài hơi.
Dự kiến, năm 2023, sau khi có thời gian thực thi, đưa ra phương án tốt nhất, chúng tôi đề xuất xây dựng luật về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Hy vọng đây là bước tiến mới, tác động mạnh đến các thành phần xã hội, khuyến khích họ tham gia và làm đúng luật, giải quyết nhiều bất cập trước đây.
PV: Nếu nói quản lý ứng xử đạo đức của những "người của công chúng" là bài toán khó, vậy cần có những điều kiện gì để giải bài toán này, hạn chế và tiến tới loại bỏ nhằm làm trong sạch môi trường hoạt động văn hóa, nghệ thuật?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Để làm được điều này, đầu tiên phải làm từng khía cạnh. Một nghệ sĩ hay không nghệ sĩ cũng là con người, vẫn nằm trong mối quan hệ cơ sở là một gia đình, xã hội, đồng nghiệp. Do đó, khi chuẩn mực đạo đức được phủ khắp nơi, ở từng khía cạnh trong xã hội, người nghệ sĩ sẽ phải tuân theo và điều chỉnh bản thân theo đạo đức, chuẩn mực ấy. Hơn hết, việc giáo dục trong gia đình, trong trường học làm tốt, nhân cách nghệ sĩ được hình thành từ tấm bé, tạo ra nền tảng vững chắc về đạo đức, giúp họ có ứng xử chuẩn mực. Điều ấy dễ hơn rất nhiều so với việc điều chỉnh một người đã trưởng thành. Tuy nhiên, dù khó, Bộ VHTTDL một mặt vẫn phải tiến hành điều chỉnh, uốn từng cành mọc lệch, nhưng vẫn phải chú trọng “tưới tắm” gốc cây để cây dần dần xanh tốt, có sức sống mạnh mẽ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
VƯƠNG HÀ - THU HÀ (thực hiện)