Dịp này, tôi đưa con trai về quê. Cậu bé sinh ra ở phố. Con trâu, đồng lúa, cánh diều chỉ nhìn qua trang sách hay màn hình ti vi; khi thấy những hình ảnh ấy ngoài đời thực, cậu reo lên sung sướng. Đồng bãi, cây cỏ miên man chẳng biết đâu mà gọi tên, hoa quả hoang dại không biết thứ gì ăn được. Men theo bờ mương, những ngọn rau muống bò loang ra. Có người đã hái, từ các kẽ lá nảy thêm những mầm mới xanh nõn nà. Tôi kể cho con nghe lời dặn của ông nội: Cứ cấu ngọn đi thì rau muống sẽ đâm ra nhiều ngọn mới khỏe khoắn, xanh non hơn. Con người cũng vậy, nếu tích cực làm việc thì đầu óc sẽ vận động, suy nghĩ minh mẫn và sáng tạo ra nhiều cái mới, như thế là hữu ích. Người già còn nghĩ vậy thì người trẻ sao không cố gắng làm việc cơ chứ?
 |
Minh họa: baodaklak.vn |
Đi dưới thảm cỏ xanh, con trai reo lên sung sướng khi nhìn thấy con châu chấu. Đôi cánh mỏng mảnh, cũn cỡn, xanh non tựa chiếc lá cỏ mềm. Thấy bước chân người, châu chấu vội lẩn vào vạt cỏ tre. Cu cậu hồn nhiên: “Bố ơi, con không thấy con châu chấu đâu nữa”. Tôi mỉm cười, nói với con trai: “Con thấy không, nhỏ bé như loài cào cào, châu chấu cũng biết ngụy trang để tránh làm mồi cho những loài khác. Thân chúng có màu xanh để lẫn vào cỏ cây. Côn trùng cũng biết hòa mình vào thiên nhiên, dựa vào môi trường để tồn tại. Thế nên thuận theo tự nhiên, chan hòa với môi trường thì sẽ sống khỏe. Con hãy trồng thêm cây xanh, hít thở không khí trong lành sẽ thấy khoan khoái dễ chịu hơn rất nhiều”.
Sống ở làng thật nhiều thú vị. Tâm hồn trẻ thơ non nớt của cậu bé chưa thể cảm nhận được hết mọi điều ẩn chứa trong từng thớ đất, mầm cây. Này nhé, đầm sen trước cánh đồng chùa ngan ngát đưa hương làm thơm gió mới. Sen nhọc nhằn vươn lên từ bùn tanh để dâng cho đời mùi hương thanh khiết. Con người trong gian khó nhưng biết phấn đấu vươn lên, giữ gìn phẩm hạnh ắt sẽ được kính trọng, vị nể. Còn đây, nhánh lúa chắt chiu dưỡng chất tháng ngày để kết tinh thành hạt thóc. Lúa trổ bông thẳng đứng đầy ngạo nghễ. Thế nhưng khi vàng óng, bông lúa cúi đầu uốn cong như cần câu. Càng về già, độ lắng càng sâu, bông lúa dạy chúng ta bài học khiêm nhường, hãy biết lắng nghe và chia sẻ. Người dân quê vẫn thường hay chê những đám lúa lốp, bông bạc, ít thóc. Ấy là những cây lúa được bón nhiều phân, ở nơi đất tốt quá, thân phì ra, bông lúa ngắn, hạt lép nhiều. Thế nên, người sống trong nhung lụa cũng chưa hẳn là đã tốt. Có trải qua cay đắng mới thấm ngọt bùi, có qua vất vả, khó khăn mới rèn nghị lực, ý chí vươn lên. Hạt gạo quê hương còn dạy ta bài học về sự rèn giũa: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông...”.
Cậu bé có vẻ chăm chú lắng nghe. Thì ra đồng đất quê hương giản dị thôi nhưng ấp ủ bao điều về lẽ sống, nhân sinh!
VŨ ĐỨC NAM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.