Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ khoa học (TSKH) Phan Đình Tân, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

TSKH Phan Đình Tân. 


Phóng viên (PV):
Thưa ông, hiện tượng một số người của công chúng có những hành vi lệch chuẩn văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trên MXH và cả ngoài đời thực. Liệu có phải môi trường MXH dễ dãi đến mức tạo điều kiện cho những hành vi ấy?


TSKH Phan Đình Tân: Thực ra những hiện tượng này trước nay đã có. Tuy nhiên, nhờ internet, MXH chúng ta có được thông tin về vấn đề này nhiều hơn, nhanh hơn. Những hoạt động livestream nói xấu, bôi nhọ danh dự người khác, những hoạt động làm từ thiện vì mục đích khác nhau, phát ngôn thô tục trên không gian mạng cho thấy sự lệch pha giữa mặt bằng tri thức, sự giáo dục với sự nổi tiếng. Đôi khi sự nổi tiếng đến trước khi có một tri thức đầy đủ trong xã hội.

Mặt khác, công chúng đôi khi quá kỳ vọng vào những người này, coi cái gì họ nói, họ làm cũng chuẩn, nên khi xảy ra việc gì đó sẽ thất vọng và coi họ là người xấu. Nhìn nhận con người phải nhìn cả hai phía, tích cực và tiêu cực, cùng thái độ độ lượng, nhân từ để tha thứ những điều không thuộc về bản chất. Đôi khi đó chỉ là sự sai lầm, mà trong cuộc sống ai chẳng đôi lần mắc phải.

 Danh hiệu NSND, NSƯT là mục tiêu phấn đấu trong sự nghiệp làm nghệ thuật của các nghệ sĩ và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm.Ảnh: VIỆT LAM


PV:
Nhiều ý kiến cho rằng, đang có khoảng trống trong ràng buộc trách nhiệm của nghệ sĩ với xã hội. Nhất là những nghệ sĩ tự do, hoạt động của họ gần như không có sự ràng buộc bởi một cơ quan quản lý nhà nước nào, nên họ “thích làm gì thì làm”. Ông nghĩ sao về điều này?


TSKH Phan Đình Tân: Tôi đồng ý là đang có lỗ hổng trong công tác quản lý đội ngũ nghệ sĩ hoạt động tự do. Thực tế là chúng ta đang quản lý những người trong diện quản lý, còn thả lỏng những người không trong diện quản lý. Do đó, trong các hoạt động nghề nghiệp của những nghệ sĩ tự do, rất ít có sự ràng buộc trách nhiệm với xã hội, chỉ có thể mong họ hợp tác. Cùng với lỗ hổng về tri thức cuộc sống, những “đỏng đảnh” của giới nghệ sĩ khi đang nổi tiếng, thu hút đông người hâm mộ, họ tự cho mình quyền làm mọi thứ, quyền “định hướng” công chúng... Rõ ràng nhận thức xã hội của một bộ phận nghệ sĩ đang có vấn đề, nhất là khi nhận thức và trách nhiệm của họ không tỷ lệ thuận với sự nổi tiếng. Tuy nhiên, họ phải hiểu công chúng có vai trò rất quan trọng với họ. Sự quay lưng của công chúng là một hình phạt lớn hơn mọi hình phạt.

PV: Với những lùm xùm đang xảy ra quanh giới nghệ sĩ, chúng ta có nên đặt vấn đề văn hóa ứng xử của những người công chúng, người nổi tiếng để chấn chỉnh không, thưa ông?

TSKH Phan Đình Tân: Đây là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, không phải là vấn đề có thể chấn chỉnh một sớm một chiều, càng không phải vấn đề của riêng một cơ quan quản lý nào, mà của toàn bộ hệ thống xã hội. Để đạt được điều đó, chúng ta phải xây dựng chuẩn giá trị từ việc giáo dục. Việc giáo dục bắt nguồn từ gia đình, nhà trường đến công sở. Khi những người lớn tuổi hơn, người có địa vị cao chưa làm đúng vai trò nêu gương thì đừng đòi hỏi người dưới phải chuẩn mực.

Để tạo điều kiện cho nghệ sĩ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong xã hội thì chúng ta cần phải có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với văn nghệ sĩ. Tôi nghĩ rằng, các hội nghề nghiệp chính là tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp này. Làm được như thế, chúng ta mới tạo ra định hướng đúng đắn, tốt đẹp cho hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, để chấn chỉnh những chuyện này, chúng ta phải cùng nhau. Trong đó, báo chí, truyền thông đóng vai trò không hề nhỏ. Báo chí phải công tâm, khách quan trong công tác tuyên truyền.

PV: Theo ông, những phát ngôn, hành xử trên MXH có thể là một thước đo, yếu tố quan trọng để đánh giá, xét tặng những danh hiệu nghề nghiệp cao quý như NSND, NSƯT?


TSKH Phan Đình Tân: Việc phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND là một quá trình, trong đó xét đến nhiều yếu tố. Tất nhiên, những thành tựu nghề nghiệp đạt được là vô cùng quan trọng nhưng các yếu tố khác như chuyên môn, trách nhiệm nghề nghiệp, các vấn đề liên quan đến đạo đức cũng luôn luôn được xem xét qua các hội đồng, các cấp khác nhau. Sau đó, chúng ta cũng đã lấy ý kiến rộng rãi của công chúng. Điều đó cho thấy, việc xét tặng là một quá trình rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ, theo đúng quy định.

Trước khi xét tặng danh hiệu, danh sách các nghệ sĩ được công khai trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, khi xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên khiến chúng ta đặt câu hỏi, liệu việc lấy ý kiến đã đủ rộng rãi, khách quan chưa, danh sách công khai đã đến tất cả những người cần lấy ý kiến chưa. Và khi có được ý kiến đầy đủ, rộng rãi, khách quan thì chúng ta sẽ có thêm cơ hội lựa chọn được đúng người, đúng danh hiệu.

PV: Chúng ta đã nói nhiều về nền kinh tế số, xã hội số và cả công dân số. Liên kết các yếu tố số đó chính là văn hóa. Vậy chúng ta phải chuẩn bị tâm thế như thế nào cho sự hình thành một nền văn hóa số, ở đó có những giá trị, chuẩn mực ứng xử, lối sống, thói quen được hình thành để giúp chúng ta đối phó tốt hơn với những tác động của cuộc sống số?

TSKH Phan Đình Tân: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển bền vững của văn hóa, thể hiện qua những nghị quyết, chiến lược khẳng định và chứng minh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Tuy nhiên, chúng ta muốn nhấn mạnh đến câu chuyện văn hóa ứng xử nó có những vấn đề, khi mà chúng ta đang sống trong xã hội chuyển đổi, nhất là đang bị chi phối rất lớn trong thời đại công nghệ số. Thực sự chúng ta chưa tạo ra được một tâm thế, cũng như tạo ra một sự chuẩn bị tốt để có một cách ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay.

Nhưng quá khứ nhắc chúng ta rằng, để vượt qua muôn vàn khó khăn, chúng ta cần có sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân. Dịch Covid-19 và những nỗ lực của chúng ta đang diễn ra khẳng định sức mạnh tinh thần, sự đoàn kết, chia sẻ vốn đã tạo ra sức mạnh Việt Nam được cả thế giới nể phục. Như vậy, xây dựng và phát triển văn hóa phải xem là nhiệm vụ của tất cả mọi người, mọi ngành, mọi cấp. Đây chính là những nền tảng quan trọng giúp chúng ta ngày càng phát triển trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, hình thành nên “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam, góp phần đẩy lùi những tác động tiêu cực từ hệ lụy của hành vi ứng xử lệch chuẩn, giúp xây dựng “lá chắn” bảo vệ cộng đồng. Hơn ai hết, những người lãnh đạo cơ quan, công sở, người lớn cần phải nêu gương, có trách nhiệm hơn, có đời sống mẫu mực hơn. Đặc biệt, cần phát huy vai trò môi trường gia đình và xã hội, trong đó các trường học cần tăng cường giáo dục những kiến thức công dân về trách nhiệm, về đạo đức xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa)

VƯƠNG HÀ-THU HÀ (thực hiện)