Điều đáng buồn là nhiều nghệ sĩ sáng giá qua mấy chục năm lăn lộn trong nghề cũng dễ dãi với tên tuổi do mình gây dựng khi tiếp tay cho hoạt động quảng cáo sai sự thật, phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội (MXH) gây bất bình, mất niềm tin với công chúng. Với mong muốn góp phần tìm ra nguyên nhân lý giải tình trạng này, cũng như nêu lên những việc làm cần thiết để chấn chỉnh lối ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận nghệ sĩ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã gặp gỡ, trao đổi với một số chuyên gia, nhà quản lý văn hóa.

Những ồn ào, tranh cãi liên quan đến sự thiếu chuẩn mực trong một bộ phận "người của công chúng" đã ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh nghệ sĩ. Để góp phần lý giải những vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn. 


Những biểu hiện khác thường, xa lạ với văn hóa Việt


Phóng viên (PV): Những danh xưng như “vua hài”, “ông hoàng nhạc vàng”, “nữ hoàng nhạc trẻ”, “diva”... khiến nhiều người nổi tiếng ngộ nhận, huyễn hoặc về mình. Hiện tượng “vàng thau lẫn lộn” này đang làm đảo lộn giá trị danh xưng nghệ sĩ, gây tâm lý hoang mang trong công chúng. Ông lý giải như thế nào về những vấn đề này?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Người nổi tiếng là người được công chúng biết đến một cách rộng rãi. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, người nổi tiếng theo nhiều con đường khác nhau. Có người nổi tiếng bất thình lình chỉ sau một vài ngày, trường hợp Lệ Rơi là một ví dụ. Cũng có người nổi tiếng do phương tiện truyền thông, MXH lăng xê khi làm những điều kỳ lạ, khác thường, kích thích sự tò mò của mọi người...

Trước kia người nổi tiếng có sự quan tâm của công chúng bằng tài năng, sự hy sinh và cống hiến của mình đối với xã hội nhưng nay lại không hoàn toàn như vậy. Nhiều người không có tài năng, nhưng họ có chiêu trò bất bình thường để tạo ra sự nổi tiếng. Hiện tượng này cũng đang tác động đến những nghệ sĩ. Chính vì vậy nhiều nghệ sĩ cũng đã lạm dụng những chiêu trò để tạo sự nổi tiếng cho mình, điều đó dẫn đến những lệch chuẩn xã hội.

Để trở thành nghệ sĩ múa chuyên nghiệp, các tài năng phải khổ luyện từ 6 đến 10 năm mới có thể biểu diễn trên sân khấu. Ảnh: VIỆT LAM


PV:
Có thể thấy, hiện tượng này không đơn lẻ mà dường như trở thành trào lưu khi nhiều "người của công chúng" đua nhau khoe tài sản, đánh bóng tên tuổi và cuộc sống đời thường của họ trên MXH, rồi những phát ngôn, lạm dụng tên tuổi để quảng cáo sai sự thật, trục lợi... Hiện tượng đó diễn ra khá nhiều, nhưng vì sao chúng ta lại lúng túng trong việc đối phó, ngăn chặn?


PGS, TS Bùi Hoài Sơn:
Từ bao đời nay, người Việt Nam luôn đề cao tinh thần, vai trò tập thể, tính cộng đồng. Chúng ta thấy trong lịch sử, những tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật hiếm thấy đề tên người cụ thể, đa phần là khuyết danh. Còn ngày nay, nhiều người coi trọng lợi ích cá nhân của mình hơn, coi nhẹ lợi ích cộng đồng, coi nhẹ ý kiến người khác, ý kiến tập thể. Rất nhiều người lên MXH để nói, thông tin, chia sẻ những gì thích mà không cần để ý đến ý kiến, tâm trạng của người khác. Điều đó tạo ra những xung đột giữa giá trị truyền thống với những giá trị khác trong xã hội.

Khi truyền thông mới ra đời, con người không ý thức được hết tác dụng và tác hại của nó, khiến không ít người bị máy móc chi phối, dẫn đến những lúng túng trong đối phó. Đây là câu chuyện xảy ra trên toàn thế giới, không riêng gì Việt Nam. Cùng với đó, khi hội nhập quốc tế, chúng ta đã tận dụng phương tiện truyền thông để quảng bá tinh hoa văn hóa ra thế giới, đồng thời cũng tiếp nhận tinh hoa của thế giới làm giàu cho văn hóa người Việt Nam. Tuy nhiên, gió vào nhà thì có “gió lành” và “gió độc”. Trong số đó có rất nhiều làn gió mới chúng ta không lường trước và không chọn lọc được. Nếu chúng ta không hiểu được bản chất của lối sống nước ngoài, văn hóa nước ngoài thì khi vào Việt Nam sẽ trở nên kệch cỡm, không phù hợp. Những câu chuyện như thế tác động đến văn hóa của Việt Nam, tác động đến giới trẻ Việt Nam, ảnh hưởng đến câu chuyện hình tượng nghệ sĩ, câu chuyện hâm mộ người nổi tiếng. Từ đó họ muốn bắt chước người nổi tiếng, tìm mọi cách để trở thành người nổi tiếng.

Thiếu chuyên nghiệp, nghệ sĩ chạy vòng quanh


PV: Những sự việc liên quan đến MHX gắn với nghệ sĩ thời gian qua khiến khán giả có những nghi ngại, thậm chí có cảm giác bị lừa, bởi lâu nay họ gửi gắm niềm tin cũng như sự ngưỡng mộ vào "thần tượng"?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Thực tế nghệ sĩ của chúng ta hiện nay làm việc chưa thực sự chuyên nghiệp. Ở đây, chúng ta phải hiểu từ “chuyên nghiệp” theo nghĩa đầy đủ của nó. Hoạt động nghệ thuật không chỉ là chuyên môn mà còn là kỹ năng như phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và chính bản thân mình. Các nghệ sĩ ở ta đa phần chưa hiểu biết đầy đủ về kỹ năng kinh doanh, thiếu kỹ năng xây dựng thương hiệu bản thân. Điều này dẫn đến việc: Nhận quảng cáo cho một sản phẩm, nhiều khi họ không quan tâm đầy đủ đến khía cạnh pháp lý liên quan đến mặt hàng đó, bởi vậy gặp không ít sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân. Sự thiếu chuyên nghiệp cùng với những phức tạp đến từ các hình thức nghệ thuật mới, phương tiện truyền thông mới, nghệ sĩ không được bồi đắp về kiến thức lại thiếu nhận thức, nên khi có sự đổi mới họ chạy vòng quanh và hỗn loạn.

PV: Một số biện pháp chấn chỉnh từ các cơ quan chức năng đưa ra liệu có ngăn chặn được hiện tượng người nổi tiếng lạm dụng danh hiệu, lạm dụng MXH khiến hoạt động nghệ thuật, giải trí thiếu lành mạnh không, thưa ông?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Môi trường MXH, trước là ảo, là vô danh, nhưng thực tế hiện nay hệ lụy của MXH thật đến mức có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người. Nghệ sĩ, người nổi tiếng trước khi trở thành người của công chúng, họ là những con người bình thường. Nhưng khi lên MXH, họ không nhận thức được mình là người của công chúng, nhầm lẫn vai trò của họ-là nghệ sĩ cần phải là tấm gương trong xã hội, cần có ứng xử phù hợp để định hướng chân-thiện-mỹ tới công chúng qua các tác phẩm nghệ thuật đích thực, mà lại nghĩ mình là người bình thường có thể thích nói gì thì nói, nói những điều bất bình thường, thậm chí là phản cảm thì tự họ đã làm mất đi giá trị, sứ mệnh “người của công chúng”. Trường hợp nghệ sĩ Đức Hải bị dư luận xã hội lên án vừa qua là một ví dụ.

Về mặt bản chất, chế tài phải có ở tất cả những nơi nào có hoạt động của con người. MXH cũng là một không gian cần có chế tài. Tuy nhiên, rất nhiều MXH không phải của Việt Nam, không phải của người Việt Nam sở hữu. Chính vì thế, chúng ta chưa có những hình thức kiểm duyệt nhất định, thậm chí không thể kiểm duyệt hết được hành vi trên MHX. Một trong những nhiệm vụ của chúng ta là phải có những chế tài, luật pháp đầy đủ, phù hợp hơn với môi trường mạng. Do đó việc ra đời Bộ Quy tắc ửng xử trên MXH do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mới ban hành là rất cần thiết, dù hơi muộn. Cùng với đó là những văn bản chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ được Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh; văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương, các hội nghề nghiệp phối hợp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sai sự thật của các nghệ sĩ... hy vọng sẽ góp phần làm trong lành môi trường MXH, môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là những giải pháp căn cơ. Nhận thức vẫn là điều quan trọng nhất. Chúng ta phải có áp lực dư luận đủ lớn, truyền thông góp sức tích cực nhất trong vấn đề này để tuyên truyền cho họ không muốn, không dám và không cần làm những chuyện như vậy. Thứ nữa là bài học làm gương. Nghệ sĩ, người của công chúng cần phải làm gương để định hướng đạo đức cho người hâm mộ, cho xã hội bằng những việc tốt, lan tỏa câu chuyện tốt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa)

VƯƠNG HÀ - THU HÀ (thực hiện)