Nhớ lại hồi tháng 4-2017, khi chúng tôi tổ chức chuyên đề “Văn hóa đọc sách” được đồng chí Trưởng phòng Biên tập Báo Cuối tuần Nguyễn Hồng Hải (nay là Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân) gợi ý đặt PGS, TS Phạm Văn Tình viết một bài về “Danh nhân đọc sách”. Tôi đã liên hệ với PGS, TS Phạm Văn Tình và đến nơi ông đang làm việc. Căn phòng rộng chừng 10m2 nhưng sách, báo, tạp chí chất đầy từ ngoài cửa đến bàn làm việc. PGS, TS Phạm Văn Tình bảo tôi ngồi tạm một chỗ trên chiếc ghế gỗ dài cũng để kín sách. Còn ông ngồi ở bàn làm việc lọt thỏm giữa các chồng sách, báo cao ngất ấy.
Lần đầu gặp một chuyên gia mà tên tuổi nổi tiếng trên nhiều báo, tạp chí thời ấy, tôi gọi “thầy” xưng “em”. Nhưng PGS, TS Phạm Văn Tình nói: “Tôi chưa dạy em ngày nào nên cứ gọi là “anh” cho dễ nói chuyện nhé. Thực tế nghe thầy nói thế ban đầu tôi cũng cảm thấy hơi ngại nhưng chính cách nói chuyện vui vẻ, dễ gần của ông dần dần tôi cũng thấy thoải mái hơn. Sau này tôi biết, PGS, TS Phạm Văn Tình đều thích mọi người gọi mình bằng anh, bởi đơn giản ông muốn tâm hồn mình luôn trẻ mãi.
Hôm ấy, tôi nhờ ông viết bài về đề tài “Danh nhân đọc sách”, ông nhận lời luôn vì cũng cảm thấy thích đề tài này. Nhưng quan trọng hơn, ông nói rằng: “Dù trước nay chưa cộng tác Báo QĐND Cuối tuần, nhưng anh từng nhập ngũ và rất yêu quý Báo QĐND đấy. Hy vọng sau này sẽ cộng tác nhiều hơn…”. PGS, TS Phạm Văn Tình kể, ông nhập ngũ ngày 19-4-1975, từng đóng quân ở Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội), sau đó được phân về Đại đội 25, Tiểu đoàn 293, Sư đoàn 373 (Binh chủng Radar)...
Từ sự khởi đầu suôn sẻ ấy, PGS, TS Phạm Văn Tình đã trở thành cộng tác viên quen thuộc, thân thiết trên Báo QĐND Cuối tuần, nhất là các số đặc biệt và báo Tết. Mỗi lần đặt bài thì ông thường bảo tôi nhắn tin lại vào điện thoại nói rõ cụ thể tên đề tài, nội dung cần đề cập, dung lượng chữ kèm ảnh và ngày nhận bài… Lần nào tôi đặt bài, PGS, TS Phạm Văn Tình cũng ít khi từ chối và đã nhận lời viết thì đều giữ lời hứa, gửi bài rất đúng hẹn. Thậm chí nhiều lần đang bận đi công tác xa, vì trót nhận lời viết bài, ông vẫn cố gắng tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi để hoàn thành bài viết.
Những bài viết của PGS, TS Phạm Văn Tình rất sâu sắc nhưng cũng dễ đọc khi đề cập đến những vấn đề khoa học ngôn ngữ, câu chuyện văn hóa, giáo dục, về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chân dung các nhà khoa học hàng đầu của đất nước về ngôn ngữ học Việt Nam. Ngoài ra, ông còn viết bình luận thể thao trên Báo QĐND.
 |
PGS, TS Phạm Văn Tình.
|
Cũng có lần tôi được chỉ huy phòng giao đặt bài PGS, TS Phạm Văn Tình viết gấp về vấn đề lịch sử của chữ Quốc ngữ bởi thời điểm đó dư luận đang dậy sóng về bảng chữ cái tiếng Việt mới của một nhà khoa học đưa ra. Ông đã viết bài xong ngay trong đêm. Thế nhưng vì lý do khách quan, bài không kịp đăng. Dù là vậy, PGS, TS Phạm Văn Tình cũng rất thông cảm và vẫn vui vẻ, tích cực cộng tác. Có lẽ phong cách làm việc nghiêm túc, cầu thị, không ngại chỉnh sửa bài… là những phẩm chất rất đáng quý ở PGS, TS Phạm Văn Tình mà cũng vì thế chuyên gia về ngôn ngữ này được báo giới rất quý mến trong suốt mấy chục năm qua.
Đặc biệt, từ số báo ngày 19-9-2021, Báo QĐND Cuối tuần mở chuyên mục “Chữ và Nghĩa” trên trang 13 (Câu lạc bộ chiến sĩ), PGS, TS Phạm Văn Tình chính là người khởi đầu và cũng là người giữ “linh hồn” cho chuyên mục này. Cứ đều đặn xuất hiện hằng tuần ở “Câu lạc bộ chiến sĩ” suốt gần hai năm, chuyên gia “Chữ và Nghĩa” Phạm Văn Tình đã cung cấp cho bạn đọc cả nước, nhất là cán bộ, chiến sĩ trẻ thêm nhiều kiến thức giá trị, bổ ích, thú vị về kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam, đặc biệt là cái hay, cái đẹp, cái muôn màu ngữ nghĩa của ca dao, tục ngữ, thành ngữ của ông cha ta. Có một điều rất dễ nhận thấy ở PGS, TS Phạm Văn Tình khi cuối mỗi bài viết “Chữ và Nghĩa” đều kết thúc bằng hai câu thơ lục bát.
 |
Trang 13 Báo QĐND Cuối tuần số ra ngày 19-9-2021 đăng bài viết mở đầu chuyên mục "Chữ và Nghĩa" của PGS, TS Phạm Văn Tình. |
Nhận xét, bình luận bằng thơ cũng chính là phong cách rất quen thuộc của PGS, TS Phạm Văn Tình mà bạn bè, đồng nghiệp hay các học viên đều thấy dù là tại các hội đồng chấm luận văn, tọa đàm khoa học, chương trình truyền hình “Vua tiếng Việt” hay trên mạng xã hội.
Nhờ công việc mà tôi được PGS, TS Phạm Văn Tình mời tham dự khá nhiều hội thảo, tọa đàm mà ông làm thư ký hoặc công tác tổ chức. Trong đó có tọa đàm khoa học về “Giáo sư Hoàng Phê với tiếng Việt và chuẩn hóa tiếng Việt”. Điều khá thú vị, bất ngờ là kết thúc buổi tọa đàm, PGS, TS Phạm Văn Tình đọc lời cảm ơn bằng một bài thơ được ông sáng tác ngay tại buổi tọa đàm. Bài thơ của ông như nói hộ nỗi lòng của con gái GS Hoàng Phê khiến nhiều đại biểu dự tọa đàm rưng rưng xúc động. Còn tôi thực sự ngưỡng mộ về tài thơ ca của nhà giáo quê thành Nam này.
PGS, TS Phạm Văn Tình rất mê thể thao. Cứ mỗi dịp có các giải bóng đá lớn của thế giới hay châu lục như: World Cup, Euro hay SEA Games, thậm chí cả giải bóng đá của cơ quan thì mọi người đều thấy một cổ động viên Phạm Văn Tình vô cùng cuồng nhiệt. Ông cập nhật từng ngày, từng giờ qua trang Facebook của mình từ hình ảnh những pha bóng hay, những diễn biến đáng nhớ của trận đấu và cũng tổng kết trận đấu bằng… một bài thơ dạt dào cảm xúc.
 |
Một trong những cuốn sách về tiếng Việt của PGS, TS Phạm Văn Tình. Ảnh: MINH THÀNH |
PGS, TS Phạm Văn Tình sinh năm 1954 tại Nam Định. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội); nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo QĐND Cuối tuần, ông từng chia sẻ rất nhiều điều về những dự định cho việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, những nỗ lực cố gắng của các nhà khoa học để mong dự thảo Luật Ngôn ngữ sớm được ra đời và biết bao công việc khác ông tâm huyết. Vậy mà sáng 10-5 vừa qua, ông đã bỏ lại tất cả để đi về miền mây trắng…
Sự ra đi đột ngột của PGS, TS Phạm Văn Tình khiến cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và biết bao học viên bàng hoàng, tiếc thương. Bài viết này như một nén tâm nhang tưởng nhớ PGS, TS Phạm Văn Tình, một cộng tác viên thân thiết của Báo QĐND, một nhà khoa học, nhà báo, nhà thơ suốt đời tận tụy, miệt mài cống hiến cho công việc, vì tiếng Việt của chúng ta.
MINH THÀNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.