Chương trình được Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội truyền hình trực tiếp và được nhiều đài truyền hình địa phương tiếp sóng.

Tới dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội; Hà Minh Hải, Thành ủy viên, Trưởng ban tổ chức Thành ủy Hà Nội.

 

Chương trình chính luận nghệ thuật “50 năm đất nước trọn niềm vui”.

Hà Nội trong khúc khải hoàn 

Đại thắng mùa Xuân 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho đất nước. Trong hành trình đến ngày toàn thắng đó, Thủ đô Hà Nội đã phát huy vai trò “trái tim của cả nước”, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những cống hiến của Hà Nội chính là biểu tượng sáng ngời của ý chí, tinh thần đoàn kết, niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, chương trình chính luận nghệ thuật “50 năm đất nước trọn niềm vui” được dàn dựng công phu, kết hợp hài hòa ngôn ngữ chính luận và nghệ thuật, sử dụng âm nhạc hàn lâm với dàn nhạc giao hưởng 66 loại nhạc cụ biểu diễn trên sân khấu, hát và múa vũ đạo; trình chiếu 3D mapping kết hợp phóng sự, giao lưu với những nhân chứng lịch sử... tái hiện những cột mốc quan trọng, hình ảnh của Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Diễn ra trong thời tiết không thuận lợi, mưa dày hạt, nhưng trên sân khấu các nghệ sĩ vẫn nhiệt huyết hết mình, qua những câu chuyện kể, biểu diễn nghệ thuật, đưa khán giả được sống lại những ngày tháng oai hùng của dân tộc qua những bản hùng ca bất tử như: “Miền Nam tuyến đầu Tổ quốc”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Xa khơi”, “Bài ca hy vọng”…

 
 Tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong chương trình.

Hay, thông qua các ca khúc “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” như lời khẳng định: Hà Nội - Huế - Sài Gòn không chỉ là ba địa danh, mà là ba nhịp đập của một trái tim dân tộc, mạch nguồn thống nhất đưa dân tộc Việt Nam đi qua mọi bão giông, đến bến bờ của tự do, hạnh phúc.

Đặc biệt, những sáng tác về Thủ đô trong những ngày tháng cam go nhất của cuộc chiến, trong thời khắc Hà Nội hiên ngang đương đầu với thử thách lớn lao - siêu pháo đài bay B-52 như: “Hà Nội những đêm không ngủ”, “Bài ca Hà Nội”… vừa hùng tráng vừa thiết tha, mang đến những xúc cảm dâng tràn với khán giả.

Các nghệ sĩ: NSND Tấn Minh, NSƯT Lan Anh, ca sĩ Mỹ Linh, Quách Mai Thy, Trần Tùng Anh, Kyo York, nhóm Thăng Long, Dàn nhạc giao hưởng Đài PT - TH Hà Nội,… đã cùng thổi hồn vào từng giai điệu, hòa chung nhịp đập để viết nên bản hùng ca của một dân tộc bất khuất.

Những dấu ấn tạc vào lịch sử hào hùng của dân tộc

Cùng với những bản nhạc bất hủ gợi những ký ức hào hùng của dân tộc, “50 năm đất nước trọn niềm vui” còn đem tới cho khán giả những khoảnh khắc xúc động qua những phóng sự và cuộc giao lưu đặc biệt. 

Không khí sục sôi của “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Cờ ba nhất”, “Gió đại phong”, “Chiếc gậy Trường Sơn”… được tái hiện qua phóng sự về các phong trào thi đua yêu nước Thủ đô, khẳng định Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong phát động những phong trào có sức lan tỏa lớn, tạo động lực, sức mạnh để các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ lớn lao chi viện cho tiền tuyến. 

Phóng sự về Trung đoàn “Mũ sắt” - đơn vị bộ đội thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đưa khán giả trở lại đỉnh Chư Tan Kra (tỉnh Kon Tum), nơi rạng sáng 26-3-1968, hơn 200 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc đối đầu khốc liệt với lính Mỹ. Những người lính “mũ sắt” - phần lớn còn rất trẻ - đã hóa thân vào núi rừng Tây Nguyên, trở thành biểu tượng bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nhà văn, nhà báo Phùng Huy Thịnh xúc động kể lại những năm tháng không quên ngoài mặt trận.

Tiếp bước thế hệ những người lính Hà Nội lên đường chiến đấu, ngày 6-9-1971 trở thành cột mốc không bao giờ quên đối với thế hệ trí thức trẻ Thủ đô. Tiếp nối phong trào “Ba sẵn sàng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, hơn một vạn sinh viên các trường đại học của Hà Nội đã lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Trong phần giao lưu với nhân chứng, khán giả đã nghe lại câu chuyện kể xúc động của người lính, nhà văn, nhà báo Phùng Huy Thịnh. 54 năm trước, ông đã "xếp bút nghiên lên đường ra trận", tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị trong những tháng năm đỏ lửa và sau đó là Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp sức làm nên mùa Xuân đại thắng năm 1975.

Với ý chí kiên cường, với lòng dân như thành đồng, Hà Nội đã viết nên bản anh hùng ca “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, tạo tiền đề quyết định cho thắng lợi trọn vẹn năm 1975.

Tiết mục nghệ thuật mang đậm màu sắc của Hà Nội hào hoa thanh lịch trong chương trình. 

Ngày này cách đây 50 năm, Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - đã đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đến thắng lợi huy hoàng.

Chương trình “50 năm đất nước trọn niềm vui” đã cùng khán giả nhìn lại chặng đường đấu tranh đầy gian khổ nhưng cũng vô cùng vinh quang, để mỗi người Hà Nội hôm nay càng thêm tự hào khi đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giành lại hòa bình, độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.

“50 năm đất nước trọn niềm vui” là khúc tráng ca của ý chí, khát vọng và tinh thần quật cường của quân và dân Thủ đô, là khí phách Thăng Long chói ngời, là niềm tin lời hẹn thống nhất, là hành trình bất khuất và vinh quang của dân tộc.

HÀ ANH - PHẠM THỦY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.